Ông Sĩ (Q.1, TP.HCM) muốn mua máy phát điện cho khách
sạn của ông tại Nha Trang. Ông mất gần cả tuần lang thang tại các cửa
hàng bán máy phát điện ở đại lộ Đông Tây (khu vực quận Tân Phú),
rồi khu vực Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân (Tân Bình) để tìm kiếm một
máy phát điện có công suất 75kW. “Có nhiều cửa hàng, khi tôi trả
giá, chủ cửa hàng không thèm tiếp chuyện. Thậm chí có chủ cửa hàng
còn chửi vì trả giá rẻ như đùa chơi”, ông Sĩ than phiền.
Phải nhập máy cũ
Cuối cùng, ông Sĩ may mắn mua được chiếc máy phát
điện cũ, chất lượng còn lại được cho là trên 90%, với giá 103 triệu đồng.
Theo ông Sĩ: “Những nơi khác báo giá máy tương tự 180 triệu đồng. Cách đây
hai năm, tôi cũng mua một chiếc máy cùng công suất với giá 120 triệu
đồng”.
Nhưng tìm được nguồn hàng rẻ như ông Sĩ không phải
dễ. Ông Vinh (Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, ông đã tốn gần năm ngày để
tìm máy công suất 30kW để phục vụ nhà hàng mùa World Cup. “Nhưng đến
bây giờ vẫn chưa tìm được máy cách âm ưng ý. Cái chạy ngon thì giá
trên trăm triệu. Còn cái giá chấp nhận được thì chất lượng máy chỉ
còn 60 – 70%. Thôi không tìm nữa, tôi quyết định mua máy nổ (chạy dầu
– PV) và kéo dynamo. Giá rẻ hơn nhưng âm thanh to quá, đang sợ hàng xóm
la”, ông Vinh nói.
Ông Linh, chủ doanh nghiệp thương mại Tuấn Linh (P.8,
Tân Bình, TP.HCM) xác nhận, từ hai tháng nay, doanh nghiệp của ông phải
làm hết công suất sơn sửa, tân trang để kịp giao hàng cho khách. Ông đã
giao gần mười máy, công suất từ 30 – 70kW. “Những chiếc máy của tôi là
hàng đã qua sử dụng nhưng tôi cam kết là máy được nhập từ Nhật, Mỹ,
Ý…”, ông Linh nóỉ. Theo báo giá từ cơ sở này, máy có công suất 30kW
là 90 triệu đồng, còn 37kW là 120 triệu đồng, 50kW là 220 triệu đồng.
Còn ở cửa hàng Thành Quân (Tân Bình), cũng là máy có
công suất 30kW, hàng của Trung Quốc giá 128 triệu đồng. “Muốn mua phải
đặt cọc trước. Sau khi xem máy, nếu ưng ý thì chồng tiền đủ. Không
trả giá, thích thì mua, không thì thôi. Hàng đang hiếm”, chủ cửa hàng
này dấm dẳng…
Nhiều doanh nghiệp như Hoàng Gia Phát, Hương Huy
(TP.HCM)…, cùng với hàng mới, đã nhập thêm nguồn máy đã qua sử dụng,
sau đó phân phối cho các cửa hàng để sửa chữa, tân trang và bán.
Không tiết lộ doanh số nhưng đại diện của công ty Hương Huy cho biết,
đang thiếu hàng vì nhu cầu đột biến do cúp điện thường xuyên.
Từ xuất khẩu đến... lắp ráp!
Theo một chuyên gia về dòng sản phẩm máy điện, thị
trường máy điện công suất lớn hiện nay thuộc về các doanh nghiệp tư
nhân. “Khách sạn, nhà hàng, công sở, trường học, bệnh viện… không thể
không có máy điện dự phòng. Nhóm khách hàng này ngày càng tăng.
Đáng tiếc là các doanh nghiệp sản xuất trong nước không nhìn xa để có
sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng”, chuyên gia này bình luận.
Cách đây gần bảy năm, Vinapro cũng đã có sản xuất máy phát điện có
công suất lớn, từ 50 – 200kW để xuất khẩu (không rõ số lượng) nhưng
vì nhiều ý do mà dòng sản phẩm này đã bị ngưng lại cho đến nay.
Hiện nay trên thị trường, Vikyno – Vinapro cũng có sản
xuất máy phát điện chạy bằng xăng nhưng chỉ có công suất dưới 10kW
và cũng chỉ dăm ba mẫu mã tham gia thị trường. Công ty cổ phần thiết
bị động lực TP.HCM (Seameco) cũng là doanh nghiệp lớn nhưng với dòng
máy phát điện công suất lớn chỉ nhận đơn đặt hàng, sau một tháng mới
có máy, còn chưa chủ động sản xuất – dù chỉ là lắp ráp.
Dù chưa sản xuất trọn bộ sản phẩm nhưng các doanh
nghiệp tư có tên tuổi trên thị trường như Hữu Toàn (Bình Dương), Quang
Minh (Hà Nội)… đã có những sản phẩm được người tiêu dùng trong nước
sử dụng. Đại diện của Hữu Toàn cho biết, họ chỉ làm những phần
việc cơ khí như sản xuất vỏ máy, bảng điều khiển, chân máy… Còn
phần chính của máy được nhập từ Anh, Đức, Nhật, Ý. Năm nay là năm
thành công của Hữu Toàn. Chỉ trong vòng tháng 5, doanh nghiệp này đã
bán lượng hàng có trị giá 100 tỉ đồng. Nhiều mẫu đã hết hàng vì
sản xuất không kịp.
Các doanh nghiệp cơ khí nhà nước một thời được ưu tiên
phát triển, đã bỏ qua cơ hội.
Theo Gia Vinh
SGTT