MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu thủy sản 2015: Sáng nhất vẫn là con cá tra

14-01-2015 - 14:13 PM | Thị trường

Khủng hoảng kinh tế do tác động giá dầu và hàng loạt đồng nội tế mất giá lại đang mang đến cơ hội tốt nhất cho xuất khẩu thủy sản.

So với con tôm, hải sản đánh bắt, ngay từ những ngày đầu năm 2015, mặt hàng cá tra là điểm sáng nhất. Dự báo trong năm 2015, với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại, cơ hội để cá tra Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới trở nên sáng sủa hơn…

Đẩy mạnh xuất khẩu

Các đơn hàng xuất khẩu cá tra đang gia tăng đáng kể trong nữa đầu tháng 1/2015. Bất chấp việc đồng Euro, Yên Nhật, Rúp hay giá dầu giảm, cá tra Việt Nam với giá thành thấp, ổn định và chất lượng được nâng cao đáng kể vẫn thu hút sự chú ý của khách hàng. Việc đẩy mạnh xuất khẩu tác động đến nguyên liệu trong nước, hiện giá cá tra tăng lên 24.200-24.500 đồng/kg. Với tình hình sáng sủa như vậy, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại dự báo năm 2015, ngành cá tra Việt Nam sẽ có bước đột biết trong xuất khẩu. Đây là năm thuận lợi nhất cho ngành cá tra để bán ra.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), có hai nguyên nhân dẫn đến sự đột biến trong xuất khẩu của mặt hàng cá tra.

Thứ nhất là việc nhà nước bỏ thuế VAT đầu vào nhiều loại nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, đồng thời bỏ hẳn VAT đầu ra 5% đối với mặt hàng thức ăn. Thứ hai là do tác động giá dầu giảm, đầu vào nguyên liệu chế biến thức ăn dự đoán tiếp tục giảm từ 5-10% cho cả năm 2015 (trong năm 2014, nguyên liệu nhập khẩu giảm trung bình 25-30%). Thức ăn chiếm hơn 70% giá thành nuôi cá tra, nên việc bỏ thuế VAT cộng với nguyên liệu nhập khẩu giảm sẽ giúp giá thành nuôi cá năm nay dự kiến giảm ít nhất từ 5-10% so với năm 2014. Đây là điều kiện không chỉ đảm bảo cho nông dân nuôi trồng tránh được thua lỗ khi trúng vụ hoặc có biến động cung cầu mà còn giúp sản phẩm cá tra xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với một số mặt hàng thực phẩm trên thế giới.

Việc có giá thành nuôi trồng và chế biến giảm còn đưa đến cơ hội cho doanh nghiệp tính toán, nâng chất lượng sản phẩm để tạo thế cạnh tranh tốt hơn nữa. Hiện nay, theo khảo sát thị trường thì gá bánh đầu đậu nành giảm 25%, khoai mì tiếp tục giảm do giá dầu giảm dưới 50USD, các nước không sử dụng khoai mì sản xuất ethanol. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng đã giảm từ 3-5% giá thức ăn chăn nuôi.

Tăng tốc đầu tư đón đầu hội nhập

Cùng với nhiều doanh nghiệp khác, công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) đang triển khai đồng loạt các dự án xây dựng nhà máy chế biến cá tra, mở rộng nâng công suất nhà máy chế biến thức ăn. Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc HVG cho biết đây là kế hoạch để đón đầu hội nhập trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Năm 2015, theo ông Minh, khi Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định hợp tác thương mại song phương, các dòng thuế dỡ bỏ, thị trường mở rộng ra là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành thủy sản tăng tốc xuất khẩu.

“Chính phủ mở thị trường, việc còn lại của doanh nghiệp là làm sao tận dụng cơ hội để thâm nhập sâu rộng vào thị trường đã mở”, ông Minh nói. Với số vốn dự định bỏ ra từ 700-800 tỷ đồng, HVG đang gấp rút triển khai xây dựng thêm 3 nhà máy chế biến cá tra nhằm nâng công suất tăng thêm 30%, đồng thời nâng công suất nhà máy thức ăn thêm 400.000 tấn năm. Đến tháng 7 năm nay, công ty đặt mục tiêu có tổng cộng 8 nhà máy chế biến cá tra và hệ thống nhà máy thức ăn công suất 1-1,2 triệu tấn/năm.

Ngoài việc đầu tư ồ ạt nhà máy, năm 2015 còn là năm HVG đặt mục tiêu đẩy mạnh triển khai các dự án nuôi trồng, tăng diện tích nuôi thêm 50% để đảm bảo sản lượng nguyên liệu 250.000 tấn. Lý giải tại sao lại đầu tư ồ ạt trong thời điểm kinh tế khó khăn, ông Minh cho biết ngoài mục đích đón đầu hội nhập, việc HVG đầu tư vì nhận thấy giá thành trang thiết bị nhập khẩu thời điểm này đang quá rẻ do đồng yên Nhật và Euro mất giá. Và những gì doanh nghiệp đang làm cho thấy, kế hoạch chuẩn bị hội nhập đón đầu từ hai năm trước là hoàn toàn đúng.

“Chưa có tập đoàn nào trên thế giới sản xuất ra 1 triệu tấn thức ăn chỉ dành cho một loài thủy sản nuôi trồng ở một quốc gia như Hùng Vương. Các tập đoàn thủy sản hàng đầu ở các quốc gia có nuôi trồng lớn như Trung Quốc (cá rô phi), Na Uy, Chi Lê (cá hôi), Mỹ (cá da trơn) thì họ cũng chỉ sản xuất được tối đa 250-300 ngàn tấn thức ăn/năm. Còn chúng tôi sẽ có hơn 1 triệu tấn trong năm nay”, ông Minh khẳng định.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Minh cho biết HVG cũng đặt ra mục tiêu là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc sắp xếp, tái cơ cấu lại ngành cá tra theo hướng phát triển bền vững, trong đó việc làm đầu tiên là chủ động kéo giá thành chế biến cá tra xuống 10-15% trong năm nay, đồng thời nâng chất lượng sản phẩm nhằm đẩy mạnh, giới thiệu sản phẩm cá tra ra ra toàn bộ thị trường xuất khẩu.

 

Nguyễn Kỳ

CTV Thanh Bình

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên