MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mía đường cạnh tranh trong thế yếu

16-04-2010 - 15:10 PM | Thị trường

Dù chưa bỏ hẳn hạn ngạch, nhưng năm 2010, thuế suất nhập khẩu đường theo cam kết khu vực mậu dịch tự do các nước ASEAN (CEPT/AFTA) chỉ còn 5%.

Do vậy, nếu nhập khẩu đường từ Thái Lan về tiêu thụ thì giá sẽ thấp hơn nhiều lần so với sản xuất trong nước. Hầu hết các nhà máy đường đều cảm nhận “hơi thở” cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ đường nhập khẩu, thế nhưng việc tìm ra giải pháp đối phó thì chưa thấy đơn vị nào chỉ ra được…

Chi phí quá cao

Theo phân tích, chi phí giá thành sản xuất đường được hình thành dựa trên các yếu tố như: giá mía nguyên liệu, công suất chế biến, khấu hao nhà máy, lãi suất vốn vay, hạo hụt, lương nhân công, phí lưu kho, bao bì, vận chuyển… Trong đó, giá mía nguyên liệu quyết định đến 70 -75% chi phí giá thành đường.

So với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines, sản xuất mía tại Việt Nam, đến nay vẫn còn kém xa một bậc về quy mô, năng suất, sản lượng cũng như chất lượng. Nếu như một nông dân Thái Lan sở hữu trung bình 16 - 18 ha đất trồng mía (thực tế có nhiều trang trại cả trăm ha), năng suất trung bình 150 - 200 tấn/ha thì ở Việt Nam, nơi nhiều nhất như miền Trung chỉ là 3ha, còn lại phổ biến dưới 1 ha, năng suất trung bình 50 - 60 tấn/ha.

Sản xuất mía theo quy mô trang trại, đồn điền, tất nhiên sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giống, nâng cao chữ lượng đường. Do đó, chất lượng mía ở Thái Lan luôn đạt tỷ lệ chữ lượng đường ổn định (CCS) từ 11 - 12 CCS/kg, trong khi ở Việt Nam chỉ giao động tối đa 8 - 9 CCS. Do đó, để sản xuất ra một kg đường, các nhà máy đường phải sử dụng tới 12-13 kg mía, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trong khu vực là 7-8 kg mía/kg đường.

Theo bà Phạm Thị Sum, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần mía đường Biên Hòa, sở dĩ năng suất, chất lượng mía thấp kém là do các nhà máy không chú trọng đầu tư, chịu trách nhiệm quy hoạch vùng nguyên liệu riêng cho mình. Đầu tư cho 1 ha mía cần khoảng 25-30 triệu đồng, nhưng với tâm lý “bỏ tiền ra làm cho cả xã hội hưởng” nên mặc dù đa số các nhà máy đường đều có tuổi đời trên 10 năm, nhưng đến nay vùng mía nguyên liệu vẫn là của chung chứ không riêng gì của ai.

Chính sự thờ ơ trong công tác xây dựng vùng nguyên liệu, dẫn đến hậu quả diện tích mía sụt giảm mạnh, sản lượng không đáp ứng đủ công suất thiết kế nên doanh nghiệp phải dành giật bằng cách đẩy giá mía lên cao. Ông Đỗ Thành Liêm, giám đốc công ty cổ phần mía đường Khánh Hòa cho biết đây chính là nguyên nhân đẩy chi phí giá thành sản xuất đường. Theo ông Liêm, ở nhiều vùng như Đông Nam bộ, Tây Nguyên… do cây mía không thể cạnh tranh được với cây trồng khác như sắn, bắp, cao su nên nông dân không đầu tư trồng.

Một báo cáo mới đây của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho thấy, diện tích mía của Việt Nam trong 5 năm vừa qua biến động theo xu hướng giảm, từ 302,3 nghìn ha niên vụ 1999 - 2000 xuống còn 286,1 nghìn ha niên vụ 2003 - 2004 và khoảng 271,1 nghìn ha niên vụ 2008 - 2009. Riêng niên vụ mía năm 2009 - 2010, tổng diện tích mía giảm 36.000 héc ta so với vụ trước, năng suất mía bình quân chỉ đạt 50 tấn/héc ta, giảm 7,6%, dẫn tới tổng sản lượng mía chỉ đạt 13,5 triệu tấn, giảm 18,6%. Do đó, lượng đường tung ra thị trường giảm 18 -20%.

Một nhân tố yếu kém, làm đội chi phí giá thành sản xuất đường có thể kể đến đó là quy mô công suất nhà máy quá nhỏ. Niên vụ 2009-2010, cả nước có 40 nhà máy đường hoạt động. Ngoại trừ một số nhà máy liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư công nghệ khá hơn, còn phần lớn các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, công suất trung bình mới chỉ đạt 2.643,75 tấn mía cây/ngày trong khi công suất tối thiểu để đạt hiệu quả kinh tế của một nhà máy mía đường trên thế giới vào khoảng 6.000-7.000 tấn mía cây/ngày. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh hiện nay thì quy mô nhỏ, công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày, các nhà máy còn tồn tại được. Nhưng đến khi chính sách bảo hộ không còn, số phận các nhà máy này sẽ bị định đoạt vì khó có thể cạnh tranh nổi.

“Với quy mô như vậy, chi phí sản xuất đường của Việt Nam sẽ luôn cao hơn nhiều so với các nước. Đơn cử, trong khi giá thành sản xuất của Thái Lan chỉ vào khoảng trung bình 650 USD/tấn, thì ở Việt Nam là trên 750 USD/tấn”, ông Đỗ Thanh Liên thừa nhận.

Khó cạnh tranh với đường lậu

Theo cam kết WTO, tại thời điểm gia nhập năm 2007, hạn ngạch nhập khẩu đường thô và đường tinh luyện là 55.000 tấn, con số này sẽ tăng 5% mỗi năm và thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch là 25% đối với đường thô và 60% đối với đường tinh luyện từ mía; đối với đường tinh luyện từ củ cải thì thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 50%.

Nhập khẩu ngoài hạn ngạch không bị hạn chế về các quy định nhập khẩu, nhưng phải chịu thuế suất rất cao, từ 80% - 100%. Nhưng cam kết CEPT/AFTA giai đoạn 2009 - 2013 thì khác, từ năm 2010 trở đi, thuế nhập khẩu tất cả các loại đường còn lại chỉ là 5%. Vì vậy, trong năm nay, nhập khẩu đường từ ASEAN chịu mức thuế thấp hơn so với nhập từ các quốc gia khác.

Thời gian vừa qua, Việt Nam nhập khẩu đường chủ yếu từ Thái Lan. Hiện nay, giá đường Thái Lan chỉ dao động trong khoảng 650USD/tấn, và nếu nhập khẩu theo hạn ngạch, cộng thêm 5% thuế nhập khẩu thì giá đường Thái Lan về đến cảng chỉ giao động quanh mức 13.000 đồng/kg. Vì vậy, với lợi thế về giá cả, nguồn cung và chi phí vận chuyển, đường Thái Lan sẽ chiếm ưu thế hơn trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2009, tổng lượng đường tiêu thụ của Việt Nam ước tính khoảng 1,45 triệu tấn, nếu so với lượng đường tiêu thụ năm 2005 là 1,225 triệu tấn thì bình quân mỗi năm nhu cầu về đường tăng thêm khoảng 4,3%/năm. Trong đó, hơn 73% được dùng trong công nghiệp chế biến: sản xuất nước ngọt, nước giải khát, bánh kẹo, dược phẩm và gần 27% được sử dụng trực tiếp tại các hộ gia đình.

Cùng với nhu cầu đường tăng thêm của các hộ gia đình, các ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam dự báo từ nay tới 2013 cũng tăng lên, trong đó ngành bánh kẹo tăng trưởng khoảng 28%, thực phẩm đóng hộp tăng trưởng khoảng 37%, ngành đồ uống cũng được dự báo có mức tăng trưởng rất cao trong cùng giai đoạn. Như vậy, nhu cầu đường của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng trên 4,5%/năm. Theo đó, tổng nhu cầu tiêu thụ đường năm 2010 của Việt Nam ước tính vào khoảng 1,51 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất của các nhà máy đường chỉ đạt khoảng 1,1 triệu, còn lại phải nhập khẩu trên 400.000 tấn.

Theo Hoàng Bảy

SGTT


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên