MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa nổi bật ngày 02/03]: Xem xét tăng giá điện trong tháng 3

02-03-2015 - 22:55 PM | Thị trường

Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: sau tết, theo đề xuất của EVN, tùy thẩm quyền của Bộ công thương, nếu mức tăng từ 7-10%, bộ sẽ xem xét thực hiện trong tháng 3. Nếu trên 10% sẽ trình Chính phủ và các Bộ liên quan phê duyệt.

Tóm tắt:

- Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy dù là quốc gia có tiềm năng sản xuất muối nhưng Việt Nam vẫn luẩn quẩn trong vòng thừa muối thô thiếu muối tinh nên vẫn phải nhập khẩu muối

- Sáng ngày 1 -3 tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng VFA tổ chức triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân

- Hàng ngàn sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng giả mạo, nhập lậu từ Trung Quốc được gắn mác xuất xứ VN đề đánh lừa người tiêu dùng

- Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ xem xét tăng giá điện trong tháng 3 nếu mức tăng từ 7 - 10% và nếu hơn thì sẽ trình Chính phủ và các Bộ liên quan phê duyệt


Vòng xoáy luẩn quẩn của ngành muối

Việc giải quyết bài toán chất lượng hạt muối Việt trong bối cảnh “nội chê, ngoại thèm” dường như đang là bài toán khó với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết, giá muối trên thị trường trong nước năm 2014 tương đối ổn định, với muối trắng tại miền Bắc dao động quanh mức 1.600 – 2.500 đồng/kg, miền Nam khoảng 1.000-1.400 đồng/kg. Giá muối giảm khá mạnh (khoảng 30- 40%), trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng mạnh khiến diêm dân khốn khổ. Ngay tại Ninh Thuận – một trong hai “thủ phủ” muối của cả nước giảm từ mức 900- 1.000 đồng/kg hồi đầu năm 2014 xuống 500- 550 đồng/kg vào giữa năm  và vẫn duy trì thấp cho đến nay.

Báo cáo của Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết, giá muối sản xuất giảm không chỉ vì “cung vượt cầu” mà còn một số yếu tố khác. Trong đó có việc sức mua của các doanh nghiệp chế biến hải sản yếu, và cước vận tải cao. “Trước, khi mua muối xong các thương lái tập kết và thuê tàu thuyền vào cập cảng Ninh Chữ vận chuyển với số lượng lớn ra Bắc tiêu thụ, đỡ tốn chi phí vận chuyển, nhưng nay cảng này không cho tàu thuyền lớn vào cập cảng, vận chuyển hàng hóa. Các doanh nghiệp, thương lái muốn vận chuyển muối phải đưa xe ô tô tải vào vận chuyển, nhưng cũng chỉ với số lượng ít khiến chi phí đội lên cao hơn”, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất muối ở Ninh Thuận cho biết.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, dù là quốc gia có bờ biển dài, có tiềm năng sản xuất muối với 21 tỉnh, 45 huyện, 125 xã sản xuất muối nhưng bao năm nay Việt Nam vẫn luẩn quẩn trong vòng thừa muối “thô” mà thiếu muối “tinh” nên vẫn thường xuyên phải nhập khẩu muối. Điểm yếu của hạt muối Việt Nam là giá quá cao, còn muối nước ngoài nhập về Việt Nam, tính tất cả phí vận chuyển, thuế đều thấp.

2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản giảm hơn 9%

Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị XK thủy sản tháng 2 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị XK 2 tháng đầu năm đạt 907 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 17,74% tổng giá trị XK. Trong tháng 1, XK thủy sản sang thị trường này đạt 89,9 triệu USD, giảm 36,77% so với cùng kỳ năm 2014.

XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm tương ứng 9,86% và 0,76%. Trong khi đó, XK tăng trưởng ở các thị trường như Trung Quốc (gấp 2,28 lần), Thái Lan (tăng 32,96%).

Tranh nhau mua lúa tạm trữ

Sáng 1-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổ chức triển khai Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ đông xuân 2014 - 2015.

Khi đại diện VFA công bố bảng phân bổ chỉ tiêu dự kiến cho từng tỉnh, thành, không khí hội nghị liền “nóng” lên. Bởi lẽ, địa phương nào cũng muốn được giao chỉ tiêu nhiều để nông dân có lợi.

Đại diện Vĩnh Long cho rằng lần này, VFA phân bổ cho tỉnh thu mua chỉ 28.100 tấn lúa, giảm 34.000 tấn so với năm trước, là không hợp lý. Tỉnh Đồng Tháp yêu cầu VFA giao chỉ tiêu bằng năm ngoái là 176.100 tấn thay vì 155.471 tấn như năm nay.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cũng không hài lòng với chỉ tiêu 83.143 tấn mà VFA phân bổ. “VFA nên giữ mức 103.000 tấn như năm trước vì năm rồi, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh thực hiện đủ và vượt chỉ tiêu phân bổ. Tôi không hiểu dựa vào đâu mà một DN đăng ký thu mua 15.000 tấn, VFA chỉ cho 3.000 tấn” - ông Hóa thắc mắc.

Hàng dỏm Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa thống kê các vụ vi phạm trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán cho thấy số lượng đơn vị bị phát hiện tăng mạnh.

Chỉ tính riêng trong tháng 2-2015, qua kiểm tra gần 1.000 vụ phát hiện vi phạm chủ yếu nhóm hàng thực phẩm, hàng nhập lậu, hàng giả.

Đối với mặt hàng thực phẩm, qua kiểm tra phát hiện hơn 100.000 sản phẩm cùng trên 600 tấn hàng hóa các loại như trái cây, bánh kẹo, thịt, giò chả không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhập lậu...

Cũng trong dịp này, các vụ kinh doanh hàng giả bị phát hiện chủ yếu thuộc các mặt hàng thời trang, giày dép, túi xách.

Đặc biệt, hàng ngàn sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng giả mạo, nhập lậu từ Trung Quốc được gắn mác xuất xứ VN để đánh lừa người tiêu dùng.

Xem xét tăng giá điện trong tháng 3

Ngày 02/03/2015, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 2/2015. Tại cuộc họp này, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc chưa có doanh nghiệp điện lực nào được cổ phần hóa trong thời gian qua cũng như có kế hoạch cổ phần hóa trong thời gian tới.

Lật lại vấn đề, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã nêu lên một câu hỏi: “Tại sao các nhà đầu tư không mặn mà với việc đầu tư vào ngành điện và kéo theo đó là việc cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành này? Lý do quan trọng là đầu ra, là do giá điện thương phẩm cố định và không phải ở mức hấp dẫn, không thể thu hút nhà đầu tư”.

Theo thứ trưởng, so với giá điện của các nước trong khu vực, giá điện tiêu dùng tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Thời gian qua, mặc dù giá  dầu thế giới giảm nhưng không tác động nhiều đến giá điện. Trong khi đó, rất nhiều các yếu tố khác cấu thành nên giá điện lại tăng giá mạnh và làm tăng chi phí sản xuất điện. Đơn cử, giá than tăng 22% trong khi lượng điện sản xuất từ nhiệt điện chiếm 32,27%. Giá khí cũng tăng nhiều lần. Tỷ giá bình quân và thuế tài nguyên đều tăng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, từ trước tết, mặc dù đã hội tụ đầy đủ điều kiện điều chỉnh giá điện nhưng xét đến việc có thể ảnh hưởng đến tâm lý người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện.

“Sau tết, theo đề xuất của EVN, tùy thẩm quyền của Bộ công thương, nếu mức tăng từ 7-10%, chúng tôi sẽ xem xét thực hiện trong tháng 3. Nếu trên 10% sẽ trình Chính phủ và các Bộ liên quan phê duyệt”.

>>> [Hàng hóa nổi bật tuần 23/02 – 01/03]: Thêm lý do để xăng dầu sẽ tăng giá

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên