MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt "ông lớn" giảm lãi mạnh sau kiểm toán

12-04-2018 - 08:36 AM | Doanh nghiệp

Cả Sabeco, Habeco, HAGL, HAGL Agrico, Gỗ Trường Thành, Sonadezi, Tân Tạo, Nhựa Bình Minh, Chiếu xạ An Phú... đều bị điều chỉnh giảm lãi sau kiểm toán.

Kỳ nộp báo cáo tài chính đang vào giai đoạn cao điểm, hàng loạt doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Bên cạnh những doanh nghiệp không có nhiều biến động về chỉ số tài chính sau kiểm toán, thì cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận giảm sút mạnh so với số liệu công ty tự lập trước đó, thậm chí có những doanh nghiệp từ lãi chuyển sang lỗ lớn.

Sabeco giảm 189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán

Báo cáo tài chính năm 2017 của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) được kiểm toán bởi Công ty TNHH PwC (Việt Nam) cho thấy lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán bị điều chỉnh giảm 189 tỷ đồng, từ mức 5.137 tỷ đồng xuống còn 4.948 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần còn được điều chỉnh tăng gần 30 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch này do chi phí giá vốn bị điều chỉnh tăng 122 tỷ đồng, còn chi phí tài chính lại được điều chỉnh giảm 55 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 24 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 82 tỷ đồng, ngoài ra thuế TNDN hoãn lại được điều chỉnh giảm một nửa, còn hơn 12 tỷ đồng. Đây là những nguyên nhân chính làm sau kiểm toán Sabeco "bay" mất 189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Không chỉ sabeco, mà cả Habeco (BHN) cũng bị điều chỉnh giảm xấp xỉ 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán, còn hơn 658 tỷ đồng. Và như vậy Habeco sẽ cách xa hơn mục tiêu 808,6 tỷ đồng LNST đặt ra cho năm 2017.

Tuy nhiên điểm đáng chú ý nhất trên BCTC kiểm toán năm 2017 của Habeco lại là chỉ tiêu vốn chủ sở hữu đã bị điều chỉnh giảm xấp xỉ 2.200 tỷ đồng. Nguyên nhân do quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị điều chỉnh giảm. Số liệu này không chỉ điều chỉnh riêng cho năm 2017, mà còn điều chỉnh từ số dư để lại năm 2016.

Trên BCTC, kiểm toán viên cũng nêu vấn đề nhấn mạnh về việc điều chỉnh giảm hơn 1.701 tỷ đồng ở khoản mục quỹ đầu tư phát triển, và đồng thời giảm lợi nhuận chưa phân phối kỳ này xuống hơn 90 tỷ đồng dù chưa được ĐHCĐ thông qua.

Cả HAGL và HAGL Agrico bị giảm mạnh về LNTT sau kiểm toán

Hai "đứa con" của "bầu Đức" – HAGL (HAG) và HAGL Agrico (HNG) – đều giảm lãi đáng kể sau kiểm toán. Báo cáo tài chính của HAGL và HAGL Agrico đều được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán E&Y.

Đối với HAGL, lợi nhuận trước thuế giảm 430 tỷ đồng, từ số liệu 1.056 tỷ đồng công ty tự lập xuống còn 626 tỷ đồng trên BCTC kiểm toán. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng bị điều chỉnh giảm sâu 559 tỷ đồng, từ mức 629 tỷ đồng xuống còn 70 tỷ đồng.

Nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh sau kiểm toán chủ yếu do chi phí giá vốn tăng, chi phí quản lý tăng và phần lợi nhuận khác giảm.

Hàng loạt ông lớn giảm lãi mạnh sau kiểm toán - Ảnh 1.

HAGL Agrico cũng bị điều chỉnh giảm 509 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau kiểm toán, từ mức 951 tỷ đồng xuống còn 441 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng bị điều chỉnh giảm 399 tỷ đồng, từ mức 927 tỷ đồng xuống mức 527 tỷ đồng sau kiểm toán.

Nguyên nhân chủ yếu do sau kiểm toán doanh thu tài chính bị điều chỉnh giảm, chi phí tài chính tăng, chi phí quản lý tăng, và đặc biệt phần chi phí khác cũng bị điều chỉnh tăng mạnh.

Hàng loạt ông lớn giảm lãi mạnh sau kiểm toán - Ảnh 2.

Ngoài lãi giảm sâu, kiểm toán cũng nêu ý kiến ngoại trừ trên BCTC của HAGL đối với việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu từ các bên liên quan với số tiền 4.023 tỷ đồng. Đây là khoản liên quan đến các dự án đang vận hành của các bên. Phía HAGL cho rằng khi các dự án này đi vào hoạt động thương mại, có lợi nhuận thù khả năng thu hồi các khoản nợ sẽ dễ dàng.

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn do nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Tập đoàn. Tuy nhiên, phía HAGL cho biết công ty đang trong quá trình tái cơ cấu lại hoạt động SXKD, đồng thời đang xúc tiến nghiệp vụ phát hành chứng khoán để huy động vốn nhằm giải quyết khó khăn về thanh khoản...

Nhựa Bình Mình giảm gần 7 tỷ đồng LNST sau kiểm toán

Nhựa Bình Minh (BMP) bị điều chỉnh giảm 6,6 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán, từ mức 471,3 tỷ đồng xuống còn 464,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch này chủ yếu do các số liệu về chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và thuế thu nhập hoãn lại được điều chỉnh.

Bên cạnh đó kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về số tiền hơn 49 tỷ đồng truy thu thế TDN năm 2009 và 2010 công ty đã tạm nộp và hạch toán vào mục chi phí khác. Nếu công ty xử ký khoản trên thì mục phải thu ngắn hạn và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 1/1/2017 và 31/12/2017 sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng.

Giải trình về vấn đề này, Nhựa Bình Minh cho rằng vấn đề phát sinh khi công ty tiến hành cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên sàn được hưởng chính sách miễn, giảm thuế TNDN theo quy định. Công ty đã làm việc trực tiếp với Cụ thuế, và sẽ xử lý dứt điểm khoản này ngay sau khi xin ý kiến ĐHCĐ thường niên năm 2018.

Gỗ Trường Thành (TTF) giảm 91% lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán

BCTC năm 2017 của Gỗ Trường Thành (TTF) được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho thấy LNST năm 2017 sau kiểm toán giảm 91% so với số liệu công ty tự báo cáo (26,4 tỷ đồng), còn hơn 2,34 tỷ đồng, tương ứng mức giảm hơn 24 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự chênh lệch lợi nhuận này chủ yếu do kiểm toán điều chỉnh tăng chi phí giá vốn lên 25 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính – mà chủ yếu là chi phí lãi vay được điều chỉnh giảm xấp xỉ 30 tỷ đồng. Khoản mục thu nhập khác bị điều chỉnh giảm gần 19 tỷ đồng.

Những nguyên nhân chính trên dẫn tới lợi nhuận sau thuế của Gỗ Trường Thành bị điều chỉnh giảm mạnh đến 91% so với số liệu công ty tự lập.

Tân Tạo giảm 84% lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) công bố BCTC hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán với số liệu lợi nhuận sau thuế giảm 47,3 tỷ đồng, từ mức 56 tỷ đồng xuống còn 8,7 tỷ đồng, tương ứng mức giảm đến 84%.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự chênh lệch này do doanh thu thuần bị điều chỉnh giảm, chi phí giá vốn tăng, doanh thu tài chính giảm, chi phí tài chính tăng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp lại được điều chỉnh giảm…

Điểm đáng chú ý nữa là trên BCTC kiểm toán, phần doanh thu từ cho thuê đất khu công nghiệp hiện đang hạch toán với số tiền 416 tỷ đồng – là phương án hạch toàn tiền thuê ghi nhận 1 lần. Còn nếu hạch toán theo phương án phân bổ đều trong thời hạn thuê đất, thì năm 2017 doanh thu từ mảng này chỉ hơn 14,7 tỷ đồng, dẫn tới công ty sẽ ghi nhận lỗ cả năm lên tới hơn 193 tỷ đồng.

Vấn đề hạch toán theo phương pháp ghi nhận 1 lần hoặc phân bổ bình quân theo năm cũng được nhắc đến trong báo cáo tài chính kiểm toán của Tổng công ty cổ phẩn phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi – SNZ). Trong đó ghi rõ nếu chuyển sang phương án hạch toán bình quân theo năm, doanh thu năm 2017 sẽ điều chỉnh giảm 34,2 tỷ đồng.

Số liệu sau kiểm toán của Sonadezi cũng bị điều chỉnh giảm 31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với số liệu công ty tự lập. Kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ trên BCTC của Sonadezi về giá trị nghiệm thu một số công trình xây dựng trị giá trên 104 tỷ đồng và các khoản chi phí liên quan đến công việc này Tâp đoàn chưa ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất. Bên cạnh đó kiểm toán cũng nêu ý kiến nhấn mạnh về phần tiền thuê đất bổ sung phải nộp do điều chỉnh giá thuê đất theo phụ lục hợp đồng mới.

CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel – SGT) cho biết do lỗi kỹ thuật phần mềm kế toán khi thực hiện cấn trừ các mã hàng tồn kho tại KCN, dẫn tới chi phí giá vốn sau kiểm toán bị điều chỉnh tăng 74 tỷ đồng, làm cho lợi nhuận gộp cũng bị điều chỉnh giảm theo.

Nhờ chi phí tài chính được điều chỉnh giảm do công ty đã hoàn nhập dự phòng 1 số khoản đầu tư nên kết quả, sau kiểm toán Saigontel giảm 35,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán.

BCTC kiểm toán của Chiếu Xạ An Phú được NĐT quan tâm nhiều khía cạnh

Nhà đầu tư hẳn chưa quên "hiện tượng" Chiếu xạ An Phú (APC) từ đầu năm đến nay khi cổ phiếu bất ngờ lao dốc với chuỗi những phiên giảm sàn liên tiếp. Lấy mốc đầu năm 2018 đến nay cổ phiếu APC đã giảm gần 57%, từ mức 82.500 đồng/cổ phiếu xuống 35.700 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Hàng loạt ông lớn giảm lãi mạnh sau kiểm toán - Ảnh 3.

Giá cổ phiếu APC trong 6 tháng gần đây.

Tuy nhiên chuỗi giảm điểm thực sự của APC mới bắt đầu từ đầu tháng 3 trở lại đây với 7 phiên giảm sàn liên tiếp bắt đầu từ ngày 7/3. Sau đó là những phiên tăng – giảm liên tiếp.

Nguyên nhân chính cho những đợt biến động giá gần đây của Chiếu xạ An Phú có thể bắt đầu khi BCTC năm 2017 kiểm toán và tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2018 được công bố. Lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán bị điều chỉnh giảm 2,6 tỷ đồng, xuống còn 66,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số chênh lệch lợi nhuận này chưa phải là điều nhà đầu tư quan tâm, mà tâm điểm nằm ở bảng cân đối kế toán với khoản "tiền và tương đương tiền" trước và sau kiểm toán bị "hụt" mất 75 tỷ đồng.

Số tiền này được "nhìn thấy" trở lại ở khoản ghi nhận trả trước cho Corpex Asia Ltd – một công ty mới thành lập ở Hong Kong được hơn 3 tháng (ngày 25/8/2017) tính đến thời điểm kết thúc năm 2017. Khoản trả trước đối với Corpex Asia Ltd trùng khớp với khoản "hụt" tương đương tiền của Chiếu xạ An Phú đã khiến nhà đầu tư để ý.

Bên cạnh đó, đối tác được An Phú lựa chọn là cổ đông mua phát hành riêng lẻ Torus capital Investment Ltd cũng là 1 doanh nghiệp "non trẻ", thành lập tại Singapore ngày 28/9/2017.

VRC giảm hơn 30 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán

CTCP Bất động sản đầu tư VRC (VRC) công bố báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán bởi Công ty TNHH PKF Việt Nam với nhiều số liệu được điều chỉnh so với báo cáo tài chính công ty tự lập.

Trong đó tổng doanh thu đạt 82 tỷ đồng, tăng 68 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập, chủ yếu do ghi nhận tăng doanh thu chuyển nhượng bất động sản. Trong khi đó khoản "thu nhập khác" bị điều chỉnh giảm 94 tỷ đồng - là khoản ghi nhận liên quan đến hợp đồng đầu tư mà công ty hạch toán.

Những điều chỉnh này dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu nhập sau kiểm toán của VRC bị điều chỉnh giảm hơn 30 tỷ đồng, từ mức 207,2 tỷ đồng xuống còn 77,1 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 28%.

Hàng loạt ông lớn giảm lãi mạnh sau kiểm toán - Ảnh 4.

CTCP Địa ốc Sài Gòn (SaigonRes – SGR) cũng giảm 7 tỷ đồng sau kiểm toán do bị điều chỉnh mạnh về doanh thu cho thuê mặt bằng. Tổng LNST sau kiểm toán của SaigonRes còn gần 140 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và xây dựng Bưu điện (PTIC – PTC) giảm gần 67% lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán, từ mức 7,85 tỷ đồng xuống còn 2,55 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng bị điều chỉnh giảm 1 nửa, từ trên 10 tỷ đồng xuống còn hơn 5 tỷ đồng sau kiểm toán.

Từ lãi chuyển sang lỗ sau kiểm toán

Không như những doanh nghiệp nêu trên, sau kiểm toán dù giảm lãi nhưng không đến nỗi "đảo ngược chiều" thành lỗ. Còn CTCP Sông Đà 7 lại đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp.

Trước đó, BCTC do công ty tự lập, năm 2017 Sông Đà 7 lãi sau thuế vỏn vẹn 37 triệu đồng – thoát lỗ trong gang tấc. Tuy nhiên trên BCTC kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, từ mức lãi nhẹ đã chuyển sang lỗ 17,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ này do khoản mục "chi phí khác" bị điều chỉnh tăng gần 17 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2016 công ty lỗ 211,32 tỷ đồng và năm 2015 lỗ 14,59 tỷ đồng. Tổng lỗ 3 năm liên tiếp trên 243 tỷ đồng.

ĐHCĐ thường niên năm 2017 của Sông Đà 7 đã thông qua phương án "cứu vãn tình thế" là dùng thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển để bù đắp hết khoản lỗ phát sinh ghi nhận đến 31/12/2016. Tuy nhiên với khoản lỗ sau kiểm toán lần này Sông Đà 7 lại đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Danh sách những doanh nghiệp giảm lãi lớn sau kiểm toán chắc sẽ vẫn còn kéo dài.  

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên