MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ khủng hoảng nguồn cung có thể đẩy giá tôm tăng hơn nữa trong vài tháng tới

04-02-2015 - 14:10 PM | Thị trường

Giá tôm trên các thị trường thế giới đã tăng mạnh kể từ đầu tháng 1/2015 do sản lượng ở Maine (Mỹ), Canada và Greenland và nhiều nơi khác đều sụt giảm, và triển vọng sẽ còn tăng hơn nữa trong vài tháng tới, bởi các nước xuất khẩu chủ chốt ở châu Á chưa đến mùa thu hoạch, trong khi nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng trong dịp Tết.

Giá tôm lột vỏ loại 150/250 con/lb đã tăng 6,5% lên 7,20 USD/lb riêng trong tuần cuối tháng 1, đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm. Kể từ đầu năm, giá tôm nước ấm đã tăng 7,5%, tương đương tăng 0,5 USD/lb, do triển vọng nguồn cung sẽ khan hiếm trong năm nay gây thiếu hụt nghiêm trọng.

Trên thị trường châu Á, sản lượng tôm nuôn sẽ giảm trong những tháng tới. Giờ mới đang là thời kỳ nuôi thả ở châu Á (tháng 11 – tháng 2). Mặc dù năm nay nông dân có xu hướng nuôi sớm hơn so với mọi năm với hy vọng thu hoạch cũng sớm hơn để kịp bán khi giá cao. Tuy nhiên, dịch bệnh và thời tiết gây khó khăn cho các nhà sản xuất. Nguồn cung ở cả Thái Lan và Việt Nam sẽ thấp từ nay tới mùa thu hoạch, tháng 4 hoặc tháng 5. Báo cáo từ Thái Lan cho biết sản lượng năm 2014-15 sẽ giảm xuống 200.000 tấn từ mức 250.000 tấn năm trước do dịch bệnh EMS, bệnh đốm trắng và một số bệnh khác.

Tương tự ở Trung Quốc, nguồn cung sẽ khan hiếm cho tới tháng 6. Thị trường tôm thế giới lúc này chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp từ Ecuador.

Ecuador sản xuất khoảng 300.000 – 320.000 tấn tôm mỗi năm. Giá tôm Ecuador bóc vỏ bỏ đầu (HOSO) FOV Guayaquil, chủ yếu xuất sang châu Âu và Trung Quốc, từ mức thấp đã tăng mạnh trong mấy tuần qua, với loại 40/50 hiện đạt khoảng 8 USD/kg, và loạt 30/40 giá khoảng 9 USD/kg.

Người nuôi tôm Việt Nam đang lo ngại về việc tôm lớn rất chậm trong mùa vụ này. Trong mấy năm qua, dịch tôm chết sớm (EMS) đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng và khối lượng xuất khẩu. Để thực hiện các đơn hàng, Việt nam đã phải nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD tôm từ Ấn Độ. Ngành nuôi tôm vẫn đang xây dựng được chiến lược đối phó với dịch bệnh. Cho đến nay chủ yếu vẫn dựa vào thuốc kháng sinh để bảo vệ đàn tôm. Theo báo cáo sơ bộ, sản lượng năm nay có thể sẽ thấp, ảnh hưởng tới nguồn cung tôm toàn cầu. Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu là những thị trường tiêu thụ tôm lớn của Việt Nam. Việt Nam dự kiến sẽ sớm ký hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu, theo đó sẽ xóa bỏ t huế đối với mặt hàng tôm xuất khẩu.

Tại Ấn Độ tình trạng cũng tương tự. Thời tiết mấy tháng qua bất thường khiến nguồn cung tôm rất hạn chế, kể cả tôm đánh bắt tự nhiên và tôm nuôi. Ông Anwar Hashim, giám đốc hãng xuất khẩu tôm hàng đầu Ấn Độ và cũng là cựu chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI) khi trả lời phóng viên của Business Standard đã cho biết sản lượng tôm thẻ chân trắng năm nay rất thấp và ảnh hưởng tới nguồn cung ở các bang Andhra Pradesh và Tamil Nadu. Đánh bắt tôm tự nhiên cũng giảm mạnh. Tất cả đang gây sức ép tăng giá. Tại các thị trường nội địa Ấn Độ, giá tôm đã tăng trung bình 10-15% trong 3 tháng qua. Dự báo nguồn cung tôm Ấn Độ sẽ còn khan hiếm tới tháng 5, khi vào vụ thu hoạch.

Nhu cầu trên thị trường thế giới tương đối ổn định, có dấu hiệu tăng ở một số mơi, nhất là khu vực đồng Euro. Dù nhu cầu không cao nhưng sản lượng không bắt kịp nhu cầu nên có khả năng giá sẽ còn tăng hơn nữa, ít nhất tới tháng 4 – tháng 5.

Tại Mỹ, nhu cầu trong thời gian qua ở mức vừa phải, nhưng triển vọng sẽ tăng trong năm nay bởi lạc quan về tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, sản lượng tôm Mỹ có chiều hướng giảm, sẽ làm gia tăng nhập khẩu.

Trả lời phỏng vấn của IntraFish, ông Jim Gulkin, giám đốc điều hành công ty Siam Canadian Group, cho biết mức tiêu thụ ở các khu vực trên nước Mỹ không đồng đều. Tại một số nơi nhu cầu vừa phải, nhưng một số nơi khá sôi động. Theo ông, kinh tế tăng trưởng tốt, USD tăng giá và dầu giảm giá sẽ khích lệ nhu cầu tiêu thụ tôm.

Tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ năm 2015 được dự báo sẽ không cao như những năm trước, do kinh tế suy yếu và chính sách chống tham nhũng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Tết cổ truyền ở nước này sắp tới, thường là dịp nhu cầu thực phẩm tăng mạnh.

Tại Việt Nam, hầu hết sản lượng tôm sẽ được bán trên thị trường nội địa trong dịp Tết nên nguồn cung cho xuất khẩu sẽ hạn hẹp.

Với thực trạng giá tôm đang tăng chủ yếu bởi thiếu cung, triển vọng thị trường này năm nay nhìn chung sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh EMS của các nước xuất khẩu châu Á.

Vân Chi

CTV Hàng hóa

Business Standard

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên