MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều diện tích lúa và cây trồng có nguy cơ mất trắng vì hạn mặn

31-03-2016 - 16:30 PM | Thị trường

Ngày 31/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu chính thức công bố thiên tai cấp độ 2 do hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại trực tiếp đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, loại thiên tai công bố là hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại trực tiếp đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 2.

Thời gian xảy ra thiên tai từ tháng 10/2015 đến cuối tháng 6/2016. Đối tượng cây trồng bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai là trà lúa sản xuất trên đất tôm-lúa năm 2015, trà lúa Thu Đông năm 2015 và trà lúa Đông Xuân năm 2015-2016.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê chính xác diện tích lúa bị thiệt hại, mức độ bị thiệt hại do thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn, nhu cầu kinh phí hỗ trợ lúa giống để khôi phục sản xuất.

Các địa phương tổng hợp báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, thẩm định thông qua Sở Tài chính xem xét, giải quyết kinh phí hỗ trợ; thực hiện hỗ trợ kịp thời cho nông dân theo quy định, đúng đối tượng, đúng chính sách, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng trục lợi.

Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo nông dân không xuống giống lúa vụ Hè Thu sớm do không đảm bảo nguồn nước tưới.

Đến thời điểm hiện tại, diện tích bị thiệt hại ở Bạc Liêu là gần 14.000ha, trong đó lúa-tôm bị thiệt hại nhiều nhất với hơn 10.000ha, lúa Đông Xuân hơn 1.000 ha, còn lại là lúa Thu Đông. Ước tính thiệt hại hơn 150 tỷ đồng.

Đến giữa tháng Tư sắp tới, diện tích lúa Đông Xuân cần điều tiết nước của tỉnh Bạc Liêu vẫn còn hơn 8.500ha trên tổng số 45.000ha.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, thời gian tới khoảng 2.300ha lúa có nguy cơ thiếu nước, trong đó hơn 500 ha được dự báo sẽ mất trắng.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán và xâm nhập mặn vẫn còn diễn ra gay gắt nên từ nay đến cuối tháng 6/2016 khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất lúa ở Bạc Liêu là rất cao. Bên cạnh đó, người dân còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cuối tháng 2/2016, mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh đã tụt giảm khoảng 2m gây ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt tại các trạm cấp nước tập trung. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Hiện tỉnh Bạc Liêu có 101 trạm cấp nước tập trung; trong đó có 7 trạm do tư nhân quản lý. Thời gian gần đây, nhiều trạm phải hoạt động liên tục 24/24 nhưng vẫn thiếu nước cung cấp cho người dân vào giờ cao điểm.

Trong khi đó tại Tiền Giang, những ngày qua, mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào thượng lưu sông Tiền, đe dọa vùng trồng chuyên canh sầu riêng phía nam quốc lộ 1 thuộc huyện Cai Lậy.

Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết, trước tình hình trên, cơ quan chức năng thông báo rộng rãi diễn biến xâm nhập mặn để nhân dân vùng chuyên canh biết, có biện pháp chủ động phòng chống, chăm sóc và bảo vệ cây trồng tránh thiên tai gây hại.

Các xã đang bị mặn tấn công như Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Tiên đã đóng các cống ngăn mặn và trữ nước ngọt trong nội đồng để chăm sóc vườn cây ăn quả đặc sản trong tình hình thời tiết khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư xã Tam Bình, địa phương đã đóng trên 230 cống ngăn mặn lớn nhỏ trên địa bàn nhằm bảo vệ an toàn trên 1.600ha vườn cây ăn quả, trong đó 85% là vườn trồng chuyên canh sầu riêng đặc sản - một cây trồng đang cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Còn ở xã Mỹ Long, ông Bùi Văn Tăng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết xã đã huy động nhân dân đóng 46 cống đập lớn nhỏ nhằm ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng, bảo vệ vườn cây.

Huyện Cai Lậy có khoảng 7.500 ha sầu riêng, khoảng 500 ha vú sữa lò rèn. Đây là những cây trồng đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng rất mẫn cảm với thời tiết, thủy văn đặc biệt là độ mặn trong nước tưới tiêu. Trước mắt, mặn đang tấn công một số xã vùng chuyên canh như Ngũ Hiệp, Tam Bình, Mỹ Long, Long Tiên, Long Trung...

Huyện đang tiếp tục quan trắc, theo dõi và cập nhật diễn biến xâm nhập mặn để trên cơ sở đó có giải pháp đối phó kịp thời trong những ngày tới./.

PV

Theo TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên