MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa nổi bật ngày 26/02]: Giá xăng dầu nhấp nhổm tăng trở lại

26-02-2015 - 23:28 PM | Thị trường

Những doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất trên thị trường hiện nay đều dự báo, trong 15 ngày tới, nếu như giá xăng dầu thế giới vẫn đà tăng trở lại, không loại trừ trường hợp giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ phải tăng giá.

Tóm tắt:

- Sau 15 lần liên tiếp giảm giá, 2 lần kìm nén xăng dầu trong nước đang đứng trước viễn cảnh nhấp nhổm hồi phục theo giá dầu thô, với sức bật có thể không kém khi giảm giá

- Giá cao su rớt giá mạnh ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân

- Giá cả hàng hóa những ngày đầu năm vẫn tăng cao


Giảm giá chưa được bao lâu, xăng dầu nhấp nhổm tăng lại

Sau 15 lần liên tiếp giảm giá, 2 lần kìm nén, xăng dầu trong nước đang đứng trước viễn cảnh nhấp nhổm "hồi phục" theo giá dầu thô, với sức bật có thể sẽ kỷ lục không kém như khi giảm.

Khó có thể ngờ rằng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vừa qua đã đổi chiều nhanh như vậy. Từ mức dương 1.900 đồng/lít đã chuyển sang âm gần 2.500 đồng/lít ( đối với xăng-so với giá cơ sở) chỉ trong vòng một tháng.

Đối với các doanh nghiệp xăng dầu, mức chênh lệch âm giữa giá bán lẻ và giá cơ sở này là minh chứng cho tình trạng bán lỗ.

Theo Bộ Công Thương, xăng A92 thành phẩm trên thị trường Singapore bình quân 15 ngày gần đây đã tăng giá tới 11,5 USD/thùng, tương ứng 20,5%. Dầu diezen tăng 10,1 USD/thùng, tỷ lệ tăng là 16,3%. Dầu hoả tăng nhẹ nhất cũng đã là 9,8 USD/thùng, tức khoảng 15,3%. Riêng dầu madut, mức tăng được ghi nhận là cao nhất với tỷ lệ 21,4%, tăng 64,5 USD/tấn.

Những doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất trên thị trường hiện nay đều dự báo, trong 15 ngày tới, nếu như giá xăng dầu thế giới vẫn đà tăng trở lại, không loại trừ trường hợp giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ phải tăng giá.

Theo lập luận của giới này, Quỹ bình ổn cạn kiệt, Bộ Tài chính lại chưa thể giảm thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp vốn đã lỗ kinh doanh xăng dầu năm 2014 nên không có lý do gì để có thể tiếp tục nén giá xăng dầu.

Cao su rớt giá, cả làng ăn Tết chung

Tiếp đà lao dốc của năm 2014 mủ cao su xuống giá từng ngày, các doanh nghiệp quốc doanh trồng cao su ngấp nghé bờ vực thua lỗ, công nhân không có thu nhập, cả làng ăn Tết chung.

Mồng 6 Tết Ất Mùi, trong ngày đầu cả nước ra quân làm việc, các xã Glar, A Dơk, Ia Băng, Trang, Ia Pếch… thuộc huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, thủ phủ cây cao su trên Tây Nguyên vắng lặng lạ thường. Không phải vì những vườn cao su đã trơ trụi mùa thay lá, không phải người dân lên nương làm rẫy, mà bởi 2 loại cây đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây sắn và cao su, năm qua giá rớt thê thảm, tác động đời sống bà con.

Từ năm 2007 đến năm 2011, giá mủ cao su liên tục tăng, đỉnh điểm có lúc lên đến 110 triệu đồng/tấn, các doanh nghiệp trồng cao su đua nhau mở rộng diện tích, đầu tư ngoài ngành. Nhưng từ năm 2012 đến nay, mủ cao su liên tục giảm giá. Ngày 25/2, giá mủ cao su loại SVR10 tại Gia Lai chỉ còn 23,3 triệu đồng/tấn, loại mủ cao su cao cấp RSS3 giá 29,1 triệu đồng/tấn, giảm tiếp so với hôm trước. Giá trị xuất khẩu mủ cao su của cả nước năm 2014 chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm hơn 27,7% so với năm 2013, dù sản lượng mủ tăng. Giá mủ cao su đang thấp hơn giá thành bình quân khoảng 10 triệu đồng/ tấn.

Giá cả những ngày đầu năm: Vẫn neo cao

Giá xăng giảm, giá điện cũng chưa tăng... thế nhưng các loại thực phẩm, dịch vụ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng giá vù vù dịp đầu năm. Thậm chí, không ít người nhân cơ hội đầu năm mới "chém đẹp” khách hàng bằng những chiêu trò không mới.

"Mặc dù giá xăng đã giảm tới 13 lần trong cả năm 2014 và đầu năm 2015 nhưng đi chợ cái gì cũng tăng giá, từ thịt lợn, thịt gà, bát bún, bát phở, thậm chí cả rau xanh” – chị Hoàng Thị Tuyết, ở phố Pháo Đài Láng (Hà Nội) than thở.

Những ngày đầu năm mới, kiếm một quán ăn quà sáng hay một quầy bán thịt tại chợ cóc, thật hiếm hoi. Nhiều  thương nhân chờ ngày đẹp mới mở cửa hàng. Có lẽ, lợi dụng tâm lý này, nhiều người đã tranh thủ cơ hội đẩy giá cả các mặt hàng lên cao.

Ngư dân trúng đậm mùa ruốc

Sáng ngày 25/2 sau vài giờ đánh bắt, lấy “lộc” đầu năm, nhiều tàu tại xã Bình Hải (Bình Sơn, Quảng Ngãi) trở về trúng đậm ruốc.

Ngư dân Phạm Minh Cường, 30 tuổi, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, cho biết: “Ngay từ 3 giờ sáng, chúng tôi đã kéo thúng ra ghe đi mành nhí. Đến 7 giờ sáng, thuyền tôi thu về khoảng 100kg ruốc. Giá bán hiện tại 25.000 đồng/kg ruốc tươi, còn ruốc khô có thể lên đến 30.000 đồng/kg, chia cho 4 anh em trên ghe, mỗi người cũng được 600 nghìn đồng”.

Còn anh Phạm Thuận, 55 tuổi, thôn Phước Thiện, cho biết nếu đi mành nhí từ 2-3 ngày, cách bờ khoảng 3 hải lý là thu hơn 1.000kg ruốc tươi, ngư dân thu 6-10 triệu đồng/người.

>>> [Hàng hóa nổi bật tuần 09/02 – 15/02]: Giữ ổn định giá xăng dầu hiện hành

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên