MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng không đau đầu vì chậm huỷ chuyến, Chính phủ yêu cầu tăng xử phạt

Chịu không ít thiệt hại về kinh tế lẫn uy tín, các hãng hàng không đều đau đầu vì vấn đề chậm huỷ chuyến và có thể còn mệt hơn khi Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT siết quản lý, tăng cường chế tài xử phạt.

Tỉ lệ chậm chuyến từ 12 đến hơn 20%

Theo thống kê số liệu chậm, hủy chuyến 8 tháng đầu năm 2018 của Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines (VNA) khai thác 87.555 chuyến bay, chậm 10.520 chuyến. Jetstar Pacific (JPA) khai thác 24.598 chuyến, chậm 5.110 chuyến. Vietjet Air (VJA) khai thác 80.767 chuyến và chậm 13.729 chuyến bay. Trong đó, tỉ lệ chậm chuyến lần lượt là VNA 12%, VJA 17%, JPA 20,8%.

Cục Hàng không nhận định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chậm, huỷ chuyến là do tàu bay về muộn (chiếm tới hơn 65%). Kế đó là các nguyên nhân khác như do hãng hàng không (18,3%), quản lý điều hành bay (6,3%), do trang thiết bị và dịch vụ tại cảng (5,7%)…

Chia sẻ về vấn đề chậm, hủy chuyến bay, đại diện các hãng hàng không đều khẳng định đây là việc không ai muốn và gây thiệt hại nhiều cho doanh nghiệp về kinh tế cũng như uy tín. Nêu ví dụ về việc hàng chục chuyến bay đi Osaka bị huỷ trong hơn 1 tuần qua do sân bay Osaka bị hỏng vì siêu bão, đại diện Jetstar cho biết đây là sự cố bất khả kháng và chưa thể thống kê thiệt hại với DN.

Thời gian qua, những diễn biến bất thường về thời tiết như mưa lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chuyến bay, kẹt đường lăn ở sân bay là những nguyên nhân tăng tỉ lệ chậm chuyến vì lý do máy bay về muộn. Không chỉ vậy, theo dự báo đến cuối năm, không khí lạnh và sương mù phía Bắc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ lệ đúng giờ.

Tìm giải pháp, siết chế tài xử lý chậm huỷ chuyến

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước khắc phục hiện tượng chậm hủy chuyến bay để đảm bảo công bằng giữa các hãng hàng không với người dân.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang lấy ý kiến về nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông giai đoạn 2018 - 2021 trong đó có nhiều chỉ đạo liên quan tới vấn đề an ninh, an toàn hàng không. Đáng chú ý, dự thảo nghị định giao Bộ GTVT giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, tăng cường chế tài xử phạt hành chính về chậm, hủy chuyến đồng thời tăng cường khả năng bảo mật và phản ứng với các sự cố đe dọa an toàn hàng không. Đặc biệt, ưu tiên phát triển các phương thức vận tải công cộng khối lượng lớn kết nối đến các cảng hàng không chính, đặc biệt là đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, xe buýt và xe buýt nhanh.

Nghị quyết cũng yêu cầu bộ GTVT đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn hàng không dân dụng tại các cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; hoàn thiện các phương thức bay đảm bảo công tác điều hành, khai thác mạng đường bay hiệu quả và tránh việc ùn tắc trên không; nâng cao năng lực giải phóng hành khách và hàng hóa tại các cảng hàng không, sân bay cũng như có giải pháp chống ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông cho các sân bay lớn, trên bầu trời, trong cảng hàng không và hệ thống giao thông tiếp cận sân bay.

Theo Lâm Anh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên