MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường cà phê: 3 mốc lịch sử đáng nhớ

14-03-2011 - 14:57 PM | Thị trường

Nếu kịch bản của 2 mốc lịch sử trước đây lặp lại thì giá cà phê chỉ tạm lắng một thời gian ngắn và sau đó sẽ tăng trở lại do nhu cầu cao.

Lâu lắm rồi, người trồng cà phê, đại lý cà phê và các công ty kinh doanh cà phê nước ta mới lại có một vụ mùa mừng vui đến vậy. Kể từ khi thu hoạch xong cho đến nay, thị trường đã vượt qua những tiền lệ “được mùa mất giá” để duy trì xu hướng đi lên liên tục, bỏ lại các mốc giá lịch sử từng đạt trước đây. Tuy nhiên trong 2 ngày gần đây, giá đã quay đầu giảm với tốc độ chóng mặt, gợi nhắc về câu chuyện của thị trường năm 1994 và 2008.

Năm 1994

Những ngày đầu tháng 6 năm 1994, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng mạnh do lo lắng về sản lượng thấp. Giá cà phê robusta tại London ngày 8/6 đã chạm 3.150 USD/tấn – cao nhất cho đến lúc bấy giờ và cả ngày nay.

Ở thị trường trong nước, hoạt động tranh mua của các doanh nghiệp và các công ty buôn bán nông sản của các tỉnh, thành phố đã đẩy giá cà phê biến động liên tục với 2-3 lần đổi giá mỗi ngày và đưa giá lên cao ngất ngưởng ở 43 triệu đồng/tấn. Nhưng mức kỷ lục này chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn ngủi là 150 phút rồi quay đầu xuống còn 39 triệu đồng/tấn nhưng không thấy ai thu mua nữa. Thị trường cà phê tê liệt, 3 ngày sau mới có giá và khi đó chỉ còn 36 triệu đồng/tấn, và sau đó giảm dần.

Tuy nhiên, đà giảm chỉ kéo dài đến hết tháng 8, giá lại tăng vọt trở lại vào tháng 9 năm đó khi thông tin Brazil bị đợt sương giá đầu tiên trong năm tấn công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên vụ mùa cà phê và sản lượng năm sau có thể chỉ bằng 50% so với dự kiến. Giá cà phê trong nước cũng chuyển hướng đi lên và một lần nữa đạt 43 triệu đồng/tấn, thậm chí có vùng mua tới 45 triệu đồng/tấn.

(Nguồn: Data CafeF)

Nhưng từ sau tháng 9 năm đó, giá cà phê thế giới và trong nước liên tục đi xuống, một phần do sản lượng tăng mạnh khi giá cao thúc đẩy nguời ta trồng cà phê nhiều hơn.

Năm 2008

Phải đến tận đầu tháng 3 năm 2008, giá cà phê mới hồi phục mạnh trở lại và đạt trên 2.700 USD/tấn ở thị trường thế giới còn giá trong nước là 40,1 triệu đồng/tấn trong ngày 3/3.

Nhớ lại năm đó, thị trường cũng giống như những tháng cuối năm 2010, vụ mùa cà phê ở nước ta được cảnh báo giảm mạnh, có nơi báo cáo mất tới 40%, có nơi 20%, 30% và chung quy lại dự báo sản lượng nước ta mất khoảng 30%. Tin mất mùa ở Việt Nam cùng Colombia, Braxin đã khiến giá cà phê thế giới tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ năm 1994 ngay trong những ngày nước ta nghỉ Tết Nguyên Đán.

(Nguồn: Data CafeF)

Thị trường còn ghi nhận ngày14/3 như một bài học khó quên khi nhiều người gọi đó là ngày “Thứ Sáu đen tối” với người kinh doanh cà phê trên sàn London. Bối cảnh cụ thể là, 2 phiên trước đó giá cà phê tăng tổng cộng trên 150 USD/tấn, thị trường cả trong nước lẫn thế giới đã tốn không ít giấy mực để ca ngợi cà phê. Nhưng với mức tăng quá đột ngột, vào phiên cuối tuần, giới thương nhân và nhà đầu cơ đã mạnh tay xả hàng, khiến giá cà phê ngày 14/3 mất 127 USD/tấn, giá đỉnh và giá đáy chênh nhau 179 USD/tấn. Ở thị trường trong nước, giá cà phê ngày 15/3 còn 37,5 triệu đồng/tấn, giảm 1,5 triệu đồng so với ngày trước đó.

Cũng giống như 14 năm trước, thị trường cà phê đi xuống vài tháng sau nhưng đã quay đầu tăng mạnh trở lại vào tháng 7/2008 và lại vượt qua mốc 2.400 USD/tấn, và duy trì trên 2.000 USD/tấn cho đến tận cuối tháng 9.

Và năm 2011

Thị trường cà phê thế giới và trong nước biến động mạnh trong năm nay với giá liên tiếp đi qua những kỷ lục. Giá cà phê thế giới đã vượt 2.500 USD/tấn lần đầu tiên kể từ tháng 3/2008, trong khi giá cà phê trong nước không biết bao lần bỏ lại mức cao trước đó, lên tới hơn 49 triệu đồng/tấn. So với cách đây 1 năm, giá cà phê đã tăng gấp hơn 2 lần. So với đầu năm 2011 và không kể hai phiên giảm mạnh ngày 10 và 11/3, giá cà phê robusta đã tăng hơn 20%.

(Nguồn: Data CafeF)

Sức nóng trên thị trường cà phê tuy nhiên đã lắng dịu kể từ khi lập kỷ lục hôm 09/3 trên thế giới và ngày 10/3 ở thị trường trong nước. Giá cà phê thế giới đã giảm mạnh trong 2 phiên cuối tuần qua khi để mất 136 USD/tấn sau khi tăng 154 USD/tấn trong 2 phiên trước đó. Giá cà phê trong nước sau khi lập kỷ lục 49 triệu đồng/tấn sáng 10/3 thì đã nhanh chóng quay đầu giảm bởi các đại lý không chịu mua theo giá kỳ hạn tháng 5 mà tính kỳ hạn tháng 3 với mức tăng thấp hơn nhiều- chỉ chưa đến 20 USD. Cho đến nay, giá cà phê nước ta còn 45,4 triệu đồng/tấn.

Những gì diễn ra trong hai phiên vừa qua của năm nay cũng giống kịch bản từng xảy ra trong năm 2008 và 1994 do hoạt động chốt lời và bán tháo của nhà đầu tư, cộng với ép giá và không muốn mua với mức giá cao ngất ngưởng của các doanh nghiệp và đại lý trong nước.

Tạm kết

Hiện tại, giá cà phê đang quay đầu giảm nhưng so với các năm trước thì đây vẫn là con số mơ ước của người trồng cà phê. Nếu kịch bản của 2 mốc lịch sử trước đây lặp lại thì giá cà phê chỉ tạm lắng một thời gian ngắn và sau đó sẽ tăng trở lại do nhu cầu cao. Nhưng kịch bản cũ không đuợc nhiều người triển vọng bởi lẽ bối cảnh hiện nay khác với quá khứ. Theo dự đoán của các chuyên gia hàng đầu về cà phê thế giới và trong nước, giá cà phê năm nay sẽ duy trì ở mức cao do cung không đáp ứng nổi nhu cầu trong khi lạm phát đang là mối lo hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trở lên trên