MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng ngàn người Nhật "tị nạn" ở những quán net: Cánh cửa hy vọng nào mở ra cho cuộc đời họ?

07-10-2017 - 17:11 PM | Sống

Thu nhập thấp, công việc không ổn đinh, không nhà cửa, những nơi công cộng lại khó có thể qua đêm những điều này đã tạo nên làn sóng mà báo chí Nhật gọi là "người tị nạn quán net".

Nền kinh tế thứ ba thế giới, bậc nhất về công nghệ toàn cầu, là quốc gia được cả thế giới thán phục bởi tinh thần Võ sĩ đạo. Ấy thế, một làn sóng ngầm trong xã hội Nhật Bản đang lan truyền chóng mặt. Rất nhiều mảnh đời, rất nhiều số phận rời bỏ thực tại, lẩn trốn đâu đó trong những bức vách của các quán net nội đô thành phố. Người ta gọi đó là dân tị nạn quán net.

4 mét vuông, nhiều cuộc đời

Ông Masata 39 tuổi, là một webmaster làm việc tại Tokyo. Tới đây, Masata đã làm việc được hơn bốn năm. Không phải vì Masata không thể thuê nhà, nhưng vì những mâu thuẫn với hàng xóm Masata chọn tới ở hẳn ở quán net Maboo. Masata cho biết, ông đã từng thuê một vài căn hộ, nhưng thật khó để có thể làm quen và sinh sống với hàng xóm.

"Bạn biết đấy, ở các vùng quê con người ở đó có phần cởi mở hơn, còn ở đây, thành phố lớn như Tokyo không ai quan tâm tới ai cả, họ chỉ quan tâm tới bản thân" – Masata chia sẻ. Hoàn toàn tự do và không phải gặp mặt ai, mình có thể làm gì tùy thích đó là một lý do để Masata trở thành dân "tị nạn quán net".

Ông Masata. 39 tuổi, một dân tị nạn quán nét có thâm niên 2 năm.

Ông Masata. 39 tuổi, một dân "tị nạn" quán nét có thâm niên 2 năm.

Cách đó vài dãy phòng là Hitomi, 23 tuổi; cô đang có công việc về đêm, cũng chọn ở lại Maboo làm nơi ở thường xuyên. Năm 16 tuổi, cha mẹ nhận ra cô đã đủ tuổi để tự lo cho bản thân, Hitomi quyết định đi làm. Cô ra khỏi nhà để bố mẹ có thể tập trung chăm lo cho hai em ở nhà. Hitomi không thích sự cô đơn nhưng vẫn mong muốn có những khoảng không riêng cho bản thân.

Những bức vách ở Maboo đã mang lại cho cô điều đó. Các cabin ở Maboo không quá dày, nóng, cabin để hở và người ở cabin bên này vẫn có thể nghe được những âm thanh từ bên kia vọng sang. "Có thể được sống hạnh phúc, tận hưởng niềm vui, bạn có thể coi đó là ước mơ của tôi" – Hitomi nói.

Hitomi trong một phòng hút thuốc tại quán nét Maboo, Tokyo.

Hitomi trong một phòng hút thuốc tại quán nét Maboo, Tokyo.

Fumiya, 26 tuổi, một bảo vệ đêm ở công trường xây dựng đang kết thúc bữa ăn tối là mì hộp và tìm giây phút giải trí với trò chơi Phantasy Star Online 2. Anh đã tìm một số căn hộ cho thuê phù hợp với thu nhập của mình, nhưng cuộc sống đắt đỏ ở Tokyo đã không đáp ứng được mong muốn đó. Fumiya cũng chọn quán net làm nơi ở. Fumiya cảm thấy cuộc sống ở Maboo không quá tiện nghi nhưng vẫn đủ. Có Internet, anh có thể tìm việc. Bữa ăn hàng ngày có thể là mì gói hoặc những hộp thức ăn giá 300 yên ở siêu thị, có nước uống, có thể vệ sinh cá nhân. Như vậy là đủ với Fumiya nhưng anh thi thoảng không thực sự thoải mái.

"Bạn có thể nghe thấy tiếng ngáy, tiếng ồn từ các cabin bên cạnh, tôi đã không thực sự nghỉ ngơi, thi thoảng tôi bị đánh thức bởi tiếng rửa bát".

Fumiya thường ngủ như vậy mỗi đêm.

Fumiya thường ngủ như vậy mỗi đêm.

Masata, Fumiya hay Hitomi đang là những câu chuyện phổ biến của cư dân tị nạn quán nét được nhắc tới ở Nhật. Bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỷ trước nhưng giờ đây làn sóng này đang mở rộng ở Nhật Bản.

Những con số kể chuyện

Theo số liệu điều tra thực tế của Bộ y tế Lao động Nhật Bản lứa tuổi 20 chiếm tỷ lệ cao nhất là 26,5%, đứng vị trí số 2 là lứa tuổi 50 – chiếm 23,1%, đứng vị trí thứ ba là độ tuổi 30-19%, những người ở lứa tuổi 10 chiếm 9,8%, số người tuổi 60 chiếm 8,7%.

Makoto Kawazoe – Liên hiện công đoàn trẻ, cho biết có tới 38% dân số Nhật Bản là những người lao động thời vụ. Những người này có thu nhập ít hơn hẳn so với những người làm việc toàn thời gian. Ở Nhật cũng rất khó để kiếm được trợ cấp thất nghiệp.

"Ở đất nước chúng tôi, một khi mất việc bạn không thể tồn tại" – Makato cho biết.

Tadayuki Sakai, 41 tuổi, đã là nhân viên kinh doanh chính thức 20 năm, giờ ông là một dân tị nạn quán net

Tadayuki Sakai, 41 tuổi, đã là nhân viên kinh doanh chính thức 20 năm, giờ ông là một dân tị nạn quán net

Cũng theo số liệu của Bộ y tế - Lao động Nhật Bản, 49% số người được hỏi cho biết, họ không đủ khả năng thanh toán tiền đặt cọc và những chi phí ban đầu cho việc thuê nhà, 28% thừa nhận không có mức thu nhập ổn định để trả tiền thuê nhà hàng tháng, 23% số người không tìm được người đứng ra bảo lãnh khi thuê nhà.

Sự suy thoái kinh tế đã buộc các Công ty Nhật cắt giảm chi phí. Bên cạnh biện pháp cho sa thải nhân công, các công ty chọn thay lao động chính thức bằng lao động hợp đồng ngắn hạn, làm bán thời gian… nhiều công ty còn tuyển dụng lao động không chính thức. Có lẽ thế nhiều số phận như Masata, Hitomi hay Fumiya đã chọn Maboo làm nhà theo giờ.

Tương lai có ở đằng sau cánh cửa?

Tadayuki Sakai, 41 tuổi, nở nụ cười tươi khi ông nhớ lại ngày ông gửi đơn thôi việc tới ông chủ, kết thúc công việc ông đã làm suốt 20 năm qua, một nhân viên kinh doanh. Sau khi ông Sakai bỏ vị trí nhân viên giao dịch, ông chuyển tới Maboo, nơi ông hiện đang làm việc điều hành điện thoại tạm thời cho một người bạn. Mặc dù sống trong một cabin 4 mét vuông nhưng ông Sakai đã tuyên bố rằng ông hạnh phúc hơn nhiều: "Tôi không bao giờ muốn trở thành một nhân viên bán hàng một lần nữa."

Trở lại với Masata, anh nói: "Ngồi tại đây, tôi muốn giải thoát mình khỏi những lo lắng hàng ngày. Nhưng thực tế thì không phải vậy, anh phải giao tiếp với những người khác. Anh không thể tự mình lớn lên được, anh không thể thành đạt. Tôi tự hỏi, liệu cả cuộc đời tôi rồi sẽ như thế này? Maboo có thể là một chỗ ổn trong một thời gian nhưng không phải nơi để sống. Tôi đã không hạnh phúc với cuộc sống của mình như trước kia. Tôi đã chạy trốn khỏi thực tế và tôi đã kết thúc ở đây ư? Ở những nơi như thế này, bạn không thể trở nên phụ thuộc vào nó. Và vì thế, tôi sẽ tìm cách trở ra khỏi đây càng sớm càng tốt".

Theo Marssu

Trí thức trẻ

Trở lên trên