MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Nhật, hàng Thái trên thị trường Việt

04-04-2017 - 09:09 AM | Thị trường

Nếu như hai năm trước, hàng Thái (tên gọi thân mật của hàng hóa “made in Thailand”) chiếm lĩnh thị phần hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt đối với nhóm hàng tiêu dùng ở Việt Nam và dần thay thế hàng Trung Quốc vốn đã tràn ngập thị trường vào những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Lúc đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu tìm đến một số nhà cung cấp nhỏ lẻ hàng Thái Lan.

Và rồi mặc dù giá cả hàng Thái Lan đắt hơn hàng Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng Việt vẫn tin dùng vì chất lượng hàng hóa ổn định. Dần dần, hàng Trung Quốc chỉ đáp ứng một bộ phận người dân ở nông thôn. Các cửa hàng tiện ích kinh doanh hàng Thái Lan bắt đầu nở rộ, những địa chỉ này luôn có những khách hàng thường xuyên.

Nhưng từ hai năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt còn biết đến hàng tiêu dùng Nhật Bản với 2 loại: Hàng Nhật xuất khẩu và hàng Nhật nội địa. Sở dĩ hàng Nhật chiếm được sự tin dùng của người tiêu dùng thế giới, trong đó có Việt Nam, là bởi hàng hóa Nhật Bản luôn đặt yếu tố sức khỏe con người lên vị trí số 1. Chính vì vậy, hầu hết người tiêu dùng đều rất yên tâm đến chất lượng sản phẩm khi nhìn thấy dòng chữ “made in Japan”.

Có thể nói hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản lúc đầu chỉ đáp ứng một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có mức thu nhập từ khá đến cao ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo hàng hóa Nhật Bản tiếp cận gần nhất đối với người tiêu dùng Việt, nhiều đơn vị nhập khẩu chính ngạch đã nhập thêm cả hàng hóa trung bình, đến trung bình khá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân có mức thu nhập trung bình khá ở Việt Nam. Hàng Nhật Bản đã nhanh chóng chiếm được tỉ trọng nhất định trong cơ cấu hàng hóa tiêu dùng của người Việt bởi chất lượng, giá cả và sự hài lòng khi sử dụng.

Có người cho rằng, sở dĩ như vậy là do điều kiện quan hệ kinh tế song phương của hai nước không ngừng phát triển nên hàng hóa Nhật Bản nhanh chóng chiếm được vị trí là một trong 5 nước có đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Nhưng đứng dưới góc độ kinh doanh, rất nhiều cửa hàng tiện ích kinh doanh hàng hóa của Nhật Bản đã bắt đầu cơ cấu ngành hàng cho hợp lý: Hàng Nhật cao cấp chiếm 15%, hàng loại khá chiếm 35% và hàng hóa loại trung bình chiếm tới 50%. Đồng nghĩa với đó, có hàng trăm mặt hàng tiêu dùng có xuất xứ Nhật Bản chỉ với giá vài chục ngàn như: Màng bọc thực phẩm, bông tai, thớt, rổ, đũa, khăn tắm, thảm lau chân, nước rửa bát, kem đánh răng…

Tuy nhiên theo đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam, các sản phẩm ăn, uống của Nhật đặc biệt khá đắt so với những sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc hay Trung Quốc có lẽ vì yếu tố an toàn cho người sử dụng được đặt ở vị trí số 1.

Có thể nói với những bước đi chậm, chắc hàng hóa Nhật Bản hiện hay không chỉ chiếm được sự tin dùng của người dân Việt Nam mà còn có được sự tin dùng của nhiều quốc gia khác. Đây cũng chính là bài học dù nhà sản xuất có làm ra sản phẩm gì thì sản phẩm đó đều phục vụ con người, con người đóng vai trò quan trọng, vì vậy đây có thể là bí quyết của sự thành công.

Theo Đỗ Phong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên