MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gian nan bán hàng tiểu ngạch

22-05-2010 - 11:51 AM | Thị trường

Rủi ro và thiệt thòi luôn đeo bám các thương nhân, kể cả doanh nghiệp, trong mua bán tiểu ngạch, nhất là với thị trường Trung Quốc.

Bấp bênh...

Nguyên một đoạn đường gần 2 ki lô mét, đoạn từ dốc Quýt, hướng về cửa khẩu Tân Thanh là chợ hoa quả khô được các hộ dân mở ra làm nơi tập kết hoa quả Việt Nam chuẩn bị xuất qua Trung Quốc. Chợ Đồng Đăng cũng là nơi thu mua vải khô, nhãn khô, thanh long từ Cái Bè - Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận chở ra. Trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều tập trung tại khu chợ này.

Một phiên “giao dịch” vải khô diễn ra tại khu chợ vùng biên khá căng thẳng, tiếng càu nhàu, la hét đến khản cổ để kỳ kèo từng chút một. Chị Lan, một tiểu thương quê ở Phủ Lý, Hà Nam, vẫn chưa hết ấm ức sau khi bán được lô hàng 5 tấn vải khô với giá 10,5 nhân dân tệ (NDT) một ký. Chị ra giá là 13 NDT một ký, một thương lái người Hoa trả xuống còn 10,5 NDT. Sau khi vô bao, chủ hàng người Trung Quốc, không chịu trả tiền bao bì, ông cho rằng giá vỏ bao (20.000 đồng/cái) đã được tính vào giá vải. “Bán với giá 10,5 NDT/ki lô gam vải là tôi đã bị lỗ vốn rồi, nhưng họ cũng không trả tiền bao. Thông thường, chi phí bao bì, phía Trung Quốc phải chịu. Nhưng tôi lại quên thỏa thuận với họ”, chị Lan tức tưởi nói.

Buôn bán ở vùng biên, những chủ hàng Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào người mua hàng Trung Quốc. Với số vốn ít ỏi, tiểu thương buôn bán ở đây luôn bị người mua hàng Trung Quốc bắt chẹt, vừa phụ thuộc vào những chủ vựa ở cửa khẩu. Anh Trần Văn Tròn, một tiểu thương buôn bán thanh long ở cửa khẩu Tân Thanh gần 10 năm nay, cho biết do không biết tiếng Trung, khi đưa hàng ra biên giới mọi giao dịch mua bán phụ thuộc vào chủ vựa là người địa phương. Mức lợi nhuận của anh Tròn đều do chủ vựa quyết định, giá cả mà chủ vựa thỏa thuận với thương lái Trung Quốc, chủ hàng người Việt cũng không thể kiểm soát được. Một thiệt thòi khác, do phụ thuộc vào nguồn vốn, phải xin chủ vựa ứng tiền trước để làm hàng (mua hàng đưa lên cửa khẩu) nên khi thanh toán tiền, chủ vựa trả tiền cho chủ hàng thường bớt đi 1 NDT. “Nếu họ bán được một kí lô thanh long có giá 3 tệ, mình chỉ nhận được 2 tệ”, anh Tròn nói thêm.

Những chủ vựa trái cây ở Đồng Đăng mở kho chứa hàng, làm trung gian mua bán giữa chủ hàng trái cây của người Việt và thương lái Trung Quốc. Chủ vựa bỏ tiền ứng trước cho người buôn trái cây và họ cũng chịu cho những thương lái Trung Quốc mua hàng trả chậm từ 10-20 ngày. “Chúng tôi chịu rủi ro cao, có nhiều trường hợp chủ hàng người Việt hết vốn, bỏ đi luôn, chúng tôi mất vốn. Những thương lái Trung Quốc về bán không được hàng, chúng tôi cũng mất vốn vì đã giao hàng trước cho họ”, bà Lê Thị Mến, một chủ vựa trái cây ở Đồng Đăng, nói.

Thiệt thòi...

Trong buôn bán tiểu ngạch, tiểu thương và doanh nghiệp Việt Nam luôn bị thiệt thòi. Trái cây Việt Nam tập kết ở cửa khẩu có khá nhiều chủng loại. Hai mặt hàng được giao dịch nhiều nhất là trái vải và nhãn sấy khô. Các thương lái lựa chọn vải dựa trên độ khô đều của trái vải, quả to, màu sấy khô nhưng vẫn đỏ đẹp. Giá vải dao động từ 9-15 NDT/ki lô gam tùy theo chất lượng từng loại vải và người mua chọn lựa.

Theo những chủ vựa ở Đồng Đăng, trái cây sấy khô Việt Nam tiêu thụ rất tốt ở các tỉnh Phúc Kiến, Hồ Nam, Hồ Bắc, Thượng Hải, Quảng Đông, Quảng Tây. Vải thiều sấy khô ở Việt Nam sau khi mua về được tiếp tục làm sạch, qua một công đoạn sấy khác, đóng gói vô bao, mỗi bao từ 1-5 ki lô gam, tiêu thụ tại các chợ ở thành phố lớn của Trung Quốc, với thương hiệu Trung Quốc là Nichican (vải thiều sấy khô - theo tiếng phổ thông - NV). Trái cây Việt Nam còn được các thương nhân Trung Quốc mua về chế biến và đóng gói với nhãn mác bao bì mới để xuất khẩu sang Malaysia và các nước lân cận.

Các tiểu thương người Việt buôn bán tiểu ngạch vì vốn ít, nhưng các doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn vẫn chọn cách làm ăn này. Vì sao? Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của tỉnh muốn tận dụng chính sách khuyến khích ngoại thương biên giới (thuế suất 0%), nên vẫn đưa hàng ra biên giới bán tiểu ngạch. Đây là nguyên nhân xảy ra tình trạng ép giá, ách tắc hàng tại cửa khẩu. Sản lượng thanh long của Bình Thuận, đạt khoảng 250.000 tấn/năm, trong số này có đến 90% là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

 
Một chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần có chính sách riêng cho xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Chính sách khuyến khích biên mậu của Việt Nam với Trung Quốc hiện nay chưa sát với thực tế. Vị này dẫn chứng, hiện hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đang bị hạn chế, hàng Việt Nam chỉ được xuất khẩu sang Trung Quốc qua một số cửa khẩu nhất định do Trung Quốc chỉ định. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước luôn bị động với những chính sách “linh hoạt” của Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của họ.
 
Theo Tấn Minh
 TBKTSG
 

thanhhuong

Trở lên trên