MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán đặc sản quê, kiếm tiền "thưởng" Tết

28-01-2014 - 07:57 AM |

Không tiết lộ thu nhập, nhưng M. cho biết tiền lãi bán hàng đợt tết "cũng tương đương tiền thưởng tết của các anh chị làm công sở".

Những ngày cận Tết nguyên đán, mọi gia đình chuẩn bị lương thực thực phẩm dự trữ với khối lượng tương đối lớn so với ngày thường. Tuy vậy, trước tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, các bà nội trợ đắn đo không ít khi quyết định chọn cho gia đình thực phẩm tết vừa tươi ngon lại thực sự an toàn.

Đối với chị em công sở, việc lo chu toàn bữa ăn cho những ngày tết quả thực không đơn giản, khi mà đến sát tết, chị em mới được nghỉ, thời gian chỉ còn 1-2 ngày để chuẩn bị.

Nắm bắt nhu cầu đó, không ít người, bao gồm cả nhân viên công sở, đã đứng ra làm đầu mối cung cấp thực phẩm tết với thương hiệu hand-made, hoặc làm ở quê. Sức hút của thực phẩm này đối với cư dân thành phố không phải là nhỏ.

Trao đổi với chúng tôi, một bạn trẻ đứng ra cung cấp các đặc sản Nghệ An - Hà Tĩnh cho biết, trong dịp Tết, em đã bán hơn 450 kg giò me (bê) của Nghệ An, nem Thanh Hóa nhập về không đủ cung cấp. Lượng giò bê bán hết từ 25 tết. "Sức mua thật sự rất nhiều mà em không cung cấp đủ" - M. tâm sự.

M. không tiết lộ lợi nhuận trên mỗi kg giò bê, nhưng với 220 nghìn đồng/kg, doanh thu của M. trên dưới 100 triệu đồng. Đấy là chưa kể khối lượng 100 kg cam Vinh được bán với giá 70 nghìn đồng/kg (loại 4 quả/kg) và một số hải sản từ Nghệ An chuyển ra.

M. không đi làm văn phòng, ở nhà trông con còn nhỏ và buôn bán online, giao hàng tận nơi các sản phẩm từ Nghệ An. Không tiết lộ thu nhập, nhưng M. cho biết tiền lãi bán hàng đợt tết "cũng tương đương tiền thưởng tết của các anh chị làm công sở".


Giò bê Nghệ An vừa được chuyển từ huyện Nam Đàn - Nghệ An ra Hà Nội

Anh H., một khách hàng của M. cho biết chất lượng giò bê cũng như cam Vinh khiến anh thực sự an tâm và muốn trở thành khách hàng lâu dài, không chỉ vào dịp Tết.

Cũng với giò bê, anh K., một nhân viên kinh doanh tại một công ty công nghệ lớn tại Hà Nội cho biết những ngày cận Tết, khối lượng hàng bán được của anh vào khoảng 30 - 40kg/ngày. K. đồng thời vừa đi làm, vừa tranh thủ thời gian ngoài giờ hành chính để giao hàng. K. bắt đầu bán từ 21 Tết, đến nay được 1 tuần, doanh thu cũng trên dưới 100 triệu đồng.

Năm nay, hàng loạt sản phẩm hand-made cũng được các chị em văn phòng "rao bán". Thông thường là các loại mứt như mứt dừa, mứt xoài, cà rốt... Mỗi người thường không làm được nhiều, chính vì vậy việc sử dụng các hóa chất tẩy trắng, mất vệ sinh...được hạn chế. Đặc biệt khi khách hàng lại là đồng nghiệp, người quen. Thông thường, sản phẩm với nguồn gốc xuất xứ cụ thể như vậy sẽ có giá cao hơn chút ít so với các sản phẩm sản xuất hàng loạt khác trên thị trường. Đó không phải là vấn đề, vì khách hàng đã quá sợ hãi với những cảnh làm ô mai, mứt hoa quả ở những nơi không đảm bảo vệ sinh... Hầu như không có giá chung cho những sản phẩm hand-made. Ví dụ, cũng với sản phẩm mứt dừa trắng, không có phụ liệu khác ngoài đường, có người bán với giá 100 nghìn/kg, nhưng cũng có nơi bán cao hơn gấp rưỡi 150 nghìn/kg.

Đối với một số chị em thực sự cẩn thận, họ chọn cách tự làm các sản phẩm cho gia đình. Những món thông dụng là các món mứt, bò khô, thịt lợn sấy. Số tiền tiết kiệm được chưa không đáng kể, nhưng yên tâm "gần như tuyệt đối" - một nhân viên văn phòng thổ lộ. Trên thực tế, người tiêu dùng không thể kiểm soát hết sản phẩm sử dụng của bản thân khi mà nguyên vật liệu vẫn phải đi mua.

Huyền My

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên