MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường dầu kỳ vọng vào Hội nghị Copenhagen

16-12-2009 - 15:38 PM | Thị trường

Trong khi dầu mỏ của thế giới chưa cạn kiệt theo bất kỳ khả năng phán đoán nào, một bức tranh ảm đạm về sự tương quan giữa cung và cầu ngày càng rõ nét.

Theo các nhà phân tích, dù Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Copenhagen (Đan Mạch) có đạt được thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto sắp hết hiệu lực hay không, thì thế giới vẫn phải cắt giảm mức tiêu thụ dầu mỏ, khi các xu hướng kinh tế và địa chất hiện nay đang hạn chế việc tìm kiếm và khai thác loại "vàng đen" này.

Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút Sheik Ahmed Zaki Yamani trong những năm 1970 đã đưa ra nhận định: "Thời kỳ đồ đá chấm dứt không phải vì thiếu đá, nhưng thời đại dầu mỏ sẽ kết thúc sớm hơn nhiều trước khi thế giới cạn kiệt dầu mỏ".

Tuy nhiên, hiện có nhiều lập luận trái ngược với dự đoán đó. Trong khi dầu mỏ của thế giới chưa cạn kiệt theo bất kỳ khả năng phán đoán nào, một bức tranh ảm đạm về sự tương quan giữa cung và cầu ngày càng rõ nét.

Các cơ quan liên quan của Chính phủ Canađa dự báo tiêu thụ dầu mỏ của thế giới có thể lên tới gần 100 triệu thùng/ngày vào năm 2015, tăng 22% so với mức hiện nay, và một tương lai ảm đạm cho an ninh năng lượng.

Còn Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2005 đã dự đoán sản lượng dầu mỏ toàn cầu có thể tăng lên 120 triệu thùng/ngày vào năm 2030 so với 85 triệu thùng/ngày năm 2008.

Hạ dự báo

Năm ngoái, IEA đã hạ dự báo cung dầu toàn cầu năm 2030 xuống 116 triệu thùng/ngày và sau đó là 105 triệu thùng/ngày. Năm 2007, Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu toàn cầu năm 2030 đạt 107,2 triệu thùng/ngày và mùa hè năm nay hạ xuống còn 93,1 triệu thùng/ngày.

Thậm chí, với con số 105 triệu thùng/ngày mà IEA đưa ra trong dự báo mới nhất, nhiều nhà phân tích, dù rất lạc quan, cho rằng thế giới vẫn thiếu khoảng 11 triệu thùng mỗi ngày.

Cựu kinh tế gia trưởng ở CIBC World Markets, Jeff Rubin, nói: "Sản lượng dầu của thế giới giảm 4 triệu thùng mỗi ngày. Trong 5 năm tới, chúng ta cần thêm 20 triệu thùng dầu mỗi ngày để bổ sung vào sự thiếu hụt sản lượng mới có thể duy trì mức tiêu thụ như hiện nay". Ông là người theo Học thuyết dầu mỏ hình chóp, theo đó sản lượng dầu sẽ đạt cực đại và sau đó sẽ giảm mạnh khi cầu vượt cung.

Nhà địa chất M.King Hubbert ở tập đoàn dầu mỏ Shell tại Mỹ, đã dự đoán chính xác việc sản lượng dầu mỏ của nước này đạt đỉnh trong những năm 1970. Người phát ngôn của Shell Janet Annesley nói tập đoàn này không tin vào Học thuyết dầu mỏ hình chóp, song các công ty đa quốc gia đang bắt đầu phản đối vị trí hiện nay của Shell.

Mặc dù xăng và dầu vận tải có thể chế biến từ than đá hay từ các nguồn chứa dầu khác - nghĩa là thế giới chưa phải cạn kiệt nguồn nhiên liệu - song cái giá phải trả về mặt kinh tế và môi trường sẽ cao hơn rất nhiều so với việc khai thác và chế biến dầu thô thông thường.

Sự đồng tình

Theo Hiệp hội nghiên cứu dầu mỏ hình chóp có trụ sở tại Thụy Điển, những cảnh báo được cho là thiếu thuyết phục của các tổ chức và các cá nhân về những thách thức mà thế giới sẽ phải đối mặt trong vấn đề dầu mỏ đang ngày càng nhận được sự ủng hộ từ các quan chức cấp cao, các nhà tư vấn cũng như giới phân tích.

Christophe de Margerie, Tổng giám đốc Total SA, công ty dầu mỏ lớn nhất châu Âu cho rằng sản lượng dầu của thế giới sẽ không thể vượt quá 89 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, tại một hội thảo ở London tháng trước, Tổng giám đốc ConocoPhilips Jim Mulva bày tỏ sự nghi ngờ về việc các nước sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn.

Các quan chức IEA cho rằng việc duy trì nguồn cung ở mức 90-95 triệu thùng/ngày là điều khó khăn, song tâm lý lo ngại có thể lan rộng trên các thị trường tài chính nếu con số bị hạ thấp hơn nữa.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng một thỏa thuận đạt được tại Copenhagen sẽ giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ tốt hơn nhiều so với việc đưa ra những con số thiếu thực tế để xoa dịu thị trường của IEA./.


Theo TTXVN

ngocdiep

Trở lên trên