MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt doanh nghiệp phủ nhận việc nhận lãi ngoài từ ngân hàng Đại Dương

04-03-2017 - 07:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp khẳng định không nhận lãi ngoài từ Oceanbank trong tuần xét xử đầu tiên vụ án Hà Văn Thắm. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác tòa đã triệu tập nhưng đại diện các công ty này vắng mặt.

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) trước tòa vào chiều ngày 2/3, từ năm 2011-2014, giữ chức vụ Tổng giám đốc bị cáo Thu có làm việc với 3 khách hàng lớn là Tổng Công ty Dầu VN (PVOil), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Liên doanh Dầu khí Vietsopetro.

Bị cáo Thu thừa nhận do thời gian sự việc xảy ra đã lâu, Thu không còn lưu giữ các tài liệu nhận và chi tiền nên không trình bày được số tiền cụ thể nhận và chi nhưng bị cáo khẳng định toàn bộ số tiền nhận từ NH Đại Dương đều được chi lãi ngoài cho khách hàng do bị cáo phụ trách chứ không tư lợi khoản nào.

Bị cáo Thu khai nhận, từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2014, bị cáo đã nhận 125,6 tỷ đồng chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng. Trong đó có 114,4 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và 11,1 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.

Đồng thời, bị cáo Thu trình bày đã trực tiếp nhận và chi trả 48,3 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn cho các khách hàng Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro (VSP). Cụ thể, chi trả cho PVOil 15,7 tỷ đồng, VSP 22,7 tỷ dồng, BSR 19,3 tỷ đồng. Việc chi lãi ngoài, OceanBank không yêu cầu các khách hàng phải ký nhận.

Tuy nhiên, trước tòa, đại diện ủy quyền PVOil cho biết, quá trình điều tra, PVOil nhận được công văn của cơ quan điều tra hỏi về vấn đề này. PVOil đã rà soát hệ thống tài khoản, khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào từ Nguyễn Minh Thu và Oceanbank. PVOil cũng mời các cán bộ cũ về hỏi nhưng họ cũng khẳng định không nhận tiền.

“PVOil mở tài khoản tại Oceanbank và có 3 hợp đồng tiền gửi tại ngân hàng này, ngoài ra phát sinh một số lãi không kỳ hạn. Tiền gửi có kỳ hạn với tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng (từ năm 2013-2014). Trước đó chỉ phát sinh tiền lãi không kỳ hạn vì PVOil có tài khoản, số dư trong tài khoản thời điểm cao nhất không nhiều. Chúng tôi đã có bảng kê cụ thể gửi cho quý tòa”, đại diện ủy quyền PVOil cho biết.

Ngoài ra, theo cáo trạng, bị can Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên phó Tổng giám đốc Oceanbank) được phân công và chịu trách nhiệm chi trả số tiền 263,4 tỷ đồng cho các khách hàng.

Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin, nay là SBIC) 105 tỷ đồng; Tổng công ty thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) 76,5 tỷ đồng; Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) 8,3 tỷ đồng; Tổng công ty bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) và các công ty thành viên 19,9 tỷ đồng; Tổng công ty Vận tải dầu khí 7,9 tỷ đồng.... Hiện bị cáo Phương được tạm đình chỉ vụ án do mắc bệnh hiểm nghèo.

Tại phiên xét xử ngày 3/3, đại diện PVEP trình bày, công ty có tiền gửi và 3 hợp đồng vay thời điểm năm 2009, 2012, 2014 để đầu tư dự án.Trong quá trình điều tra, công ty khẳng định không nhận khoản nào ngoài tiền lãi hợp đồng. Rà soát mọi tài khoản liên quan đến PVEP và không nhận khoản nào khác.

Đại diện PVC cũng khẳng định đã rà soát và không có khoản tiền lãi ngoài hợp đồng. Đại diện Tổng công ty điện lực dầu khí (PVPower) cho biết, công ty có tiền gửi tại Oceanbank. Hoạt động tiền gửi diễn ra trong nhiều năm, số liệu rất nhiều.

“Chúng tôi có văn bản trả lời, bảng kê gửi cơ quan điều tra, tôi sẽ cung cấp cho HĐXX rõ hơn. Công ty không nhận đồng lãi ngoài nào từ Oceanbank”.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí trình bày không có thông tin tiền nhận lãi ngoài. Mọi tiền lãi nhận được theo đúng hợp đồng.

Đại diện ủy quyền của Vinashin (nay là SBIC) cho biết công ty có hợp đồng gửi tiền tại Oceanbank. “Công ty đã hỏi bộ phận kế toán, đến nay không có tài liệu thể hiện tiền nhận lãi ngoài từ Oceanbank”.

Trước đó, bị cáo Trần Thị Thu Hương, nguyên Giám đốc chi nhánh Hải Dương khai, tổng số tiền chi nhánh chi cho khách hàng là hơn 29 tỷ đồng. Bản thân bị cáo Hương chi trả số tiền 8 tỷ đồng, trong đó Nhiệt điện Phả Lại là khách hàng lớn nhất, nhận lãi ngoài hơn 6 tỷ đồng và chưa trả lại. Hiện tại, CTCP Âu Việt chuyển lại hơn 400 triệu đồng. Bị cáo Hương đã bán nhà, khắc phục hậu quả số tiền 1,3 tỷ đồng.

Tại chi nhánh Sài Gòn, một số tổ chức kinh tế nộp lại tiền nhận lãi ngoài gồm: CTCP Đầu tư phát triển Gia Định, CTCP Đại An Sài Gòn, CTCP Sản xuất dịch vụ Tân Bình và CTCP đầu tư Khu công nghiệp dầu khí Idico Long Sơn nộp lại 216 triệu đồng.

“Mới đây, một số chị em đồng nghiệp cũ báo tin vui có thêm một công ty nộp 658 triệu đồng, chúng em đang lập chứng từ”, bị cáo Nguyễn Quốc Chiến, nguyên Giám đốc chi nhánh Sài Gòn nói thêm.

Còn theo lời khai của nguyên GĐ chi nhánh Vũng Tàu Nguyễn Thị Kiều Liên: "Trước khi bị khởi tố, khi sự việc bắt đầu bị điều tra, tôi thực sự lo lắng và đã nhiều lần gọi điện đến các khách hàng do tôi phụ trách và đề nghị cho tôi thu lại số tiền nhưng có nhiều khách hàng không nghe hoặc không nói gì. Sau khi vận động rất nhiều, đến thời điểm này chỉ có Ban Quản lý dự án đóng mới dàn khoan đưa 100 triệu nhưng không nộp vào tài khoản của cơ quan điều tra mà đưa tay và nói nếu có hỏi họ cũng sẽ nói là không biết gì. Đến nay thì Ban này đã giải thể do làm xong nhiệm vụ".

Trước tòa, rất nhiều bị cáo khai phải bán nhà để bù đắp thiệt hại và trình bày hoàn cảnh ngân hàng lúc bấy giờ rất khó khăn, chỉ làm công ăn lương và không có tư lợi nào, xin được tòa xem xét và khoan dung.

Một số doanh nghiệp khác tòa đã triệu tập như Công ty Bưu chính Viettel, Công ty Đầu tư và kinh doanh tài sản Việt Nam, Tổng công ty điện lực Dầu khí Cà Mau, CTCP Phát triển đô thị dầu khí, Viện năng lượng, CTCP Cảng Phước An..., nhưng đại diện các công ty này vắng mặt tại tòa.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên