MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin hàng hóa nổi bật ngày 20/01

20-01-2015 - 21:52 PM | Thị trường

Thép chứa hợp kim Bo gây khó khăn cho ngành thép; Sản phẩm thủy sản sạch tiếp cận thị trường nước ngoài; 656 mặt hàng thuốc tăng giá trong năm 2014…

Thép chứa hợp kim Bo gây khó khăn cho ngành thép trong nước

Thép Bo chứa nguyên tố hợp kim vi lượng (0,0008% Bo) nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế 0% đã diễn ra trong nhiều năm qua. Vấn đề này Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã nhiều lần cảnh báo cũng như kiến nghị lên cơ quan chức năng về hậu quả của nó gây ra cho ngành thép trong nước cũng như người tiêu dùng. Thế nhưng, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, thép Bo ngày càng nhập về nhiều gây khó khăn cho ngành thép trong nước trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn.

Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy trong năm qua, lượng thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 11 triệu tấn, tăng 105% so với năm trước đó (đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay). Điều đáng nói là trong 11 triệu tấn thép nhập khẩu các loại thì trong đó có đến 4,78 triệu tấn thép Bo. Thép Bo này khi vào Việt Nam được sử dụng làm thép xây dựng. Loại thép này được tung ra thị trường bán với giá thấp hơn thép xây dựng trong nước từ 1-2 triệu đồng/tấn. Đây là loại thép có chất lượng thấp nên khi đưa vào xây dựng sẽ không bảo đảm an toàn.

Nhiều doanh nghiệp thép trong nước cho rằng nhà nước cần nhanh chóng áp thuế cho loại thép Bo này giống như các loại thép khác để tránh tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt (Pomina), cho biết với tình hình sức tiêu thụ thép yếu trong nhiều năm qua trong khi thép Bo tràn vào cạnh tranh khốc liệt đã làm ảnh hưởng đến ngành thép trong nước. Hiện các doanh nghiệp thép phải tự “bơi” để tồn tại. Vấn đề này cần Bộ Công Thươn và các ban, ngành vào cuộc có biện pháp giải quyết.

Để sản phẩm thủy sản “sạch” tiếp cận thị trường nước ngoài

Tại hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: "Điều mà tôi trăn trở nhất hiện nay là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông sản”. Do vậy,Bộ trưởng đã quyết định lấy năm 2015 là năm an toàn thực phẩm.

Lo lắng của Tư lệnh ngành Nông nghiệp không phải không có lý. Không chỉ tại thị trường trong nước, tại nhiều thị trường nhập khẩu, hàng thủy sản Việt Nam đã bị cảnh báo. Năm 2014 đã có 29 lô hàng thủy sản nuôi bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline vượt giới hạn cho phép tại EU, Nhật Bản, 18 lô bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU.

Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không ít lần “nhận diện” việc sử dụng kháng sinh cấm và tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi thủy sản chưa được kiểm soát một cách triệt để. Do đó, khâu nuôi được coi là khâu yếu nhất trong chuỗi quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Sự cố kháng sinh trong lô hàng cá tra xuất khẩu vượt ngưỡng cho phép tại EU khiến cho cơ quan quản lý không thể không có những biện pháp khẩn cấp.

656 mặt hàng thuốc tăng giá trong năm 2014

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Tính đến ngày 15/12/2014, số mặt hàng thuốc kê khai lại giá (điều chỉnh tăng giá) năm 2014 là 656 mặt hàng, chiếm khoảng 2,6% tổng số khoảng 25.000 mặt hàng thuốc đang lưu thông trên thị trường.

Trong đó, số mặt hàng thuốc nhập khẩu kê khai lại giá (tăng giá) là 84 mặt hàng và số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước kê khai lại giá (tăng giá) là 572 mặt hàng.

Giá thuốc trên thị trường ổn định do nguồn cung thuốc dồi dào và việc giám sát chặt chẽ việc kê khai/kê khai lại giá thuốc của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như áp lực cạnh tranh trên thị trường dược phẩm.

TPHCM tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng giả

Trong năm 2014, Chi cục QLTT TPHCM đã phát hiện 12.129 vụ buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm; xử phạt hành chính 5.024 vụ với số tiền gần 88,8 tỷ đồng và chuyển 16 vụ cho cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng QLTT TPHCM cho biết, trong năm 2014, ngoài nhiệm vụ kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, lực lượng QLTT đã đẩy mạnh kiểm tra trọng điểm vào các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia, thực phẩm nhập khẩu và các sản phẩm tiêu dùng, nhờ vậy đã phát hiện được nhiều vụ vi phạm với số lượng hàng hóa lớn.

Cụ thể, trong năm 2014, Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra phát hiện 12.129 vụ buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, trong đó, hàng cấm 1.718 vụ, hàng nhập lậu 1.400 vụ, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp 442 vụ, vi phạm về quy định nhãn hàng hóa 944 vụ, sai phạm đăng ký kinh doanh 391 vụ. 596 vụ còn lại vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý hóa đơn, bán hàng không niêm yết giá.

Chi cục cũng đã phối hợp kiểm tra liên ngành và phát hiện 6.638 vụ vi phạm, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa, giấy phép kinh doanh xăng dầu.

 

>>> Thông tin hàng hóa nổi bật tuần 12/01 – 18/01

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên