MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng không giá rẻ thổi bùng cuộc chiến khốc liệt trên bầu trời châu Á

06-04-2018 - 20:07 PM | Tài chính quốc tế

Sự lên ngôi của các hãng hàng không giá rẻ đang khiến bầu trời châu Á trở thành chiến trường khốc liệt, làm thay đổi hoàn toàn các hãng hàng không quốc doanh.

Vào ngày 3/ 1, hãng hàng không Singapore Airlines đã đưa ra thông báo bất ngờ về kế hoạch thu phí lên đến 50SGD (37 USD) cho các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để đặt chỗ. Các khách hàng phản ứng rất dữ dội và thực sự tức giận. Một trong những bình luận đã viết rằng: "Cướp tiền một cách đáng xấu hổ."

Singapore Airlines lại "thay đổi quyết định" vào ngay ngày hôm sau. Trong một thông báo vỏn vẹn ba dòng, hãng cho biết: "Sau khi xem xét thêm, Singapore Airlines sẽ không tiến hành thực hiện" việc thu phí đối với thẻ tín dụng nữa.

Đối với một hãng hàng không có dịch vụ khách hàng tốt nhất và hình ảnh sang trọng nhất thì đây là một sơ suất hiếm thấy. Nhưng trường hợp của Singapore Airlines cũng cho thấy một thực tế khắc nghiệt mà các hãng hàng không quốc gia ở châu Á đang phải đối mặt.

Họ phải cạnh tranh với những hãng máy bay giá rẻ ở quãng bay ngắn với mức giá thấp nhất thị trường như AirAsia, trong khi đó những chuyến bay đường dài của các hãng thuộc vùng Vịnh Ba Tư như Emirates Airline và Qatar Airways thì lại "thống trị" các chuyến bay đường dài. Đồng thời, các hãng hàng không Trung Quốc ngày càng cạnh tranh ở cả hai phân khúc bay. Mặc dù sự cạnh tranh này mang đến nhiều lợi ích cho các khách hàng châu Á nhưng lại dẫn đến tình trạng giá vé ngày càng thấp và đầu tư quá lớn sẽ mang lại những hậu quả trong tương lai.

Các hãng hàng không hiện đang rất nỗ lực trong việc tái cấu trúc, tìm kiếm những hướng đi mới để kiếm tiền và cắt giảm chi phí.

16 năm sau khi AirAsia đưa mô hình hàng không giá rẻ đến khu vực, các hãng quốc gia như Singapore Airlines cuối cùng đã phải "học theo" một số chiến lược. Brendan Sobie, chuyên gia phân tích của Trung tâm hàng không, cho biết: "Những gì Singapore Airlines đang làm không phải là mới đối với ngành công nghiệp này. Họ chỉ đang đi theo xu hướng."

Cathay Pacific cũng bắt tay vào tái cơ cấu sau đợt lỗ năm 2016, hãng có kế hoạch giảm giá vé cho các hành khách hạng phổ thông. Chiếc Boeing 777-300 mới của hãng sẽ tăng thêm từ 9 lên 10 chỗ ngồi trong một hàng. "Mong manh" hơn nữa là Malaysia Airlines, đã chiến đấu với AirAsia trong suốt một thập kỷ và phải cổ phần hóa sau 2 tai nạn gây rúng động trong năm 2014. Tuy nhiên, quá trình này lại gặp rắc rối khi CEO đột ngột tuyên bố từ chức vào hồi tháng 10, chỉ một năm sau khi nhận chức.

Hàng không giá rẻ thổi bùng cuộc chiến khốc liệt trên bầu trời châu Á - Ảnh 1.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có số lượng người đi lại bằng đường hàng không tăng nhanh nhất thế giới.

Nỗi lo chung của các hãng hàng không quốc gia của châu Á là giá vé ngày càng thấp. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu trung bình từ mỗi khách trên một km vận chuyển đã giảm trong 3 năm liên tiếp từ năm 2014 đến 2016.

Điều đáng chú ý là khu vực này lại có lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo IATA, lưu lượng hành khách ước tính đã tăng 10% trong năm 2017, năm thứ 3 liên tiếp đạt tăng trưởng 2 con số.

Do sự tăng trưởng của lượng hành khách, các hãng châu Á đang đầu tư mạnh vào việc trang bị các loại máy bay mới. Boeing ước tính rằng, trong 20 năm tới, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp nhận khoảng 16.050 chiếc máy bay mới, gần 40% tổng số máy bay hiện tại. Theo CAPA, các hãng Đông Nam Á hiện có 1600 đơn đặt hàng cho máy bay mới nhằm đội bay gần 2.000 chiếc và hàng không giá rẻ chiếm khoảng 70% đơn đặt hàng.

IATA đưa ra một dự báo vào năm ngoái, hơn một nửa hành khách mới đi máy bay trong 20 năm tới đến từ châu. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào 2022. Tuy nhiên, một số khác lại lo ngại rằng việc đầu tư vào lĩnh vực này không bền vững.

Mark Webb, một nhà phân tích thuộc công ty nghiên cứu thị trường GMT Research (Hồng Kông), cho biết: "Năng suất ở châu Á đang quá lớn ... để giữ giá vé ổn định". Chính phủ một số nước đang cố gắng kiềm soát tình trạnh dư thừa này. Hàn Quốc từ chối các ứng dụng của Aero K và Fly YangYang với lý do thị trường hàng không giá rẻ đã bão hòa.

Uber của ngành hàng không?

Trong một chuyến bay của AirAsia X từ Kuala Lumpur tới Vũ Hán (Trung Quốc), Fabian Kong đã trả thêm tiền cho một khoang giường nằm cao cấp, có chi phí cao gấp đôi so với một vé hạng phổ thông với đầy đủ các dịch vụ. Kong cho hay: "Tôi cảm thấy thực sự thoải mái, tôi có thể nghỉ ngơi trong suốt chuyến bay vào lúc nửa đêm."

Các chuyến bay đường dài của AirAsia X mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho hãng này, để bù vào lượng hành khách ngày càng giảm. Nhưng Tony Fernandes, Giám đốc điều hành Tập đoàn AirAsia đang xem xét về việc tăng mức phụ phí.

Ông đang dự định sẽ mở rộng công ty để đẩy mạnh hoạt động vào các khoản thanh toán kỹ thuật số, thương mại điện tử và bán lẻ. Hiện tại cũng đang thực hiện kế hoạch tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của AirAsia, tập trung vào các xử lý dịch vụ khách hàng bằng công nghệ như trí thông minh nhân tạo và internet vạn vật (IoT). Ông cho hay: "Với dữ liệu khách hàng, chúng tôi có thể cung cấp nhiều dịch vụ hơn như những gì Alibaba và Amazon đã làm."

Ông nói: "Tôi mong rằng mọi người không nhìn nhận AirAsia chỉ là một hãng hàng không mà là một công ty kỹ thuật số giúp mọi người di chuyển như Uber."

Sáng kiến số hoá cũng là một phần của việc tái tổ chức cả tập đoàn để tạo ra một cơ cấu tổ chức chặt chẽ hơn. AirAsia thành lập các công ty liên kết ở Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan đã đề nghị hoán đổi cổ phần của đối tác thành cổ phiếu trong một công ty mẹ. Mục đích của việc này là hợp lý cơ cấu của tập đoàn, với mục tiêu dài hạn là đạt được quyền sở hữu đầy đủ của mỗi đơn vị.

Động thái này diễn ra khi AirAsia kiểm soát gần 50% thị trường Malaysia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng dữ dội từ Malindo Air, một hãng hàng không cao cấp của công ty mẹ Lion Air - Malaysia bắt đầu hoạt động vào năm 2013. Hiện tại, Malindo đang tập trung khai thác các đường bay trong khu vực để cạnh tranh với AirAsia. Một báo cáo hồi tháng 7 của CIMB cho thấy, lượng đặt chỗ của Malindo đã tăng 18% trong năm 2017, cao hơn AirAsia 6%.

Malindo đã mở thêm các đường bay đến Indonesia, Bắc và Nam Á, cạnh tranh trực tiếp với các chặng bay của AirAsia. Theo số liệu của CIMB, với kích cỡ lớn hơn 1/3 máy bay của AirAsia, Malindo cạnh tranh ở 71% các chặng bay ngắn và 20% đối với các chuyến đường dài. Với mục tiêu mỗi năm trang bị thêm 10 chiếc máy bay, hãng này có thể sẽ chiếm lợi thế hơn AirAsia ở các chặng bay dài và vừa.

Tập trung vào đường bay siêu dài

Yumiko Tanaka di chuyển giữa Hồng Kông và Toronto (Canada) trong suốt khoảng thời gian từ năm 1995 đến 2005 với Cathay Pacific, nhưng gần đây cô cũng bắt đầu tìm đến các hãng giá rẻ. Sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ Trung Quốc mang đến cho Tanaka nhiều sự lựa chọn.

Trong chuyến đi mới đây, cô chọn HongKong Airlines (thuộc HNA Group của Trung Quốc), rẻ hơn Cathay khoảng gần 600 CAD (483 USD). Cô chia sẻ, mặc dù đồ ăn trên máy bay không được như của Cathay nhưng cô vẫn rất hài lòng về chuyến bay này.

Hàng không giá rẻ thổi bùng cuộc chiến khốc liệt trên bầu trời châu Á - Ảnh 2.

Đường bay siêu dài trở thành giải pháp mới để cạnh tranh.

Trường hợp như của Tanaka đã cho thấy rõ hơn những thách thức của một hãng hàng không nhiều lần được bình chọn tốt nhất thế giới phải đối mặt. 2017 là một năm đầy sóng gió của Cathay khi hãng báo cáo một tổn thất nghiêm trọng lên đến 8,46 tỷ đô la Hong Kong (1,08 tỷ USD) do định sai giá nhiên liệu. Vị CEO kì cựu Ivan Chu Kwok-leung buộc phải từ chức vào hồi tháng 8/2017, hãng này đã nhận mức lỗ 6 tháng trầm trọng nhất trong vòng 20 năm. Vào tháng 11, Qatar Airways đã mua 9,6% cổ phần Cathay với giá 662 triệu USD. Kế hoạch tái cấu trúc bao gồm việc cắt giảm 600 lao động, từng dẫn đến các tranh chấp công đoàn. Đáng chú ý nhất là hãng hàng không hàng đầu của Hồng Kông tiếp tục mất khách hàng vào tay các hãng giá rẻ trong lẫn ngoài nước.

Các hãng hàng không Trung Quốc đang đẩy mạnh các chuyến bay đường dài, với Air China và Hainan Airlines bổ sung các tuyến mới đến Mỹ. Đặc biệt, Cathay đang lép vế với chính HongKong Airlines. Năm ngoái, hãng này tung ra các chuyến bay từ Hồng Kông đến Auckland, Vancouver và Los Angeles với giá rẻ hơn. Hãng cũng đang lên kế hoạch cho các tuyến đường mới đến San Francisco, London và New York trong 2018.

Kế hoạch thêm một ghế cho mỗi hàng trên Boeing 777 của Cathay trong năm nay có thể cắt giảm chi phí, nhưng cũng có thể khiến một số khách hàng không hài lòng. Bởi lý do đó, Cathay đã mở rộng các đường bay quốc tế bằng cách tăng cường những chặng bay siêu dài. Năm ngoái, hãng đã thông báo về việc mở đường bay thẳng từ Hồng Kông tới Washington.

Giới phân tích nhận định, Cathay nên tăng lợi thế trên các đường bay bay dài và phục vụ doanh nhân thay vì cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ trên các chặng ngắn. Geoffrey Cheng, Giám đốc Vận tải và Nghiên cứu công nghiệp tại BOCOM International, cho biết, mặc dù mất thị phần cho đối thủ, nhưng hãng vẫn có uy tín đối với những khách hàng giàu có sẵn sàng trả thêm tiền để bay đúng giờ và dịch vụ tốt hơn.

Hương Giang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên