MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bịt “lỗ hổng” trong đấu thầu thuốc

31-10-2013 - 08:04 AM |

Đối với thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì phải quy định rõ nhà thầu không được chào các loại thuốc nhập khẩu.

Trong bối cảnh các vụ việc liên quan đến ngành Y làm “nóng” dư luận những ngày qua, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nội dung đề cập đến quy định đấu thầu thuốc, chỉ định thầu đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến.

Ngày 30/10, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.

Ưu tiên thuốc sản xuất trong nước

Trước đó, về ý kiến một số thuốc trúng thầu hàm lượng không thông dụng với giá cao, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã xác nhận, trong quá trình giám sát công tác đầu thầu, Bộ đã phát hiện một số trường hợp cá biệt lợi dụng việc có một số thuốc với hàm lượng mới và không thông dụng, ít cạnh tranh nhằm mục đích nâng giá thuốc trúng thầu.

Thảo luận tại hội trường, về quy định mua thuốc của các cơ sở y tế được quy định tại Mục 3 Chương V của dự thảo, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đồng tình với Ban soạn thảo khi quy định song hành 2 cơ chế đấu thầu và đàm phán giá. Đây là lộ trình tất yếu khi thực hiện giá thuốc theo lộ trình giá thị trường. Tuy nhiên, nếu quy trình đấu thầu và quá trình đàm phán giá không hiệu quả có thể dẫn đến hệ lụy đại bộ phận dân cư, người có thu nhập thấp có nguy cơ không bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản. 

Nguyên nhân do sự khác nhau trong quá trình thực hiện đấu thầu và đàm phán giá mua thuốc tại các cơ sở y tế khác nhau. Do đó, đại biểu đề nghị hết sức thận trọng trong việc dùng cơ chế của thị trường để điều tiết một trong những chức năng cơ bản nhất của nhà nước đó là cung cấp dịch vụ công và cụ thể là dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thiết kế riêng một chương hoặc một mục quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế tiêu hao, do tính chất đặc thù và quan trọng của các mặt hàng này; đề nghị có chính sách ưu đãi trong đấu thầu thuốc đối với các nhà thầu sản xuất thuốc trong nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với hóa chất và vật tư, thiết bị y tế tiêu hao, thời gian qua, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp các mặt hàng này vẫn được thực hiện theo quy trình như đối với hàng hóa thông thường, thực tế không phát sinh vấn đề vướng mắc, bức xúc. Do  vậy, không quy định trong luật những đặc thù riêng cho nội dung này.

Nội dung quan trọng được nhiều đại biểu đồng tình là dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định: Đối với thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì phải quy định rõ nhà thầu không được chào các loại thuốc nhập khẩu. Trường hợp các cơ sở y tế ngoài công lập không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu đối với mua thuốc sử dụng vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế thì cơ sở y tế chỉ được thanh toán theo đúng mặt hàng và đơn giá thuốc đã trúng thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn.

Chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách

Đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) đề nghị cần thiết đưa các quy định về tỷ lệ giảm giá thành một yếu tố cho việc chỉ định thầu nhằm tăng tính hiệu quả trong chỉ định thầu. Thực tế cho thấy, nhà thầu được chỉ định thường là những đơn vị có năng lực. Do đó, vấn đề tiết kiệm tỷ lệ giảm giá cần thiết nên xem là một tiêu chí quan trọng trong chỉ định thầu. Thực tế ở địa phương số lượng gói thầu chỉ định thầu là rất nhiều (chiếm trên 7%).

Về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu rõ: Với hình thức chỉ định thầu, sự cố bất khả kháng không phải là trường hợp nên áp dụng hình thức chỉ định thầu nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch và phòng, chống tham nhũng một cách triệt để. Nếu áp dụng, chỉ áp dụng đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật an ninh quốc gia. Cũng nên liệt kê chi tiết các trường hợp cụ thể, không nên sử dụng cách viết sự cố bất khả kháng, sự cố cần khắc phục ngay vì không xác định được cụ thể. Thay vào đó có thể quy định luôn các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay là những trường hợp nào.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) thẳng thắn: Luật hiện hành hiện nay còn nhiều quy định sơ hở chưa chặt chẽ, tạo khe hở cho chủ đầu tư và nhà thầu lách luật, phát sinh ra những tiêu cực, gây thất thoát tài sản nhà nước. Khắc phục tình trạng trên, một mặt luật mới cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn với vấn đề liên quan đến chỉ định thầu, đặc biệt vấn đề liên quan đến điều kiện, thủ tục, trình tự, thẩm quyền trong việc thẩm định quyết định.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, hạn chế chỉ định thầu, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp cần khắc phục hậu quả thiên tai, trong tình trạng khẩn cấp như vỡ đê, tắc đường, vỡ đường ống dẫn nước, dẫn dầu…

Theo Nguyễn Hải

khanhnt

Báo công thương

Trở lên trên