MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa nổi bật ngày 03/3]: Cấm xuất khẩu một số sản phẩm nông, lâm nghiệp

03-03-2015 - 23:02 PM | Thị trường

Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 187 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó quy định một số sản phẩm cấm xuất khẩu.

Thị trường ô tô 2015: Mừng mừng lo lo

Năm 2014 có thể xem là một năm kinh doanh đầy thành công của thị trường ô tô Việt Nam sau thời gian rơi vào suy thoái. Theo suy luận thông thường, thị trường đang có một đà phục hồi tốt để hi vọng nhiều hơn nữa vào năm 2015.

Tuy nhiên, những diễn biến trong tháng đầu năm đã cho thấy, thị trường đang không dễ để dự đoán, khi cùng lúc xuất hiện nhiều thông tin tích cực lẫn bất lợi đan xen. Nhiều nhận định cho rằng, thị trường ô tô năm nay vừa mừng nhưng cũng lại vừa lo.

Cấm xuất khẩu một số sản phẩm nông, lâm nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 187 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó quy định một số sản phẩm cấm xuất khẩu.

Thông tư quy định, cấm xuất khẩu gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ thuộc các trường hợp: gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ rừng tự nhiên trong nước…

Về xuất khẩu theo điều kiện hoặc theo giấy phép, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi xuất khẩu, thương nhân kê khai hàng hóa với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Đối với động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, cấm xuất khẩu mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên không được xuất khẩu vì mục đích thương mại gồm: Mẫu vật động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB, mẫu vật thực vật rừng thuộc nhóm IA theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại Phụ lục I của CITES.

Các nước ứng phó giá dầu giảm như thế nào?

Giá dầu thế giới trong nửa đầu tháng 2/2015 tiếp tục biến động khó lường, dao động quanh mức giá 50 USD/thùng, có thời điểm tăng chạm ngưỡng 60 USD/thùng.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá dầu giảm có thể giúp các nước tiết kiệm khoảng 2.000 tỷ USD từ cắt giảm trợ cấp năng lượng để đầu tư cho tăng trưởng, tạo việc làm và an sinh xã hội.

Do tác động của giá dầu thấp, một số tập đoàn dầu khí bắt đầu thu hẹp đầu tư, cắt giảm nhân công, điều chỉnh hoặc thậm chí dừng một số dự án dự định triển khai. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt năm 2015 sẽ giảm khoảng 15%.

Đầu tháng 2/2015, số giàn khoan ở Mỹ đã giảm 83 giàn, còn 1.140 dàn khoan. Tập đoàn Total (Pháp) và Royal Dutch Shell (Hà Lan) đã thông báo kế hoạch hạn chế khai thác, trong đó Total sẽ cắt giảm đầu tư hơn 10% và khoảng 2.000 lao động. Việc tạm thời cắt giảm đầu tư của các tập đoàn dầu khí có thể tác động đến thị trường trong dài hạn, nhưng ít tác động đến tình trạng dư cung trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh giá dầu thấp, nhiều nước đã chủ động nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng và chống giảm phát. Các ngân hàng Trung ương của nhiều nước (Canada, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập…) đã hạ lãi suất.

Giá cao su xuất khẩu giảm hơn 31%

2 tháng qua, xuất khẩu cao su của nước ta giá trị đạt 202 triệu USD, tăng 30,5% về khối lượng nhưng giảm 6,3% về giá trị.

Số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm đạt 137.000 tấn, giá trị đạt 202 triệu USD, tăng 30,5% về khối lượng nhưng giảm 6,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2015 đạt 1.423 USD/tấn, giảm 31,27% so với cùng kỳ năm 2014.

Trái cây tăng giá sau Tết

Ghi nhận tại thị trường TP Hà Nội cho thấy giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã giảm nhẹ so với thời điểm trước tết, riêng các loại trái cây vẫn ở mức khá cao.

Chẳng hạn như xoài cát Hòa Lộc lên đến 70.000 – 80.000 đồng/kg, Thanh long dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, bưởi da xanh có giá từ 70.000 – 80.000 đồng/quả; cam Canh từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Măng cụt giá từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, Nho xanh có giá từ 45.000 – 50.000đồng/kg; bưởi Diễn 50.000 đồng/quả...

Theo các tiểu thương, lượng hàng tại chợ quá ít trong khi thời điểm này đang là trái vụ của nhiều loại trái cây nhưng sức mua lại mạnh do sắp tới rằm tháng Giêng. Họ dự báo giá có thể tăng lên nữa trong vài ngày tới và phải đến tận 17 - 18 tháng Giêng âm lịch mới khả năng hạ nhiệt.

>>> [Hàng hóa nổi bật ngày 02/03]: Xem xét tăng giá điện trong tháng 3

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên