MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên phụ liệu cho ngành Da giày: Loay hoay với nội địa hóa

26-08-2015 - 08:58 AM | Thị trường

Việt Nam nằm trong nhóm bốn nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil; đồng thời xuất khẩu đứng thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Italy.

Hiện sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước. Riêng tại thị trường Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng thứ hai sau Trung Quốc.

Dù vậy, giá trị gia tăng trong các sản phẩm da giày, túi xách… của Việt Nam khá thấp. Nguyên nhân được cho là do tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của sản xuất trong nước hiện chỉ đạt khoảng 45 – 50%.

Theo điều tra của Dự án Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ da giày TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, có đến 65% số DN sản xuất giày dép, túi xách thực hiện theo phương thức sử dụng nguồn nguyên liệu, thiết kế do khách hàng nước ngoài cung cấp và gắn nhãn hiệu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng; chỉ khoảng 25 – 30% số DN sản xuất theo phương thức tự thiết kế sản phẩm, tự mua nguyên liệu và có nhãn hiệu riêng.

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia tại hội thảo Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2025, tổ chức mới đây đồng thuận rằng, để nâng cao giá trị gia tăng sản xuất da giày Việt Nam, thuộc da là ngành công nghiệp còn nhiều tiềm năng.

Nhưng, thách thức cũng không phải ít. Nhiều chuyên gia lưu ý, thuộc da có phát thải gây ô nhiễm môi trường ở mức cao. Việc xử lý chất thải công nghiệp thuộc da đòi hỏi phải có hệ thống xử lý hiện đại, riêng biệt, chi phí xử lý rất lớn, thường quá sức với các DNNVV.

Trong khi đó, Việt Nam cũng chưa có các tiêu chuẩn rõ ràng về chất thải, khiến các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài, e ngại khi tham gia vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, Bộ Công Thương đã có quy hoạch xây dựng hai khu, cụm công nghiệp thuộc da tập trung, một ở phía Nam và một ở phía Bắc, có hệ thống xử lý chất thải tập trung để hỗ trợ DN trong việc xử lý ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2025 đã được phê duyệt từ năm 2010 cũng đề cập đến nội dung này, nhưng đến nay các khu, cụm thuộc da tập trung như trong quy hoạch vẫn chưa được triển khai.

Theo Ths. Trương Thanh Vũ, Trưởng phòng nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, khó khăn lớn nhất là việc tìm ra một địa điểm phù hợp để đầu tư khu, cụm thuộc da tập trung; kế đến là việc tìm ra mô hình, cách thức nào để DN nhận được hỗ trợ, cam kết lâu dài nhất từ Chính phủ và chính quyền địa phương để yên tâm đầu tư.

Bởi lẽ, lợi nhuận đầu tư vào lĩnh vực thuộc da thấp, cần có thời gian khá dài mới thu hồi vốn nên các nhà đầu tư FDI có phần e ngại. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại hàng loạt khó khăn, là hệ quả từ việc thực thi kém hiệu quả chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là về phát triển vùng nguyên liệu da, công nghiệp hóa chất, cơ khí, nguồn nhân lực, đường giao thông, cấp điện, cấp nước…

Vì vậy, đến nay các cơ quan chức năng và nhiều địa phương vẫn đang loay hoay với câu hỏi: Ai sẽ làm khu, cụm công nghiệp thuộc da? Và câu trả lời thì gần như “bế tắc”.

Thống kê từ Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các DN ngành da giày ở đây mới chỉ đáp ứng được từ 20 – 25% sản phẩm hỗ trợ về thuộc da. Trong khi đó, yêu cầu từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ phải từ 50%, còn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đòi hỏi từ 40% trở lên.

“Nếu không sớm giải quyết được bài toán nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu da giày thì việc đàm phán các Hiệp định như TPP, Việt Nam – EU… sẽ giảm bớt ý nghĩa”, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh than thở.

Để giải quyết những vướng mắc về công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, theo các chuyên gia, cần sớm có một khu công nghiệp tập trung với giá thuê mặt bằng ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Các quốc gia như Thái Lan cho phép làm thuộc da ngay tại thủ đô Bangkok; Ấn Độ cũng cho phép làm thuộc gia ở trong thành phố lớn...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Ngành da giày Việt Nam đã làm gia công 28 năm và chưa có đất nước nào gia công lâu như vậy.

Đã đến lúc phải có những đề xuất hạ bớt tiêu chuẩn về môi trường, bởi nếu cứ đòi hỏi quá cao về môi trường sẽ là rào cản khiến công nghiệp hỗ trợ ngành da giày không thể phát triển.

Theo Thanh Vũ

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên