MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa nổi bật ngày 03/04]: Sắt thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

03-04-2015 - 22:43 PM | Thị trường

Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch ước đạt 11,6 tỷ USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2014). Nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 8,1 tỷ USD (tăng 58,5%).

Lại dồn ứ hàng hoa quả xuất sang Trung Quốc

Chiều 2/4, có gần một nghìn xe ô tô chở hàng nông sản, chủ yếu là dưa hấu, thanh long dồn ứ từ khu vực Tam Lung, huyện Cao Lộc đến khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn).

Theo số liệu của Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, mỗi ngày có khoảng 200 xe ô tô được thông quan qua biên giới, lực lượng chức năng đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để giải tỏa nhanh hàng nông sản, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho các chủ  hàng. 

Sắt thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch ước đạt 11,6 tỷ USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2014). Nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 8,1 tỷ USD (tăng 58,5%).

Nhập sắt thép tăng mạnh, với mức tăng 97% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là máy móc thiết bị (tăng 54%), điện thoại các loại và linh kiện (tăng 52%), vải (tăng 32%). Ở phần ngược lại, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 3,5 tỷ USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giá dầu thô giảm sau thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran

Do lo ngại nguồn cung sẽ trở nên dư thừa hơn nữa sau thỏa thuận khung giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) với Iran, giá dầu trên thị trường thế giới ngày 2/4 tiếp tục sụt giảm thêm gần 4%.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết, đến thời điểm đóng cửa ngày 2/4, giá dầu thô Brent của Biển Bắc giao tháng Năm giảm 2,15 USD, tương đương với 3,8%, xuống còn 54,95 USD, cao hơn gần 1 USD so với mức giá trước đó trong ngày.

Giá dầu WTI của Mỹ trong ngày cũng giảm thêm 0,95 USD, tương ứng với 2,0%, xuống còn 49,14 USD/thùng.

Tìm cách tiêu thụ 4 nhóm nông sản chủ lực

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công Thương có phương án tiêu thụ cho 4 nhóm nông sản: gạo, rau quả, chăn nuôi và thủy sản.

Đây sẽ là nội dung tập trung của đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản nhằm phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững”.

Ngày 3/4 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan nghe Bộ Công Thương trình bày về đề án này.

Đề án về kinh doanh nông sản đã đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh nông sản tại Việt Nam hiện nay và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh doanh nông sản tại Việt Nam thời gian qua. Bộ Công Thương đã đưa ra kết quả nghiên cứu những yêu cầu cơ bản từ thị trường, từ đó xác định những yêu cầu, đòi hỏi đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Nguyên phụ liệu dệt may: 48% nhập từ Trung Quốc

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại Bộ Công Thương (VITIC) cho biết, 2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày của nước ta đạt 658,42 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc với 232,83 triệu USD, chiếm 35,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 33,16% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là Hàn Quốc với 104,07 triệu USD, chiếm 15,8%, giảm 5,27%; Đài Loan với 64,27 triệu USD, chiếm 9,8%, tăng 19,01%; Hoa Kỳ với 40,83 triệu USD, chiếm 6,2%, giảm 0,48% so cùng kỳ.

Theo VITIC, ngành Dệt may của nước ta hiện mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu, trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm tới 48%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may phải nhập toàn bộ nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

>>> [Hàng hóa nổi bật ngày 02/04]: Đổ hóa chất ép mít chín siêu tốc

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên