MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinacomin đề nghị giảm thuế xuất khẩu tinh quặng đồng, thiếc, kẽm về 0%

15-10-2015 - 20:02 PM | Thị trường

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đề nghị giảm thuế xuất khẩu tinh quặng đồng, kẽm, thiếc về 0% thay vì tối thiểu 10% như hiện nay.

Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, Vinacomin cho rằng các mặt hàng này có số thu từ thuế rất nhỏ do sản lượng các kim loại hoặc tinh quặng quy đổi thành kim loại sản xuất trong nước là không nhiều. Cụ thể, đồng do Tổng công ty khoáng sản - Vinacomin sản xuất là 11.000 tấn, kẽm 10.000 tấn và thiếc 800 tấn, các sản phẩm khác không đáng kể.

Vinacomin cho rằng việc áp thuế 10% là không phù hợp với các quy định của WTO, AFTA… với xu hướng chung hiện nay là cắt giảm các dòng thuế và tự do thương mại.

Vinacomin cũng lo ngại có thể xảy ra chảy máu tải nguyên không kiểm soát được, đồng thời cũng không khuyến khích chế biến sâu trong nước, do sản phẩm chế biến sâu không có ưu thế gì so với mua bán quặng thô hay tinh quặng.

Vinacomin cho biết giá cả khoáng sản nói chung từ tháng 6/2014 trở lại đây nằm trong xu hướng giá giảm, với các mặt hàng mất giá từ 30% (như kẽm, đồng) tới 50% (quặng sắt) so với cùng kỳ năm 2014. Xu hướng giá giảm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc do dư cung quá lớn so với cầu.

Thông tin thêm về tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, Vinacomin cho biết, năm đầu tiên 2011 tình hình nói chung thuận lợi, nhưng các năm sau do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, than xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng và giá bán, cho nên hiệu quả kinh doanh của tập đoàn cũng giảm tương ứng.

Năm 2014, 2015, do ngày càng khai thác xuống sâu, nguy cơ về bục nước, khí, cháy nổ, đổ lò cao hơn; cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng; các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió… các loại thuế, phí ngày càng tăng làm cho giá thành tăng cao.

Nhu cầu vốn đầu tư của Vinacomin rất lớn, suất đầu tư cao, việc tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu than sau năm 2015 là rất khó khăn (đặc biệt là than cho sản xuất điện)… Đặc biệt đợt mưa lũ tháng 7 và 8/2015 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, thiệt hại thực tế khoảng 1.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với các loại khoáng sản khác, giá bán giảm nhiều, một số loại khoáng sản không được xuất khẩu hoặc bán ra ngoài địa phương do chính sách của Nhà nước và địa phương cho nên Vinacomin đã phải điều chỉnh tiến độ sản xuất để không tồn kho cao.

Mặt khác, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, việc thu xếp vốn cho các dự án đầu tư cũng rất khó khăn, thủ tục cấp phép khai thác, thăm dò khoáng sản phức tạp, chậm tiến độ, nhiều dự án đã phải dừng triển khai chờ thủ tục làm cho sản lượng sản xuất một số sản phẩm giảm mạnh - theo báo cáo của Vinacomin.

Theo Phạm Hà Nam

Vinanet

Trở lên trên