MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Việt Nam tạm ngừng nhập khẩu lạc từ Ấn Độ?

27-02-2015 - 08:12 AM | Thị trường

Bộ NN-PTNT đã ký quyết định kể từ ngày 6/4/2015, Việt Nam sẽ tạm ngừng NK sản phẩm lạc nhân từ Ấn Độ.

NNVN đã trao đổi với ông Hoàng Trung (ảnh), Phó Cục trưởng Cục BVTV về nguyên nhân của quyết định này.

Theo quyết định của Bộ NN-PTNT, từ ngày 6/2/2015 đến ngày 6/4/2015 (khi quyết định chưa có hiệu lực), Bộ NN-PTNT giao Cục BVTV kiểm dịch chặt chẽ các lô lạc nhân NK từ Ấn Độ, thông báo chính thức cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của Ấn Độ biết để có biện pháp khắc phục triệt để, đồng thời, tổ chức kiểm tra, xác nhận biện pháp khắc phục của phía Ấn Độ báo cáo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Nguyên nhân nào khiến Bộ NN-PTNT quyết định tạm ngừng NK lạc nhân của Ấn Độ, thưa ông?

Từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng mặt hàng lạc nhân NK từ Ấn Độ về Việt Nam tăng đột biến, với khoảng 18 DN tại phía Bắc NK về qua cảng Hải Phòng. Chỉ tính riêng từ ngày 10/1/2015 đến ngày 25/1/2015, cơ quan kiểm dịch thực vật (KDTV) tại Hải Phòng đã phát hiện tới 123 lô hàng lạc nhân NK từ Ấn Độ với khối lượng lên tới trên 13 nghìn tấn bị nhiễm mọt lạc Careydon seratus Oliver và Trogoderma granarium Evert mức độ nghiêm trọng.

Đây là hai loài mọt nguy hiểm thuộc danh mục đối tượng KDTV của Việt Nam. Với số lượng lô hàng vi phạm lớn như vậy, Cục BVTV đã có văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT và Bộ NN-PTNT đã quyết định tạm ngừng NK. Quyết định này là phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam về KDTV.

Việt Nam cũng là nước SX lạc rất lớn, thậm chí XK, không hiểu sao vẫn có lạc nhân NK về với số lượng lớn như thế?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các lô lạc nhân NK về qua cảng Hải Phòng không phải để tiêu thụ trong nước mà được các DN tái xuất sang Trung Quốc. Điều này cũng lí giải tại sao việc thực hiện kiểm dịch, bảo quản xử lí trong quá trình NK được các DN thực hiên rất sơ sài.

Các lô hàng vi phạm sẽ bị xử lí ra sao?

Kể từ ngày 1/2/2015, Cục BVTV đã áp dụng chế độ tăng cường giám sát đối với tất cả các lô hàng lạc nhân NK từ Ấn Độ về cảng Hải Phòng. Theo đó, lô hàng nào xuất cảng từ Ấn Độ từ sau ngày 1/2/2015 về cảng Hải Phòng mà phát hiện nhiễm dịch hại, chúng tôi sẽ yêu cầu DN thực hiện xông hơi khử trùng và buộc phải tái xuất, đồng thời thông tin rộng rãi cho các DN biết.

Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên phát hiện dịch hại nguy hiểm trên mặt hàng lạc nhân NK nên đối với các lô hàng xuất cảng từ Ấn Độ trước ngày 1/2/2015, chúng tôi sẽ vẫn tạo điều kiện bắt buộc xông hơi khử trùng, chỉ khi nào kiểm tra thấy tuyệt đối không còn cá thể dịch hại nào mới cho phép DN thông quan trước khi XK sang Trung Quốc. Tới sau ngày 6/4/2015, chúng tôi sẽ tạm ngừng hoàn toàn việc cho phép NK lạc nhân từ Ấn Độ.

Vậy khi nào thì mới cho phép NK trở lại, thưa ông?

Cục BVTV đã gửi một lúc 3 thông báo cho cơ quan KDTV phía Ấn Độ; Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam; Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ lẫn Văn phòng SPS (Công ước quốc tế về BVTV) nói rõ việc Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát đối với mặt hàng lạc nhân NK từ nước bạn.

Đồng thời, yêu cầu phía Ấn Độ phải có báo cáo đánh giá nguy cơ dịch hại gửi cho phía Việt Nam, nếu cần thiết phía Việt Nam sẽ trực tiếp sang kiểm tra ngay tại thực địa ở Ấn Độ.

Chỉ khi nào phía bạn có các biện pháp xử lí với cam kết rằng sẽ không để xuất hiện lô hàng nào nhiễm dịch hại trước khi XK sang Việt Nam, Cục BVTV sẽ có văn bản trình Bộ NN-PTNT cho phép NK trở lại. Điều này là đúng theo thông lệ quốc tế cũng như quy định về KDTV của Việt Nam.

Vậy phía Ấn Độ đã có biện pháp nào khắc phục chưa?

Mặc dù Cục BVTV đã nhiều lần gửi thông báo, nhưng phản ứng của phía Ấn Độ chưa thật quyết liệt. Hiện họ chưa có bất kỳ văn bản phản hồi nào. Điều này thấy tinh thần trách nhiệm của phía bạn chưa thật quan tâm quyết liệt tới công tác KDTV.

Ngoài lạc nhân, còn loại nông sản nào NK từ Ấn Độ có nguy cơ nhiễm dịch hại nữa không?

Trước đây, hầu hết nguyên liệu TĂCN chúng ta NK từ Ấn Độ với lượng rất lớn như lúa mì, ngô, khô đậu tương…

Tuy nhiên gần đây, lượng NK các mặt hàng này đã giảm rất mạnh, một phần các DN cũng xác định Ấn Độ là thị trường NK có nhiều rủi ro thương mại. Nhiều sản phẩm của Ấn Độ XK đi cũng thường xuyên bị nhiễm các đối tượng dịch hại do công tác này chưa thực sự được họ chú trọng.

Vì vậy gần đây, các DN đã chuyển dần sang các thị trường khác, đặc biệt là các nước Nam Mỹ như Argentina, Brazill…

Hiện Ấn Độ chỉ còn XK sang Việt Nam một số lượng nhỏ nguyên liệu TĂCN như khô đậu tương, cám chiết li…, rau quả cũng có NK về Việt Nam (như nho), nhưng số lượng rất ít. Ngoài ra còn có các sản phẩm giống cây trồng của các tập đoàn lớn, nhưng họ làm lại rất nghiêm túc về vấn đề kiểm dịch.

Xin cảm ơn ông!

Mọt lạc nguy hiểm thế nào?

Mọt lạc serratus, hay có tên khoa học khác là Bruchus serratus Olivier thuộc bộ Coleoptera, họ Bruchidae phân bố ở Châu Á (như Ấn Độ, Iran, Israel, Pakistan…); nhiều nước châu Mỹ và châu Phi.

Loài mọt này là đối tượng gây hại nguy hiểm trên nhiều loại nông sản bảo quản như lạc (còn nguyên vỏ), hạt cọ, đậu, lúa miến, hạt ca cao, bánh hạt giống bong, quả me…

Mọt trưởng thành có chiều dài từ 3,5-7,4 mm, cơ thể màu nâu phủ lông xám.

Loài Careydon seratus đẻ trứng dính vào vỏ củ hoặc nhân lạc, gây hại cho củ lạc ngay khi vừa thu hoạch hoặc đang phơi khô.

Sâu non sẽ đục xuyên qua vỏ củ lạc và đục sâu vào trong để ăn hạt.

Sâu non tuổi cuối thường chui ra khỏi củ lạc để hóa nhộng, nhộng tiếp tục nằm trong kén và dính ngay vào vỏ củ lạc.

Điều kiện thích hợp cho sự phát triển của loài Careydon seratus là khoảng 30-33oC và độ ẩm từ 70-90%, vòng đời từ 41-42 ngày. Chúng có khả năng thiết lập quần thể ở nhiệt độ khoảng 23-35oC.

Theo Cục BVTV, loài mọt này chưa có mặt tại Việt Nam, tuy nhiên với điều kiện phát triển sinh sôi rất phù hợp tại Việt Nam, đây là đối tượng dịch hại hết sức nguy hiểm nếu để chúng phát tán ra môi trường nên đã được liệt vào danh mục các đối tượng dịch hại nguy hiểm phải thực hiện kiểm dịch của Việt Nam.

>>> Việt Nam chưa nhập khẩu trái cây bị nhiễm virus viêm gan A

Theo Lê Bển

PV

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên