MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải thu mua ca cao theo thỏa thuận liên kết

22-02-2016 - 21:25 PM | Thị trường

Hiện nay, các huyện Tân Phú, Thống Nhất, thị xã Long Khánh... của tỉnh Đồng Nai đang bước vào vụ thu hoạch rộ ca cao của niên vụ 2015-2016.

Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cho biết, hiện nay, đang vào vụ thu hoạch giá ca cao đã khôi phục và đứng ở mức cao 70.000 đồng/kg.

Đây là mức giá hạt ca cao đạt kỷ lục từ trước đến nay do cung chưa đủ cầu. Tuy nhiên, thị trường đang xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua ca cao.

Theo ông Đặng Trường Khanh, với dự án phát triển cánh đồng lớn cho cây ca cao, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đang được xây dựng ngày càng bền chặt. Tuy nhiên, để cùng phát triển cây ca cao, ông Khanh chia sẻ: “Doanh nghiệp đã thực hiện dự án liên kết với nông dân để phát triển cây ca cao cả chục năm qua. Khó khăn lớn nhất trong dự án là sự phân chia đồng đều trách nhiệm giữa nông dân và doanh nghiệp”.

Theo ông Khanh, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn rất dễ bị phá vỡ khi xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua ca cao. Cụ thể, Công ty Trọng Đức ký kết hợp đồng bao tiêu và có chính sách đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân và bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định. Nhưng khi có doanh nghiệp bên ngoài “nhảy” vào, trả giá cao hơn để cạnh tranh thu mua, nông dân sẵn sàng phá vỡ liên kết.

“Doanh nghiệp kiến nghị cần có một quy chế chặt chẽ, có tính ràng buộc và quy định trách nhiệm rõ hơn cho từng đối tượng tham gia liên kết; trong đó, cần phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân của hợp tác xã. Để làm được như vậy, hợp tác xã cần phải thay đổi về chất với đội ngũ được đào tạo để nâng cao năng lực hoạt động”, ông Khanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Hợp tác xã ca cao Thống Nhất (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Dự án cánh đồng lớn cây ca cao đang triển khai trên địa bàn Đồng Nai được nông dân rất ủng hộ. Vì Công ty TNHH ca cao Trọng Đức đang phát triển theo hướng đầu tư chế biến sâu và hiện đã có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản. Theo đó, công ty có giá bao tiêu sản phẩm cho nông dân cao và sẽ tiếp tục điều chỉnh giá lên theo thị trường”.

Cũng theo ông Phước, tuy có tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp bán ca cao ra ngoài nhưng chỉ là số ít. Nguyên nhân cũng không phải chỉ là lỗi của phía nông dân mà do khâu tổ chức thu mua của tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương chưa tốt. Ở đây, khâu tuyên truyền, vận động nông dân cũng cần được quan tâm hơn, minh bạch hoạt động của hợp tác xã để xã viên hiểu và ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Nguyên Lộc (thị xã Long Khánh) lại không lo ngại nhiều về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh này. Ông Lộc phân tích, vài năm trước tình trạng thu mua chụp giật trên thị trường ca cao vẫn xảy ra. Nhưng chính nông dân cũng nhận thấy cái “lợi bất cập hại” của tình trạng thu mua chụp giật này nên không vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu. Bản thân doanh nghiệp cũng tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc tổ chức tốt hơn khâu thu mua với quan điểm cùng chia sẻ lợi nhuận với nông dân.

Ông Lộc cho biết thêm, Công ty đang cung cấp nguyên liệu cho Tập đoàn Puratos Grand-Place Việt Nam. Tập đoàn đã đầu tư nhà máy chế biến tại Việt Nam chứ không đơn thuần làm kinh doanh nên đang tiếp tục triển khai dự án đầu tư hàng triệu USD để phát triển cây ca cao vào năm 2016. Từ niên vụ 2015-2016, tập đoàn đã triển khai thêm chính sách chia sẻ lợi nhuận với nông dân bằng cách tính thêm điểm thưởng cho nông dân theo hàng quý.

Vì vậy, việc tổ chức tốt khâu thu mua, chia sẻ lợi nhuận sản xuất, kinh doanh cho nông dân để phát triển mối liên kết bền vững là hướng đi doanh nghiệp đang thực hiện để phát triển cây ca cao theo hướng bền vững.

 

Theo Lê Hiền

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên