MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Việt về nông thôn: Cảnh giác hàng kém chất lượng

12-01-2015 - 17:50 PM | Thị trường

Không ít doanh nghiệp lại lợi dụng Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để trà trộn các mặt hàng kém chất lượng.

Là một địa phương miền núi, điều kiện đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao, giá bán các sản phẩm hàng hóa khá cao, vì vậy, ngành Công Thương Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Trong năm 2015, sẽ có 13 chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi Hà Giang, trong đó tập trung vào mặt hàng thiết yếu với giá bán thấp hơn thị trường từ 5 - 15%. Những phiên hàng Việt này vừa có lợi cho người dân vừa giúp doanh nghiệp quảng bá hàng Việt sâu rộng vào thị trường nội địa.

Còn tại tỉnh Nghệ An, với những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, bà con rất hào hứng, doanh nghiệp thì rất phấn khởi với mức tiêu thụ tăng, mỗi đợt đưa hàng đến một địa phương, tổ chức trong 2 – 3 ngày, doanh số lên đến 2 – 3 tỷ đồng. Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu sức ép về hàng tồn kho, trong khi nhu cầu tiêu dùng của vùng nông thôn với các sản phẩm hàng Việt ngày càng tăng cao, hoạt động này mang lại hiệu ứng rất tích cực với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, việc đưa hàng về nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa gặp cũng gặp không ít khó khăn khi chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng cao, tác động đến giá bán hàng hoá. Trong khi đó, giá bán hàng đến vùng nông thôn luôn phải thấp hơn giá thị trường, phù hợp với khả năng tiêu dùng của người dân. Đây là bài toán khó với doanh nghiệp để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận phù hợp. Do đó, không ít doanh nghiệp lợi dụng hoạt động này để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái được làm từ Trung Quốc, song lại gắn mác hàng Việt.

Tỉnh Nghệ An đã phát hiện doanh nghiệp trộn lẫn hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc giả nhãn mác hàng Việt để bán trong các phiên chợ. Lực lượng quản lý thị trường Nghệ An đã xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp đưa hàng không như quảng cáo và cấm doanh nghiệp hoạt động bán hàng trên địa. Đồng thời tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát hàng hoá, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo về quyền lợi người tiêu dùng và giữ uy tín cho hàng Việt.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang cho rằng, hàng hoá bán tại các hội chợ hàng Việt phải đáp ứng yêu cầu chất lượng và giá rẻ, phù hợp nhu cầu người dân. Nhưng không phải vì thế mà có thể trà trộn hàng giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, với doanh nghiệp lợi dụng đưa hàng nhái vào bán tại các phiên chợ, lực lượng quản lý thị trường sẽ tịch thu và tiêu hủy, không cho phép bán tại các phiên chợ này.

“Trước khi đưa hàng ra thị trường đều phải kiểm soát. Nếu hàng hoá không phải hàng Việt thì phải thu gom tiêu hủy. Bởi hàng kém chất lượng, hàng giả nhãn mác sẽ không được đưa ra thị trường. Yêu cầu hàng về vùng nông thôn là phải rẻ, phù hợp với sức mua của người tiêu dùng song phải trong khung cho phép chứ không phải rẻ là hàng xấu, kém chất lượng. Bởi doanh nghiẹp đã được hỗ trợ kinh phí đưa hàng về nông thôn nên sản phẩm phải bán rẻ hơn, chất lượng đảm bảo.”

Theo số liệu tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,  Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn, với gần 53 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia, tổng số hơn 48 nghìn gian hàng thu hút hơn 3 triệu lượt người dân đến thăm quan, mua sắm. Tổng doanh thu đạt hơn 34.000 tỷ đồng.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn. Người dân nông thôn có thêm cơ hội mua sắm hàng chất lượng cao, do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Còn đối với doanh nghiệp, việc tham gia các phiên chợ hàng Việt giúp mở rộng thị trường nội địa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, đây là một chương trình dài hạn và cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, trong đó có vai trò quan trọng của chính các doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ một phần, luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để thực hiện, thì doanh nghiệp cũng cần xác định đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, nhằm đẩy cho hàng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường, mang lại thương hiệu và lòng tự hào về hàng Việt.

Để người tiêu dùng Việt thật sự tin dùng hàng Việt và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đạt kết quả bền vững, rất cần một chiến lược dài hơi, đồng bộ và hiệu quả. Trong đó có việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa, ngăn chặn hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu và gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ uy tín, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt./.

>>> Thực phẩm Tết: Ngoại hút khách, nội ế sưng

Theo Việt Hà

PV

VOV

Trở lên trên