Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(NN&PTNT) cho thấy, trong tháng 4/2010, tổng giá trị nhập khẩu các
mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp, nguyên liệu chế biến là 1,5 tỷ
USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này lên tới 4,65 tỷ USD trong 4
tháng đầu năm, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2009.
Theo báo
cáo, cao su và bông là hai mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng mạnh (tăng
gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009); tiếp đó, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ
tăng 51,8%, nhập khẩu của thức ăn chăn nuôi và nguyên phụ liệu tăng trên
33%...
Đại diện của
Bộ NN&PTNT cho rằng, do thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu
đối với một số mặt hàng nông sản theo cam kết Hiệp định thương mại tự
do giữa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Chương trình ưu đãi thuế quan có
hiệu lực chung (CEPT) trong nội khối ASEAN, nên từ đầu năm 2010, nhiều
mặt hàng nhập khẩu được giảm thuế từ 0% đến 5%, khiến cho nông sản,
nguyên liệu nhập khẩu vào nội địa với giá rẻ hơn trước.
Vị này lý
giải, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu sản
xuất của các DN chế biến, xuất khẩu. Đơn cử, với mặt hàng đồ gỗ, hiện
nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng được khoảng trên 20%, gần 80%
còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thực tế cho
thấy, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng
tiêu dùng nội địa, như mía đường.. thì trong 4 tháng đầu năm, vẫn phải
nhập khẩu với số lượng lớn.
Theo ông
Trần Đức Tụng, chuyên gia cao cấp ngành nông nghiệp, việc nhập khẩu
nguyên phụ liệu nông sản, vật tư nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu sản xuất
là cần thiết, song cần phải có các hàng rào kỹ thuật, không thể nhập
khẩu ồ ạt các mặt hàng không thiết yếu như hiện nay.
“Cho đến nay, Việt Nam chưa có
bất cứ một hàng rào kỹ thuật nào đối với việc nhập khẩu nông sản, trong
khi đó, việc xuất khẩu sản phẩm của nước ta sang các nước gặp nhiều khó
khăn do hàng rào của các nước nhập khẩu dựng lên”, ông Tụng nói.
Chia sẻ ý
kiến này, ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho
hay, tiềm năng của ngành mía đường trong nước là rất lớn, song tiếc là
các chính sách phát huy năng lực nội sinh còn thiếu và bất cập, dẫn đến
sản xuất không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.
Ông Đoàn
Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thuỷ sản và
nghề muối (thuộc Bộ NN&PTNT) cũng nhận định, nếu không có chính sách
kịp thời hỗ trợ diêm dân, thì tình trạng phụ thuộc nhập khẩu muối,
không biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Theo ông
Tụng, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật là yếu tố quan trọng, song vẫn
chưa đủ, mà cùng với đó cần phải có các chính sách đồng bộ để thúc đẩy
các ngành hàng sản xuất trong nước nâng cao năng lực sản xuất, chất
lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh...
Theo Viễn Nguyệt
Báo Đầu tư