MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa ngày 26/01]: Gần Tết, nhiều mặt hàng tăng giá

26-01-2015 - 23:49 PM | Thị trường

Cận Tết, giá nhiều sản phẩm gia cầm như trứng, gà thịt và hải sản đang có xu hướng nhích lên.

Tóm tắt:

- Ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn cần được giải quyết

- Giáp tết giá trứng, thịt gà, thịt bò, hải sản cùng tăng

- Hà Nội chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm

- Nguyên liệu ngành nhựa phải nhập khẩu đến 80%

………

Nhiều vần đề giải quyết cho ngành thủy sản

Năm qua, xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỉ USD là cố gắng rất lớn của của nông dân và doanh nghiệp. Cho dù tình trạng dịch bệnh EMS dẫn đến sản lượng giảm mạnh. Tại thời điểm này, dịch bệnh này vẫn chưa khắc phục được. Người nuôi phải đối chọi tỉ lệ tôm nuôi không thành công rất cao.

Khó khăn khác là vấn đề chống bán phá giá tôm kéo dài hơn 10 năm, gây khó khăn cho tình hình xuất khẩu rất lớn,  cho dù các doanh nghiệp đã đoàn kết để chóng chọi với quy định ngặt nghèo của Mỹ. Thuế chống bán phá giá năm 2014 xấp xỉ 9%. Một loại bệnh dịch khác là bao thực trùng rất khó tiêu diệt, khi có điều kiện là phát triển, nếu không có giải pháp tốt về tôm bố mẹ, sản xuất giống sẽ kéo theo nguy cơ cao.

Vấn đề kiểm soát doanh nghiệp phải tốn nhiều công sức và tiền của. Nhưng hiện tại, việc lạm dụng kháng sinh khá phổ biến nên việc rất khó khăn. Theo quy định, cơ quan chức năng kiểm định doanh nghiệp chế biến nếu phát hiện thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Nhưng các doanh nghiệp lấy mẫu kiểm 3 ngày mới có kết quả. Điều này gây khó cho doanh nghiệp vì người nuôi mang tôm đến bán cho doanh nghiệp thì không thể nào chờ có kết quả kiểm nghiệm mới mua. Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu than phiền cho dù họ cố gắng kiểm soát gắt gao nhưng cũng có lúc không thể kiểm soát được dẫn đến nguy cơ cao.

Tôm bị EMS, người nuôi đối phó bằng cách lạm dụng sử dụng nhiều kháng sinh. Một số doanh nghiệp đưa ra quy trình nuôi tôm không kháng sinh nhưng không mang lại hiệu quả, có doanh nghiệp phải mất gần 200 tỉ đồng do nuôi tôm không có kháng sinh. Trong khi hàng rào kiểm soát ngày càng khắt khe, gây khó khăn cho người nuôi cũng như doanh nghiệp xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng Nghị định 36 ra đời cho ngành nghề là đúng nhưng vấn đề tham vấn chưa am hiểu hết về thị trường. Các ngành tham mưu cũng phải suy xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Nhất là vấn đề chất lượng, chuỗi chất lượng (giống, thức ăn, nuôi, chế biến). Trong Nghị định lại bỏ qua vấn đề giống, thức ăn, nuôi. Giống thoái hóa, tỉ lệ giống chết cao, thời gian nuôi dài, thức ăn không kiểm soát nên không thể nào biết được chất lượng.

Trứng, thịt gà tăng giá

Cận Tết, giá nhiều sản phẩm gia cầm như trứng, gà thịt đang có xu hướng nhích lên. Theo dự đoán của giới kinh doanh, dù có tăng giá nhưng sản phẩm gia cầm sẽ khó có đột biến do nhóm mặt hàng này các công ty tham gia bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn hàng lớn nên đủ sức chi phối thị trường.

Chuẩn bị cúng tất niên và đãi thợ, cuối tuần qua, chị Nguyễn Thị Hằng - vợ một nhà thầu xây dựng ngụ quận 7, TP HCM - gọi điện cho mối quen ở Long An đặt mua 10 con gà ta loại ngon thì được báo giá 90.000 đồng/kg (gà lông), tăng 10.000 đồng/kg so với giá bán cách nay 1 tháng với lý do “giá Tết”.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, xác nhận giá gà lông màu xuất chuồng tại các trại trên địa bàn đang có xu hướng tăng do nhu cầu Tết. Giá bán phổ biến tại trại từ 70.000-75.000 đồng/kg (gà ta) và 45.000-48.000 đồng/kg (gà tam hoàng).

Trước đó, vào thời điểm tháng 10-2014, giá gà lông màu đã xuống rất thấp, dưới giá thành; có lúc gà tam hoàng bằng giá gà công nghiệp buộc các mối phải mang ra miền Bắc tiêu thụ.

Không chỉ người nuôi gà thịt, người nuôi gà đẻ trứng cũng đang “mát mặt” nhờ giá tăng. Chủ một trại gà đẻ trứng ở Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận gần đây, giá trứng gà bán tại trại xấp xỉ 20.000 đồng/chục, có lợi cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, bà cũng lo ngại mức giá này không kéo dài được lâu do những ngày Tết “hầu như không ai mua trứng gà” trong khi gà vẫn đẻ sẽ dẫn đến tồn hàng sau Tết.

Hà Nội: Chỉ tự đáp ứng được gần 60% nhu cầu thực phẩm

Số lượng thịt do các cơ sở chăn nuôi tại Hà Nội sản xuất chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm của thị trường và tỷ lệ này đang giảm do dân số Thủ đô ngày càng phát triển.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, ngành chăn nuôi TP cần đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, thay vì chạy theo số lượng để tạo lợi thế cạnh tranh. Phát triển chăn nuôi tại các vùng xa khu dân cư, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn…

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, ngoài những chuỗi liên kết do các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi gia công thì TP đã tổ chức liên kết được 18 chuỗi liên kết chăn nuôi.

Piaggio Việt Nam triệu hồi 628 xe nhập khẩu bị dính lỗi

Công ty Piaggio Việt Nam vừa công bố triệu hồi 628 chiếc xe tay ga nhập khẩu nguyên chiếc nằm trong diện ảnh hưởng, gồm các dòng Beverly, Vespa GTS và Vespa LXV (được sản xuất từ ngày 13/5/2009 đến 31/8/2010) để khắc phục.

Theo đó, tại Việt Nam, Piaggio triệu hồi 2 xe Piaggio Beverly 125 i.e có số khung từ *APM691000*; 359 xe Vespa GTS 125 i.e có số khung từ *ZAPM45300* và 267 xe Vespa LXV 125 i.e có số khung từ *ZAPM68102*. 

Piaggio Việt Nam cho biết, đã phát hiện cuộn cảm (Rotor) của bơm nhiên liệu trục trặc gây ra các khả năng: Khó khởi động động cơ, động cơ dừng hoạt động (nếu dùng liên tục trong môi trường quá nóng).

80% nguyên liệu ngành nhựa phải nhập khẩu

Tại buổi tổng kết ngành nhựa năm 2014 tổ chức ngày 24-1 ở TP.HCM, ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN (VPA), cho biết dù kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa đạt được 2,05 tỉ USD trong năm 2014, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2013, tuy nhiên ngành nhựa tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở thị trường EU.

Theo ông Lam, với hiệp định thương mại tự do VN - EU đang đàm phán, các doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ gặp rào cản phi thuế quan rất lớn. Chẳng hạn đối với hóa chất sử dụng trong ngành nhựa, EU bắt buộc phải có nguồn gốc rõ ràng, có đăng ký và nghiên cứu tác động đến sản phẩm ra sao.

Điều này dẫn đến chi phí sản xuất đối với mặt hàng nhựa xuất vào EU tăng lên đáng kể, làm giảm tính cạnh tranh. “Nếu doanh nghiệp nhựa xuất khẩu vào EU không nắm vững các quy định sẽ khó nhận được các ưu đãi thuế quan, thậm chí còn bị cấm nhập khẩu” - ông Lam khuyến nghị. Hiện thị trường EU chiếm khoảng 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhựa năm 2014.

Giá thịt bò, hải sản tăng

Thời gian qua, giá xăng liên tục giảm mạnh song hầu như giá thực phẩm không giảm mà lại có chiều hướng tăng.

Tại một số chợ, giá tôm bạc 120.000-150.000 đồng/kg tùy loại (tăng 10.000-15.000 đồng/kg), mực ống 130.000 đồng/kg, cá kèo 110.000 đồng/kg…

Đại diện chợ Phạm Văn Hai cho biết giá tôm, mực có nhích lên do nhu cầu làm khô cho dịp tết nhiều. Thịt bò cũng tăng giá. Bò phi lê mỗi ký tăng 10.000 đồng lên mức 260.000 đồng/kg, thịt đùi 240.000-250.000 đồng/kg. Một tiểu thương cho biết do nguồn cung không đủ cầu nên giá có tăng.

>>> Tuần 19/01 – 25/01: Giá xăng dầu, cước vận tải, giá thuốc đồng loạt giảm

Hà Thắm

 

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên