MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm lối thoát cho xuất khẩu nông sản

01-04-2015 - 08:43 AM | Thị trường

Việt Nam (VN) đang sản xuất nông sản nhiều hơn so với nhu cầu trong nước, nên muốn duy trì tăng trưởng nông nghiệp, không còn cách nào khác là phải thúc đẩy xuất khẩu (XK), đặc biệt trong bối cảnh XK những tháng đầu năm gặp khó khăn.

Giảm trên nhiều lĩnh vực

Dù có nhiều dự báo tích cực, ngay trong quý I/2015, XK nông sản gặp nhiều khó khăn với giá trị toàn ngành đạt khoảng 6,13 tỉ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2014. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN Nguyễn Tôn Quyền: “Nếu như tháng 1, tổng kim ngạch XK gỗ đạt 558 triệu USD thì tháng 2 mức giảm sâu, chỉ còn 337 triệu USD. Một số thị trường XK giảm như: Pháp giảm tới 27%, Hà Lan giảm 33%...”. 

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản - 3 tháng đầu năm, XK thủy sản giảm mạnh nhất trong 5 năm qua, với mức giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2014. Mặt hàng tôm giảm tới 23%, tiếp đến là cá tra giảm 18% và cá ngừ giảm 14%.

Với mức giảm “khủng” nhất trong ngành nông nghiệp, đại diện Hiệp hội Càphê VN cho biết: Hiện nay tất cả các tỉnh Tây Nguyên đang vào hạn hán kéo dài, dự tính mất mùa khoảng 20%. Theo Tổng cục Hải quan, XK càphê quý I/2014 đạt gần 700.000 tấn, trong khi cùng thời điểm năm 2015, XK mặt hàng này chỉ đạt dưới 350.000 tấn, giảm 41% về lượng và 27% về giá trị. Đại diện các hiệp hội chỉ ra rằng, việc giảm XK nông-lâm-thủy sản tập trung vào một số vấn đề như sự thiếu ổn định về tỉ giá, cước phí vận chuyển của VN luôn cao hơn so với các nước trong khu vực, đầu ra cho sản phẩm không ổn định…

Gỡ khó từng bước

Nhằm gỡ khó đầu ra cho sản phẩm của Hiệp hội Chè, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát vừa đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp với hiệp hội tổ chức hội nghị phát triển chè bền vững và hội nghị với Unilever để thúc đẩy tiêu thụ 25.000 tấn chè. Cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản gia tăng tần suất giám sát chất lượng, xem xét yêu cầu một số thị trường, trong đó có EU, để đẩy mạnh XK. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Hiện nay mặt hàng hồ tiêu đang có “vấn đề” vì bệnh dịch. Nông dân phun thuốc tràn lan ảnh hưởng đến chất lượng. Cuối tuần này Bộ NNPTNT sẽ họp ở Bà Rịa - Vũng Tàu để phổ biến, nhân rộng biện pháp khắc phục”.

Các vấn đề về tỉ giá và đặc biệt vốn tái canh đối với càphê, NHNN vừa có công bố về vốn tạm trữ. Bộ NNPTNT cũng có kiến nghị với Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, cũng đang cân nhắc việc VN có nên “công du” sang các nước trồng càphê để phối hợp thành lập hiệp hội đảm bảo giá? Đối với những kiến nghị của Hiệp hội Caosu, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tập hợp với kiến nghị của Tập đoàn Công nghiệp caosu để Bộ NNPTNT trình Chính phủ.

Riêng đối với những khó khăn XK rau, quả, Cục Bảo vệ thực vật được yêu cầu phải nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc thủ tục XK, đồng thời nhanh chóng hình thành trung tâm chiếu xạ ở miền Bắc để mở đường XK sang Mỹ, Australia… Mặt hàng gạo, càphê, caosu… VN sẽ khuyến khích XK sang Trung Quốc cả chính ngạch, tiểu ngạch, Bộ NNPTNT sẽ báo cáo với Bộ Ngoại giao để trao đổi cấp cao. Đối với những khó khăn về tỉ giá, cước vận chuyển, khơi thông nguồn XK, Bộ trưởng Cao Đức Phát hứa sẽ chuyển ý kiến tới NHNN, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, nhằm sớm giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Chịu thiệt vì tỉ giá

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) thủy sản VN, tổng kim ngạch XK thủy sản quý I năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 1,27 tỉ USD, giảm tới 23% so với quý I/2014.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo - TGĐ Cty CP thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) - XK thủy sản quý I bao giờ cũng thấp hơn so với quý IV năm trước và thấp nhất trong năm, vì nhu cầu thường tăng từ cuối quý II và tăng dần vào cuối năm. Tuy nhiên năm 2014, diễn biến XK thủy sản hơi bất thường khi thị trường tôm tăng đột biến vào đầu năm. Nguyên nhân là do các nước XK tôm hàng đầu là Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh bị mất mùa, khách hàng tập trung mua ở VN. Năm 2015, các nguồn cung cấp tôm nói trên trúng mùa, XK thủy sản quay về quỹ đạo thông thường của các năm. 

Song, mức sụt giảm XK thủy sản trong quý I/2015 còn có lý do vì ngành này đang đối mặt với những biến động của thị trường thế giới liên quan đến tỉ giá ngoại tệ. Với hai thị trường chính là EU và Nhật Bản, trong khi các DN trong nước thường thanh toán bằng USD, sự tăng giá mạnh của USD so với euro và đồng yên (khoảng 25%) khiến cho khách hàng tại các thị trường này hạn chế nhập khẩu hoặc tìm cách giảm giá mua. Yếu tố tỉ giá cũng ảnh hưởng gián tiếp tới lợi nhuận của các DN XK tôm so với các nước đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hùng - TGĐ Cty XK thủy sản An Hóa (tỉnh Bến Tre) - việc sụt giảm XK thủy sản trong quý I/2015 còn cho thấy “sức khỏe” của các DN có vấn đề. Năm 2014, các DN cá tra gặp khó về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ, rào cản thị trường và áp lực cạnh tranh khiến tài chính gặp khó khăn. Do sức ép trả nợ ngân hàng, nhiều DN buộc phải bán hàng ồ ạt để quay vòng vốn, đẩy doanh số XK tăng lên. Sang năm 2015, áp lực bán ra quay vòng vốn không còn căng thẳng với DN, do vậy họ chủ động giảm XK một cách hợp lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến XK chững lại so với năm trước.

>>> Tổng sản lượng thủy sản quý I/2015 đạt trên 1 triệu tấn

Theo Thu Hà - Trung Ngôn

PV

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên