MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu xi măng vẫn còn…“chông chênh”

28-04-2015 - 15:46 PM | Thị trường

Xuất khẩu xi măng vẫn còn “chông chênh” là bởi chưa có chiến lược lâu dài và sự điều tiết của cơ quan quản lý chưa sát với thực tế.

Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu xi măng khá ấn tượng trên bản đồ các nhà xuất khẩu xi măng hàng đầu thế giới, với tốc độ bình quân đạt tới gần 260% trong giai đoạn 2009-2013. Mặt hàng này đã đạt giá trị xuất khẩu đáng kể, góp phần đưa ra giải pháp tiêu thụ đối với ngành xi măng của Việt Nam.

Để giải quyết bài toán tăng trưởng nóng của ngành này, cần thiết phải có quy hoạch cụ thể trong sản xuất cũng như xác định rõ xuất khẩu chỉ là tình thế hay lâu dài. Nhưng cũng không phải vì thế mà sản xuất ồ ạt phung phí tài nguyên bằng mọi giá.

Những con số ấn tượng

Với tốc độ phát triển nhanh chóng, chỉ trong vòng 4 năm, từ chỗ phải nhập khẩu xi măng, hiện Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu xi măng và nằm trong top 5 các nước sản xuất nhiều xi măng nhất thế giới. Năm 2014, cả nước xuất khẩu được khoảng 20 triệu tấn xi măng, clinke, trị giá khoảng 912 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần so với năm đầu tiên xuất khẩu mặt hàng này. Giá xuất khẩu cũng tăng dần qua các năm, lên tới 40 USD/tấn, cao hơn hàng chục lần so với xuất khẩu nguyên liệu thô.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng đã giúp giảm tồn kho mùa tiêu thụ thấp điểm, hỗ trợ dòng tiền cho các nhà máy, đặc biệt là những nhà máy nhỏ nằm sâu trong nội địa. Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng phát triển, Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết: “Với nguồn cung dự kiến dư thừa khoảng 20 triệu tấn thì xuất khẩu đang giải quyết vấn đề cân bằng cung cầu. Nếu không có xuất khẩu thì thực sự con số tồn ứ lên khá nhiều, dẫn đến không  sản xuất được, một loạt dây chuyền nhà máy đóng cửa, cạnh tranh trong nước khốc liệt. Tôi nghĩ ở quan hệ cung cầu, việc xuất khẩu đã giải quyết rất hợp lý, làm cân bằng vận hành sản xuất, cân bằng không chỉ tổng nguồn mà ngay cả từng thời điểm trong nước theo mùa vụ”.

Đua nhau xuất khẩu và những hệ lụy

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực xi măng. Nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất. Dự báo đến năm 2020, sản lượng xi măng của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn xi măng/năm. Trước đây, công suất chỉ 300.000 đến 1 triệu tấn/năm, nay nhiều doanh nghiệp nâng công suất lên từ 3-4 triệu tấn/năm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, với tốc độ phát triển như hiện nay, trong 10-20 năm tới có thể đẩy mạnh xuất khẩu xi măng, con số kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD có thể duy trì ổn định. Tuy nhiên, đây là ngành khai thác nhiều tài nguyên, tiêu thụ nhiều điện năng, nếu không quy hoạch cụ thể và đầu tư công nghệ hiện đại sẽ không đạt hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên.

Mặc dù sản lượng xi măng không ngừng tăng lên, dẫn đến nguồn cung dư thừa, nhưng hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu không mở rộng được thị trường, ngoài Bangladesh, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), và thông qua 3 nhà nhập khẩu chính là Biroute, Holcim và HC Trading. Do chỉ xuất khẩu vào một số thị trường truyền thống, nên các doanh nghiệp bị thương lái trung gian ép giá. Khi giá thị trường lên 1 USD/tấn, doanh nghiệp xuất khẩu Việt chỉ lên giá 0,5 USD/tấn; nhưng khi thị trường giảm 2 USD/tấn, các doanh nghiệp giảm tới 4 USD/tấn. Xuất khẩu xi măng vẫn còn “chông chênh” là bởi chưa có chiến lược lâu dài và sự điều tiết của cơ quan quản lý chưa sát với thực tế.

Ông Lương Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Hạ Long nêu thực tế: “Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng nước ta còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp nên việc khai thác tận gốc là chưa đạt được mà phải bán hàng qua khâu trung gian, đặc biệt còn xảy ra tình trạng đua nhau xuất khẩu dẫn tới bị khách hàng ép giá. Do đó, cần có giải pháp lâu dài với xuất khẩu xi măng, cần có sự điều tiết của cơ quan quản lý để thống nhất đầu mối cho xuất khẩu, nếu cần thiết thì có thể quy định mức giá sàn cho xuất khẩu xi măng và chế tài xử phạt đối với những đơn vị vi phạm”.

Không đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu bằng mọi giá

Việt Nam hiện có nguồn tài nguyên làm nguyên liệu để sản xuất xi măng rất dồi dào với trữ lượng đá vôi trên 12,5 tỷ tấn. Hiện tại, công suất toàn ngành xi măng vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20-25%. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tiêu thụ trong nước vẫn tăng, nhưng cần xem xuất khẩu là bài toán lâu dài và trước mắt, vì sẽ giúp cân bằng lượng dư thừa khoảng 20 triệu tấn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần phải tính đến hiệu quả và yếu tố bền vững, tránh phung phí tài nguyên và ồ ạt xuất khẩu bằng mọi giá.

Theo đó, cần đánh giá hiệu quả và sự lan tỏa ở một số ngành và dịch vụ khác như: tạo ra công ăn việc làm, nguồn thuế môi trường và xuất khẩu, hoặc tính đến lĩnh vực logistic (kho vận), vận tải... Đặc biệt là việc cải tiến công nghệ và nâng cao hiệu quả trong tiêu thụ và xuất khẩu.

“Có rất nhiều yếu tố cần phải đánh giá kỹ hơn ví dụ, trước hết chi phí đầu vào xi măng với giá xuất khẩu xi măng đã phản ánh đầy đủ, tất cả các thiệt hại giá trị chúng ta bỏ ra kể cả tài nguyên lẫn chi phí về thuế bảo vệ môi trường. Những vấn đề đó chúng ta cần có sự đánh giá kĩ hơn nữa giữa các bộ ngành quản lý để được điều chỉnh trong các văn bản pháp quy và cũng như định hướng lớn của ngành xi măng, quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt. Nếu như có 1 định hướng cho xuất khẩu thì bắt buộc chúng ta phải có điều chỉnh cho phù hợp có những cơ sở mặt lý luận cũng như tổ chức thực hiện”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo các chuyên gia, một số nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng mua lại nhà máy sản xuất xi măng hiện đại của Việt Nam để xuất khẩu về nước họ, như vậy vừa được miễn thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… Cái lợi của họ là không mất tài nguyên, không ô nhiễm, lại có sản phẩm tốt và rẻ. Thực tế này càng đặt ra vấn đề quy hoạch sản xuất cũng như chiến lược lâu dài trong xuất khẩu để tăng trưởng bền vững giúp cho ngành xi măng Việt Nam đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế xã hội./.

Theo Việt Hà

PV

VOV

Trở lên trên