MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôn giả tái xuất: Đủ chiêu móc túi người tiêu dùng

17-06-2015 - 10:10 AM | Thị trường

Với đủ chiêu trò tinh vi, các cửa hàng, đại lý bán tôn ở nhiều địa phương đang ngày đêm móc túi người tiêu dùng thông qua việc bán tôn giả, tôn Trung Quốc nhái các thương hiệu đã được bảo hộ trong nước.

 Theo ước tính, việc bán tôn giả mang lại lợi nhuận nhiều tỷ đồng cho mỗi cửa hàng lớn/tháng trong khi ngân sách nhà nước thất thu thuế cả nghìn tỷ đồng/năm.

Thích hãng nào… in nhãn đó

Sau một thời gian im ắng trước sự kiểm tra gắt gao của lực lượng quản lý thị trường ở nhiều địa phương, các cơ sở sản xuất tôn giả, tôn nhái ở nhiều địa phương ở khu vực phía Bắc đã quay trở lại hoạt động ngang nhiên, thậm chí là trắng trợn như chưa từng có gì xảy ra. Qua điều tra của PV Tiền Phong, một sự thật rất kinh ngạc, các loại tôn giả, tôn nhái bày bán công khai ở nhiều địa phương (như Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương…) trong suốt thời gian dài nhưng dường như không bị cơ quan chức năng sờ đến?

Tại Hà Nam, thông qua giới thiệu của một chủ thầu từng nhiều năm trong nghề, chúng tôi tìm đến Công ty cổ phần XNK&TM Quang Phát, một địa chỉ cung cấp khá nhiều loại tôn khác nhau ra thị trường. Với diện tích ước chừng hơn 400 m2 và nằm ở vị trí khá tách biệt tại xóm 6, thôn Văn Quan (xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam), cơ sở sản xuất tôn này luôn ồn ào với tiếng máy dập, máy cắt.

Đặt vấn đề mua tôn đôn dem và tôn nhái thương hiệu Hoa Sen để kiếm tiền chênh lệch khi làm công trình, nhân viên ở đây cho biết có thể thực hiện được với bất cứ số lượng, độ dày nào. Đúng hẹn, nhân viên tại cửa hàng giao cho chúng tôi số tôn trên có in dòng chữ “Ton Hoa Sen – Thuong hieu quoc gia – Ton kem màu ISO14001:2004 0,45mm”. Trên cuộn tôn thứ hai, cũng có dòng chữ tương tự. “Nếu không phải người trong ngành thì không thể phát hiện được đây là hàng thật hay hàng giả. Ở đây bọn em làm nhiều rồi. Bọn em có thể làm bất cứ loại tôn nào theo yêu cầu của khách. Anh an tâm”, nhân viên ở cửa hàng trấn an.

Dù trên hóa đơn mua tôn ghi rõ độ dày 0,45 mm và 0,40mm có giá lần lượt là 80.000 đồng/m và 75.000 đồng/m nhưng thực tế, khi kiểm tra bằng các dụng cụ chuyên dụng, tại chi nhánh của tôn Hoa Sen, độ dày của tấm tôn bị hụt chuẩn khá nhiều. Loại tôn đề độ dày 0,45mm thực tế chỉ đạt 0,37mm trong khi loại tôn đề độ dày 0,4mm có độ dày 0,32mm.

Chỉ với việc ăn gian độ dày thực tế, so với mức giá bán của hàng chính hãng tôn Hoa Sen, mỗi mét tôn kiểu này được bán ra, cơ sở bán tôn thu được khoản lợi nhuận từ 4.000 đồng đến 14.000 đồng/m. Với số tôn chúng tôi đã mua, cơ sở này kiếm được khoản chênh lệch hơn 500.000 đồng từ việc bán tôn đôn dem. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở sản xuất tôn này mỗi tháng có lượng tiêu thụ hàng chục tấn.

Còn tại một công ty thép có trụ sở tại thôn Long Bối Đông (xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, Thái Bình) nằm ngay trên Quốc lộ 10, nhân viên kinh doanh tại đây cho biết có thể làm nhiều loại tôn theo yêu cầu “đặt riêng” của khách, số lượng không hạn chế. Tuy nhiên, phải người trong nghề, bắt đúng tín hiệu thì mới thực hiện hợp đồng.

Đặt vấn đề mua tôn đôn dem của Hoa Sen với giá cao để kiếm chênh lệch, nhân viên ở đây cho biết phải đặt số lượng lớn mới làm. Nhân viên này cũng giới thiệu và bán cho chúng tôi tôn liên doanh Việt - Hàn mang nhãn hiệu Vitexko có chiều dầy 0,35mm (giá bán 61.000 - 64.000 đồng/m) được dùng khá phổ biến trong các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, đo thực tế, loại tôn này chỉ dày có 0,27mm. Với việc bán loại hàng đôn dem nói trên, mỗi mét tôn bán ra, cửa hàng kiếm được số tiền chênh lệch (từ độ dày đến nhái nhãn hiệu) từ 12.000 đồng - 15.000 đồng. Với số lượng hàng chục tấn tôn bán ra mỗi tháng, cơ sở này móc túi không biết bao nhiêu tiền của khách hàng từ việc bán hàng đôn dem này.

Chủ một cửa hàng tôn trên đường 5 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương cho biết, có thể cung cấp mọi loại hàng tôn theo yêu cầu của khách. Nhưng các loại hàng đôn dem, nhái thương hiệu này chỉ bán cho khách quen, đã từng có mua bán tại đây. “Loại hàng tôn kia (tôn nhái-PV) ok nhưng chúng tôi chỉ giao tận công trình chứ không giao lẻ”, nhân viên cửa hàng cho biết. Theo nhân viên ở đây, hàng nhái các thương hiệu tôn uy tín trong nước cũng có rất nhiều loại và có nhiều mức giá khác nhau.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, để làm các loại tôn nhái của các hãng, nhân viên tại xưởng tôn thường dùng cồn hoặc xăng “tẩy” các dòng chữ in trên các loại tôn không rõ nguồn gốc xuất xứ, rồi dùng máy in in đè nhãn hiệu Tôn Hoa Sen, hoặc các tên thương hiệu khác lên trên. Với vài thao tác đơn giản, từ một sản phẩm không rõ nguồn gốc, những tấm tôn nghiễm nhiên được hô biến thành các loại tôn có thương hiệu với giá bán cao hơn so với giá trị thực tế hàng chục nghìn đồng.

“Không hiểu quyền lực ngầm nào bảo kê mà tôn giả, tôn Trung Quốc nhái nhãn mác các thương hiệu trong nước tồn tại như một nghịch lý công khai trên thị trường trong nhiều năm qua mà vẫn không bị cơ quan chức năng sờ tới”, đại diện một doanh nghiệp tôn bức xúc.

Đủ chiêu móc túi người tiêu dùng

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tình trạng làm và bán tôn giả mang thương hiệu Hoa Sen cùng các thương hiệu lớn khác xuất hiện khá nhiều ở các địa phương khác. Tuy nhiên, việc bán hàng thiếu dem chỉ là “chuyện nhỏ” so với đủ chiêu trò móc túi người tiêu dùng với số tiền lên tới vài chục nghìn đồng/m tôn mà chúng tôi phát hiện trong quá trình tìm hiểu về việc kinh doanh tôn giả, tôn nhái ở các địa phương.

Cụ thể, ngoài việc, dùng tôn Trung Quốc rồi bắn chữ tôn Hoa Sen  hoặc Phương Nam... lên trên để bán với giá hàng chính hãng, nhiều cơ sở sản xuất tôn còn dùng chiêu đánh tráo hàng của một hãng tôn khác có mức giá rẻ hơn để bán cho khách với giá của tôn chính hãng uy tín. Một hình thức móc túi người tiêu dùng khác là việc đánh tráo khái niệm hoặc gắn mác tôn liên doanh để “lên đời” cho các loại tôn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc để bán giá cao.

Một chiêu móc túi người tiêu dùng khác là việc gian lận độ dài của tôn. Trên thị trường hiện có nhiều loại tôn liên doanh bị ăn gian cả về độ dài (mỗi mét tôn hụt so với thực tế 1,3cm). Như vậy, với mỗi cuộn tôn bán ra thị trường (trung bình dài 3.000m), người mua bị ăn gian tổng cộng khoảng 30 – 40 m. Với mức giá bán thấp nhất 60.000 đồng/m, khi mua phải cuộn tôn trên, người mua bị móc túi tổng cộng hơn 2,5 triệu đồng. Nếu tính cả tiền bị ăn gian do đôn dem, số tiền thực tế người mua bị mất trắng từ 6-8 triệu đồng.

Đại diện một doanh nghiệp tôn lớn (đề nghị giấu tên) cho biết, tình trạng tôn kém chất lượng, tôn giả, tôn nhái “móc túi” người tiêu dùng đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương gây bức xúc cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành thép. “Những loại tôn xuất xứ Đài Loan, tôn Trung Quốc thường chỉ có giá từ 45.000 đồng/m nhưng nếu gắn mác tôn trong nước, tôn liên doanh, giá bán sẽ nâng lên, thấp nhất từ 65.000 đồng/m. Đây là mức chênh lệch rất hấp dẫn nên hầu như cửa hàng bán tôn nào cũng “dành đất” trữ hàng để buôn”, chủ một doanh nghiệp tôn trong nước tiết lộ.

Theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, chỉ cần khoảng 10% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái (tương đương khoảng 173.000 tấn); số tiền người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua phải tôn giả bị đôn dem lên tới 197 tỷ đồng. Còn với toàn ngành thép, các doanh nghiệp thiệt hại từ 468 tỷ đồng đến 907 tỷ đồng.

 

Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ với lượng tôn Trung Quốc, tôn giả, tôn nhái tại thị trường Việt Nam, mỗi năm ngành thuế thất thu cả nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp cũng thiệt hại tương ứng. Tổng lợi nhuận từ bán hàng giả, hàng nhái ước chừng lên tới 2.000 tỷ đồng.

 

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên