MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt doanh nghiệp bất ngờ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào phút chót

09-01-2017 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

Không chỉ điều chỉnh kế hoạch vào những ngày cuối năm 2016, nhiều doanh nghiệp thậm chí vẫn điều chỉnh kế hoạch khi đã bước sang năm 2017.

Thời điểm kết thúc năm tài chính, khá nhiều doanh nghiệp đã bất ngờ điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh để cứu cánh cho đơn vị thoát khỏi gánh nặng không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Không chỉ điều chỉnh vào “phút chót”, tức cuối năm 2016 mà nhiều doanh nghiệp thậm chí còn điều chỉnh khi bước vào năm 2017, được gọi là “phút bù giờ”.

"Phút chót" là lựa chọn của khá nhiều doanh nghiệp

Cuối tháng 12 vừa qua, khi thời điểm kết thúc năm 2016 chỉ còn đếm từng ngày, hàng loạt doanh nghiệp đã thông báo việc điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh năm. Có doanh nghiệp còn điều chỉnh giảm đến 36% kế hoạch ban đầu như Tổng CTCP Hóa dầu Petrolimex (mã chứng khoán PLC).

Cụ thể ngay từ nửa đầu tháng 11/2016, nhận thấy mảng nhựa đường gặp nhiều khó khăn, công ty con – Công ty Nhựa đường Petrolimex điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch SXKD. Những điều chỉnh từ công ty con dẫn đến PLC phải điều chỉnh giảm kế hoạch SXKD hợp nhất với doanh thu giảm từ 5.983 tỷ đồng xuống 4.984 tỷ đồng tương ứng giảm 17% và giảm đến 28% so với doanh thu thực hiện được năm 2015; lợi nhuận trước thuế giảm từ 387 tỷ đồng xuống còn 246 tỷ đồng tương ứng giảm 36%, và giảm 38,6% so với con số thực hiện năm 2015. Trong đó, riêng lợi nhuận mảng nhựa đường điều chỉnh giảm trên 141 tỷ đồng.

Thậm chí, Tổng công ty Khoáng sản – TKV (Vimico - KSV) còn xin điều chỉnh kế hoạch doanh thu tăng 53 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh từ hơn 60 tỷ đồng xuống còn 0 đồng.

CTCP Sông Đà Cao Cường (mã SCL) cũng công bố điều chỉnh mạnh kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu thuần còn 137,9 tỷ đồng, giảm 15% so với kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận sau thuế cũng theo đó được điều chỉnh giảm xuống còn 1,3 tỷ đồng và dự kiến sẽ không chia cổ tức năm 2016.

Những điều chỉnh trên xuất phát từ việc kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm doanh thu công ty mới đạt 84 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm, và lãi ròng chỉ 2,7 tỷ đồng, thực hiện được 58% chỉ tiêu ban đầu mà ĐHCĐ giao phó.

CTCP Vận tải và Đưa đón thợ mỏ - Vinacomin (mã VTM) cũng điều chỉnh kế hoạch 2016 với doanh thu ở mức 307 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và gần 30% so với kế hoạch ban đầu.

Đến những doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh ở "phút bù giờ"

Ngoài những doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh vào “phút chót”, thì những ngày đầu năm 2016 cũng xuất hiện khá nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016.

Mở đầu là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (mã chứng khoán DPM). Đạm Phú Mỹ đã xin điều chỉnh giảm 13,4% chỉ tiêu tổng doanh thu, từ 9.105 tỷ đồng xuống còn 7.890 tỷ đồng. Đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng điều chỉnh giảm 18%, xuống còn 1.140 tỷ đồng. Nguyên nhân điều chỉnh giảm cũng do doanh nghiệp “liệu cơm gắp mắm” khi kết thúc 9 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu đạt chưa đến 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu về gần 960 tỷ đồng, mới thực hiện được 60,4% kế hoạch doanh thu và 78% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó ban đầu.

Ngay sau khi Đạm Phú Mỹ lên tiếng điều chỉnh kế hoạch SXKD, thì Đạm Cà Mau (CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau – DCM) cũng điều chỉnh giảm 13% chỉ tiêu doanh thu cả năm, từ 5.845 tỷ đồng xuống còn 5.092 tỷ đồng. Đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng điều chỉnh giảm nhẹ từ 648 tỷ đồng xuống còn 620 tỷ đồng.

Đạm Cà Mau cũng vừa xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất khoảng 5.328 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 633 tỷ đồng. Dự kiến sản xuất và tiêu thụ được 752 nghìn tấn Đạm cà Mau.

Không chỉ 2 “ông lớn” trong ngành dầu khí là Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ điều chỉnh giảm kế hoạch SXKD, mà “anh cả” Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGas - GAS) cũng vừa bất ngờ điều chỉnh giảm doanh thu hợp nhất hơn 1.700 tỷ đồng, từ 54.751 tỷ đồng xuống còn 53.000 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế điều chỉnh giảm mạnh từ 7.085 tỷ đồng xuống còn 5.200 tỷ đồng, tương ứng giảm đến 27% chỉ tiêu lợi nhuận mà ĐHCĐ đặt ra ban đầu.

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ban đầu của PVGas được xây dựng trên kịch bản giá dầu đạt 60USD/thùng. Tuy nhiên, năm 2016, giá dầu chưa lúc nào tăng đến mức này, vì vậy PVGas điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận là điều dễ hiểu.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016, PVGas đạt 43.546 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 4.162 tỷ đồng, mới hoàn thành 80% chỉ tiêu doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế ban đầu.

CTCP Phân phối khí Thấp áp Dầu khí Việt Nam (PVGasD - PGD) lại quyết định điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch doanh thu năm 2016 từ 5.154,7 tỷ đồng xuống còn 4.200 tỷ đồng tương ứng mức giảm gần 19%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại điều chỉnh tăng từ 109,6 tỷ đồng lên 188 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 58%.

Thạch lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên