MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo thiếu nguyên liệu chế biến

13-03-2016 - 16:42 PM | Thị trường

Với những cơ sở nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp còn nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều DN chế biến thực phẩm của Việt Nam đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu sản xuất.

NK nhiều

Là một DN khá có uy tín trong ngành chế biến thực phẩm từ thủy sản, với 75% lượng sản phẩm dành cho XK, hiện Công ty Cổ phần Sài Gòn Food (Saigon Food) đang cung cấp gần 500 tấn thành phẩm mỗi tháng với hơn 40 chủng loại mặt hàng cho các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu… Tuy nhiên, theo ông Vũ Huy Quang, Giám đốc XK của Saigon Food, lượng nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu của DN, còn lại DN đang phải NK từ các quốc gia như Nhật Bản, Na Uy, Canada…

Về nguyên nhân của vấn đề trên, ông Quang cho hay, hầu hết sản phẩm của Công ty được XK cho các thị trường có đòi hỏi khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Trong khi, phần lớn nguồn nguyên liệu nội địa chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ như sản phẩm cá hồi chế biến sẵn, hiện cá hồi tại nước ta được nuôi với quy mô nhỏ lẻ, không đúng quy trình nên gây khó khăn trong việc tìm nguồn; kích cỡ cá nhỏ hơn so với cá NK nên việc chế biến thành phẩm không đẹp, không đúng quy chuẩn. Nguồn nguyên liệu từ tôm, cá tra... tuy trong nước có lượng nuôi thả nhiều, nhưng Công ty lo ngại về dư lượng kháng sinh nên cũng hạn chế dùng.

Đồng “cảnh ngộ”, ông Nguyễn Thượng Uyển, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần XNK thủy sản Quảng Ninh cho biết, so với năng suất nhà máy và lượng đơn hàng của DN, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ cả về số lượng cũng như chất lượng. Hơn nữa, nhiều loài cá vẫn chưa được nuôi thả phổ biến ở Việt Nam. Do đó, DN phải đi NK, chấp nhận giá thành cao hơn. Chính vì hoàn cảnh này mà có những khoảng thời gian, kinh tế biến động, tỷ giá ngoại tệ lên xuống thất thường hoặc việc XNK xảy ra sự cố, nguyên liệu không đủ sản xuất, Công ty phải cho công nhân, thiết bị hoạt động cầm chừng.

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), hầu như các DN thủy sản Việt Nam chưa thực sự tạo lập được toàn bộ quy trình khép kín cung ứng nguồn nguyên liệu, nên tình trạng thiếu hụt, không đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu luôn là bài toán nan giải. Sản lượng 2 loài thủy sản chính là tôm và cá tra vẫn chưa ổn định do dịch bệnh, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất và do giá cá bất ổn làm ảnh hưởng tâm lý người nuôi. Hơn nữa, sản lượng các loài có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, mực, bạch tuộc vẫn thấp, trong khi sản lượng tăng lại tập trung chủ yếu vào các loài cá có giá trị thấp. Các DN khó thu mua nguyên liệu vì nông dân không bán chịu, trong khi vòng quay vốn chậm do thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn.

Đối với các DN chế biến thực phẩm từ rau củ quả, tuy nguồn nguyên liệu dồi dào hơn, nhưng theo ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn, trình độ và ý thức của người nông dân về sản xuất nông sản sạch, đúng tiêu chuẩn chưa cao, nếu không có sự kiểm soát và hợp đồng chặt chẽ giữa DN và nông dân thì nguồn nguyên liệu dù có thừa cũng không thể sử dụng được.

Xây dựng vùng nguyên liệu

Từ những trăn trở trên, ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn cho biết, để có nguyên liệu phục vụ các dây chuyền sản xuất rau củ quả đóng hộp XK, Công ty đã liên kết, tạo lập vùng nguyên liệu nuôi trồng ở các địa phương như: Hà Nam, Thái Bình…, ký kết hợp đồng bao tiêu chặt chẽ với người nông dân. Cách làm này không những giúp Công ty đảm bảo số lượng nguồn hàng mà chất lượng cũng được kiểm soát ở từng khâu.

Đối với một DN lớn, có lượng hàng XK đứng top đầu cả nước như Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, để đáp ứng nguồn nguyên liệu lớn, DN này đã xây dựng quy trình nuôi trồng, tạo thành chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất con giống sạch bệnh đến nuôi tôm, sản xuất thành phẩm đạt chứng nhận BAP, ASC (các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản). Hơn nữa, Minh Phú cũng phát triển chuỗi cung ứng bền vững bằng việc ký hợp đồng với hơn 20.000 hộ nuôi tôm nhằm đảm bảo lợi ích giữa các hộ nuôi tôm với DN và đồng thời kiểm soát được toàn bộ quá trình nuôi tôm, đảm bảo tôm không hoá chất kháng sinh.

Trên thực tế, các DN đều nhận thức được sự bức thiết trong việc phải lập ra được quy trình cung ứng nguyên liệu thành một chuỗi sản xuất từ khâu nuôi trồng đến sản xuất, bởi việc phụ thuộc vào nguyên liệu NK không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà về lâu dài, còn tác động tiêu cực đến uy tín sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam. Nhưng với cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, đến nay, đa phần DN lớn mới có thể thực hiện được.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Uyển cho rằng, việc xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm là chủ trương đã được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, việc liên kết giữa DN và nông dân theo chuỗi ngang và dọc vẫn lỏng lẻo, DN không đủ vốn để hướng dẫn, xây dựng lại vùng nuôi trồng theo đúng tiêu chuẩn. Điều này cần đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với những chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện theo đúng tiêu chuẩn khoa học trong chăn nuôi.

Theo Hương Dịu

Báo hải quan

Trở lên trên