MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành kính xây dựng xin bảo hộ

02-04-2009 - 21:41 PM | Thị trường

Nhiều doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng đề xuất một số biện pháp mang tính tình thế để bảo hộ hàng sản xuất trong nước, chống lại hàng nhập khẩu.

Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam đã có văn bản số 65 gửi đến Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phản ánh tình trạng gian lận thương mại trong việc nhập khẩu kính qua hình thức khai thấp dưới giá nhập thực tế để trốn thuế nhập khẩu của một số doanh nghiệp.

Hiệp hội này điều tra và báo cáo với Tổng cục Hải quan rằng, kính xây dựng có nguồn gốc từ Trung Quốc đã vào Việt Nam với một số lượng lớn qua cửa khẩu Lạng Sơn và cửa thông quan Hà Nội. Các loại này đều khai giá thấp hơn 50% so với thực tế.

Ví dụ như loại kính cán hoa văn có độ dày 4-5 mm được khai giá là 0,6 đô la Mỹ/m2, trong khi giá kính này trên thị trường khoảng 2 đô la Mỹ/m2. Mặc dù tính thuế nhập khẩu 40% cộng với 10% thuế giá trị gia tăng thì mức khai báo là 0,6 đô la Mỹ/m2 có thể giúp nhà nhập khẩu "trốn" được hơn 12 ngàn đồng/m2. Với số lượng nhập khẩu tính riêng 2 tháng đầu năm khoảng 4 triệu m2 kính các loại, nếu tính toán lại, có thể nhiều tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước đã bị thất thu.

Ông Lê Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Kính và Thủy tinh có dẫn chứng thêm rằng, để chứng minh việc nhập khẩu ghi dưới giá thành này, có thể dẫn ra các ví dụ so sánh. Hiện, ở Việt Nam có hai đơn vị xuất khẩu mặt hàng cùng loại với giá 2,54 đô la Mỹ/m2 và 2,2 đô la Mỹ/m2 (giá FOB).

Theo Hiệp hội Kính và Thủy tinh, do thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư xây dựng công trình bị giảm và chậm lại nên sức tiêu thụ mặt hàng kính rơi theo chiều thẳng đứng. Tính đến thời điểm trung tuần tháng 3, lượng hàng tồn kho khoảng 34 triệu m2.

Hiện tại trong ngành có hai nhà máy công suất 8,5 triệu m2 phải đóng cửa, ba nhà máy khác đã tạm thời tắt lò sản xuất 42 triệu m2. Hiện tại, các nhà máy chỉ còn vận hành 65,5 triệu m2, bằng 56% tổng công suất đã xây dựng, lắp đặt.

Hơn nữa, sản xuất kính cán có hoa văn tại nhà máy kính Đáp Cầu (Bắc Ninh), mỗi mét vuông đã phải mất từ 1,2 đến 1,8 kg dầu FO. Số dầu này tính ra đã chi phí đến 1 đô la Mỹ/m2, chưa tính nguyên liệu.

Vì vậy, mức giá nhập khẩu khai với Hải quan của một số doanh nghiệp là không đúng, ngoài việc trốn thuế. Cách nhập khẩu như trên trong điều kiện hiện nay làm cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khốn đốn.

Còn theo ông Trần Văn Huynh, Chủ tich Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam đề nghị, thì Chính phủ nên xem xét cho giảm thuế giá trị gia tăng cho hai ngành này từ 10% xuống còn 5% hay giảm thuế nhập khẩu dầu FO để giảm giá thành sản xuất cho mặt hàng kính xây dựng, đẩy lực cầu trên thị trường chống đỡ được mặt hàng kính nhập ngoại đang chiếm ưu thế vì giá rẻ và nhiều cách thức nhập khẩu khác.

“Trong giá thành sản xuất kính, giá dầu FO chiếm 30%. Nhưng giá dầu FO hiện tại của Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực từ 20% đến 30%, thậm chí có lúc cao điểm hồi tháng 12-2008 cao hơn đến 50% nên giá bán kính trong nước cao hơn giá kính nhập, làm cho sức tiêu thụ kính trong nước giảm đi đáng kể”, ông Huynh phân tích.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét tăng thuế nhập khẩu mặt hàng này cao hơn 40% như hiện tại nhằm tự vệ thương mại, bảo vệ các nhà sản xuất nội địa. Năm 2008, mức tăng nhập khẩu là 1,5 lần (từ 30 triệu đô la Mỹ lên đến 45 triệu đô la Mỹ). Riêng hai tháng đầu năm 2009, nhập khẩu khoảng 4 triệu m2, chiếm 30% thị phần kính xây dựng nội địa.

Theo Ngọc Lan
TBKTSG

thanhtu

Trở lên trên