MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuế chống bán phá giá không ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra

24-03-2016 - 08:43 AM | Thị trường

Nguồn nguyên liệu thiếu hụt cộng với giá xuất khẩu gia tăng sẽ giúp xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Dù chưa công bố chính thức, nhưng một số nguồn tin cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có phán quyết cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam giai đoạn từ 1-8-2013 đến 31-7-2014.

Theo đó, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc phải chịu lần lượt là 0,41 cent/kg và 0,97 cent/kg. Các doanh nghiệp khác của Việt Nam phải chịu mức thuế suất bình quân là 0,69 cent/kg. Quyết định áp thuế chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường Mỹ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nói:

Với mức thuế thấp nhất từ 0,41 cent/kg và cao nhất là 0,97 cent/kg, bình quân 0,69 USD/kg thì tất nhiên, thuế chống bán phá giá vừa được Mỹ công bố chỉ là thuế áp dụng cho kỳ POR11. Và đây là thuế tạm tính mà nhà nhập khẩu phải ký quỹ cho giai đoạn nhập khẩu từ 2016-2017. Đến kỳ rà soát hành chính tiếp theo diễn ra vào năm 2018 (POR13), mức thuế trên mới chính thức được áp dụng cho những đơn hàng từ năm 2016-2017 mà nhà nhập khẩu phải nộp. Trường hợp mà mức thuế thấp hơn thì nhà nhập khẩu sẽ được hoàn lại tiền ký quỹ chênh lệch.

Như vậy, theo tính toán, nếu giá xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ trong thời gian tới tăng lên từ 1,5-1,6 USD/pound thì các doanh nghiệp vẫn có cơ hội bán vào bình thường. So ra, mức giá này vẫn còn thấp hơn giai đoạn 2010-2011 là 1,7 USD/pound.

PV: Thưa ông, liệu giá cá tra xuất khẩu có tăng như kỳ vọng trong thời gian tới?

Ông Dương Ngọc Minh: Với tình hình thực tế hiện nay, do sản lượng cá tra Việt Nam năm 2016 so với 2015 giảm trên 40%, thậm chí so sánh cùng kỳ từ tháng 4/2015 đến 31/12/2016 thì sản lượng giảm trên 60% nên chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin rằng giá xuất khẩu sẽ tăng. Và thực tế, giá giao dịch cho các đơn hàng trong tháng 4 tới đây đã tăng 20-30 cent/kg. Do đó, các doanh nghiệp có mức thuế bình quân 0,69 cent/kg thì nhà nhập khẩu vẫn có thể chấp nhận, nhất là khi giá bán dự kiến sẽ đạt mức 1,5-1,6 USD/poud tại thị trường Mỹ, tương ứng với giá cá nguyên liệu dự kiến tăng lên 25.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, nguyên liệu thiếu hụt cũng là cơ hội để các doanh nghiệp làm phép tính cho việc xuất khẩu cá tra trong năm 2016. Nếu so sánh với cá alaska Pollock đang bán ở mức 2,7 USD/kg (có tăng trọng), thì con cá tra vẫn là sản phẩm được thị trường đánh giá có chất lượng cao hơn nên khả năng giá bán hoàn toàn có thể được chấp nhận ở mức tối thiểu 2,5-2,8 USD/kg.

Chính xác là năm nay Việt Nam có bao nhiêu sản lượng cá tra để xuất khẩu, thưa ông?

Năm 2015, xuất khẩu cá tra đạt 1,7 tỷ USD, sản lượng gần 700.000 tấn thành phẩm, tương đương 1,4 triệu tấn nguyên liệu. Năm 2016, nguyên liệu chỉ cung ứng cho các nhà máy chế biến khoảng 900.000 tấn, đồng nghĩa với việc sản lượng cá không đủ cung cấp cho các nhà nhập khẩu. Trong vòng 15 ngày qua, giá cá nguyên liệu đã tăng từ 19.000 đồng/kg lên 22.500 đồng/kg và đang xảy ra tình trạng khan hiếm. Nếu các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất mỗi ngày 4.000 tấn nuyên liệu thì đến tháng 9 này, Việt Nam không còn cá phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Trong khi đó, do thời tiết nóng và lạnh cuối 2015 đầu 2016 đến nay, sản xuất cá giống bị đình trệ, khả năng đến tháng 6/2016 mới có giống trở lại nên dự kiến đến quý 1/2017 sản lượng nguyên liệu mới phục hồi.

Cơ hội để doanh nghiệp gia tăng giá trị xuất khẩu cá tra trong năm 2016 như thế nào, thưa ông?

Qua vài tuần giao dịch gần đây, tôi cho rằng, tín hiệu thị trường đang rất tốt, cơ hội để giá cá tra phục hồi lại ở các thị trường xuất khẩu là rất cao. Giá xuất khẩu tháng 4/2016 so với tháng 3/2016 tăng bình quân 30 cent/kg. Và giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nguyên liệu mỗi ngày một thiếu hụt. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao tại các nước Đông Nam á và Trung Quốc cũng sẽ tác động đến giá xuất khẩu chung cho toàn thị trường. Và dự báo, giá cá tra tại thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh do thiếu nguyên liệu từ Việt Nam nên các doanh nghiệp có mức thuế suất bình quân nói trên vẫn có thể bán vào Mỹ.

Với đà này, dự báo cá tra nguyên liệu 2016 có thể đạt đỉnh điểm 26.000-27.000 đồng/kg, bằng mức giá của năm 2011.

Cá tra tăng giá thì người nuôi, doanh nghiệp được hưởng lợi như thế nào, thưa ông?

Giá cá tra tăng do hụt sản lượng cho thấy, thiệt hại của nông dân là rất lớn vì hiện nay, cá tra còn trong dân so với cùng kỳ năm ngoái giảm hơn 70%. Rõ ràng, giá cá tra tăng thời gian qua đã đưa đến lợi nhuận cao nhưng cũng không bù đắp được thiệt hại trong năm 2015 do hiện nay số lượng nông dân còn cá chỉ chiếm không quá 30% so với 70% bị thiệt hại. Các nhà máy cũng không được hưởng lợi vì diện tích thả nuôi của họ bị giảm 50% so với năm 2014.

Xin cảm ơn ông!

So với thuế chống bán phá giá bình quân của POR10 là 0,97 cent/kg thì mức thuế bình quân của POR11 là 0,69 cent, vẫn thấp hơn 28 cent.

Phương Thảo (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên