MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở giao dịch hàng hóa hoạt động ra sao?

24-10-2010 - 19:09 PM | Thị trường

Trên thế giới thì hình thức giao dịch này đã có từ lâu nhưng ở Việt Nam còn rất mới đối với nhà sản xuất, nhà đầu tư.

Công ty Triệu Phong vừa nhận giấy phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong từ đại diện Bộ Công Thương với vốn điều lệ ban đầu là 150 tỉ đồng. Ông Nguyễn Duy Phương, Tổng giám đốc Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong (gọi tắt là TPE), đã trả lời báo chí về hoạt động của sở giao dịch này.

Cơ chế hoạt động cho sở giao dịch này ra sao, thưa ông?

- Ông Nguyễn Duy Phương: Mô hình hoạt động tương tự như các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới cũng như các sở giao dịch chứng khoán hiện nay. Chúng tôi hoạt động dựa vào 3 phần, gồm sàn giao dịch, trung tâm thanh toán bù trừ và trung tâm kiểm định và giao dịch hàng hóa.

Sàn giao dịch sẽ là nơi giao dịch và khớp lệnh, quản lý lệnh từ phía các nhà đầu tư và những người có nhu cầu mua và bán hàng hóa. Còn phần thanh toán bù trừ thì chúng tôi sẽ hợp tác với các ngân hàng và đối tác trong nước cũng như nước ngoài có chức năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực này để đảm bảo tính thanh khoản, độ rủi ro về thanh toán cho các nhà đầu tư khi họ thực hiện các giao dịch hàng hóa với nhau.

Các bộ phận trên sẽ giúp cho các hoạt động giao dịch hàng hóa và đảm bảo được chất lượng hàng hóa cho những nhà sản xuất và kinh doanh trên thị trường, nhất là thị trường nước ngoài, qua đó họ sẽ tiết giảm được các chi phí cho việc lưu kho và kiểm định.

Ông xác định những khó khăn ban đầu của sở giao dịch hàng hóa này là gì?

- Ngay từ khi thành lập đề án sở giao dịch hàng hóa, chúng tôi đã xác định rằng đây là lĩnh vực “cũ người, mới ta”. Trên thế giới thì hình thức giao dịch này đã có từ lâu nhưng ở Việt Nam còn rất mới đối với nhà sản xuất, nhà đầu tư.

Đội ngũ nhân viên am hiểu lĩnh vực này còn hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm đối với những giao dịch liên quan đến hàng hóa phái sinh. Do vậy, chúng tôi biết là sẽ gặp nhiều khó khăn để giới thiệu kênh giao dịch này cho các nhà đầu tư.

Nhưng chúng tôi tin rằng đây là kênh đầu tư, nhu cầu thiết yếu gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế, chúng tôi có thể triển khai được mô hình hoạt động giao dịch này đến với nhà đầu tư và các thành phần tham gia các hoạt động giao dịch hàng hóa.

Tại Việt Nam đã có các sàn giao dịch cà phê và một số mặt hàng khác nhưng cũng chưa thành công như mong đợi. Vậy TPE có phải đối mặt với tình trạng tương tự và đâu là sự khác biệt của sở giao dịch này với các sàn giao dịch hàng hóa khác?

- Chúng tôi đã tiến hành các cuộc khảo sát sự hình thành và hoạt động của các sàn giao dịch như Trung tâm thủy sản Cần Giờ và một số trung tâm giao dịch về thép và cà phê. Hầu hết các trung tâm này áp dụng phương thức giao dịch là giao ngay.

Bộ Công Thương cấp phép cho chúng tôi được phép triển khai các giao dịch kỳ hạn, để cung cấp các công cụ bảo hiểm giá trong tương lai. Theo tôi đây là sự khác biệt giữa sở giao dịch hàng hóa và các trung tâm giao dịch hàng hóa khác tại Việt Nam hiện nay.

Các thành viên sẽ tham gia vào sở giao dịch hàng hóa này là ai?

- Trong giai đoạn đầu, các thành viên kinh doanh chính của chúng tôi là các đối tác đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao dịch các hàng hóa này như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Techcombank và các ngân hàng đã được phép thực hiện các giao dịch hàng hóa phái sinh cho các doanh nghiệp Việt Nam tại các sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài. Chúng tôi cũng đã mời họ tham gia vào hội đồng tham vấn về chính sách, các dịch vụ sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thị trường Việt Nam.

Một trong các lợi thế của chúng tôi là kết hợp chặt chẽ với các hiệp hội cà phê, cao su, thép. Thông qua các hiệp hội này, chúng tôi sẽ tìm được các nhà sản xuất và kinh doanh phù hợp và đảm bảo hệ thống kho bãi, nguồn nguyên liệu để có thể cân đối được tính thanh khoản các giao dịch hàng hóa thông qua sàn và cung cấp thông tin tốt hơn cho các hộ nông dân, những nhà sản xuất nhỏ tại các vùng nguyên liệu chưa tiếp cận được thông tin đầy đủ về thị trường.

Ý ông muốn nói là nông dân cũng có thể tham gia các hoạt động của sàn giao dịch này? Vậy bằng cách nào, thưa ông?

- Chúng tôi đang xây dựng các phương án để tiếp cận các hộ nông dân, những nhà sản xuất nhỏ. Như chúng ta biết hiện các ngân hàng cũng đang cung cấp các dịch vụ tài trợ thương mại cho các hộ nông dân, những nhà sản xuất không phải là doanh nghiệp để họ lưu trữ hàng hóa, vốn cho sản xuất. Chúng tôi sẽ kết hợp với các ngân hàng này cũng như các hiệp hội tổ chức các buổi hội thảo nhằm cung cấp những công cụ, dịch vụ đảm bảo cho các hoạt động sản xuất khi họ không có đủ cơ sở vật chất. Chúng tôi sẽ phối hợp mở các hệ thống văn phòng, kho bãi tại các vùng nguyên liệu.

Ông Nguyễn Duy Phương nói Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong hoạt động theo hình thức tổ chức là một công ty cổ phần và được Bộ Công Thương cấp phép giao dịch các mặt hàng cà phê, cao su và thép.

Các mục tiêu chính trong 5 năm tới là tăng vốn điều lệ từ 150 tỉ đồng hiện nay lên 300 tỉ đồng năm 2012 và 1.000 tỉ đồng năm 2015, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2014.

Sở giao dịch sẽ tập trung cung cấp cho nhà đầu tư Việt Nam các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến các hợp đồng tương lai, kỳ hạn, quyền chọn, hoán đổi đối với các hàng hóa. Các dịch vụ nền tảng là môi giới hàng hóa vật chất, giao nhận, kiểm định hàng hóa, thanh toán bù trừ, tư vấn đầu tư, tài trợ thương mại.

Theo Bình Nguyên

TBKTSG

thanhhuong

Trở lên trên