MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buôn lậu, hàng giả, hàng nhái: Có bảo kê và móc ngoặc

14-01-2016 - 08:43 AM |

Một bộ phận nhỏ lực lượng đã trực tiếp hoặc gián tiếp bảo kê, tiêu cực hay móc ngoặc, thông đồng với các đối tượng buôn lậu.

Tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đang diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ hàng lậu, hàng giả với số lượng, quy mô lớn, tập trung vào các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng hàng lậu và gian lận thương mại? Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về diễn biến tình hình vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thời gian này?

Ông Trần Hùng: Tình trạng hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ hiện nay đang gây bức xúc trong dư luận, tác động lớn đến người dân, môi trường, điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến thị trường và môi trường đầu tư trong và ngoài nước. Những vấn nạn hàng giả hàng nhái, diễn biến đang phức tạp và xuất hiện nhiều xu hướng mới tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài.

Theo báo cáo của các địa phương gửi về, những mặt hàng nổi cộm trong năm 2014-2015 là những mặt hàng thực phẩm như mì chính, bánh mứt kẹo, đồ uống, thực phẩm, thực phẩm chức năng; Vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, chất cấm, dư lượng, dược liệu, đông dược, tân dược, hàng hóa tiêu dùng...

Ban chỉ đạo 389 của TP Hà Nội cũng như TP HCM đã phối hợp và bước đầu có chuyển biến, phát hiện ra hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả, thuốc giả, kém chất lượng.

 


Cơ quan chức năng phát hiện ra hàng chục tấn hàng giả, hàng kém chất lượng. (Ảnh minh họa: KT)

Cơ quan chức năng phát hiện ra hàng chục tấn hàng giả, hàng kém chất lượng. (Ảnh minh họa: KT)

 

PV: Hiện vẫn có một lượng lớn hàng giả, hàng nhái qua mặt được các cơ quan chức năng và trà trộn trên thị trường hiện nay. Nguyên nhân của thực trạng này do đâu thưa ông?

Ông Trần Hùng: Việc vừa qua các cơ quan báo đài phát hiện, hay người dân nói rằng “con voi chui tọt lỗ kim” không phải không có. Hàng container hay hàng xe ô tô tải vẫn đi lọt từ biên giới vào trong nội địa và chở hàng giả, hàng kém chất lượng như vậy vào đến thị trường, điều này đã gây nhiều bức xúc cho dư luận.

Để hạn chế tình trạng này, lãnh đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã kiên quyết xử lý rất nghiêm khắc, bất kể đó là đối tượng nào. Các vụ việc điển hình như hàng trăm container ở cảng TP HCM đã bị kiểm tra, bắt giữ và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để điều tra làm rõ, tìm ra được gốc của vấn đề để xử lý. Hay như vụ hàng chục xe ô tô chở hàng từ biên giới về đều được lực lượng cảnh sát kinh tế phối hợp với cơ quan chức năng bắt giữ.

Tuy nhiên đó mới chỉ là bước đầu. Vấn đề là vì sao vẫn để lọt nhiều vụ việc như vậy? Trước mắt chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đó là có thể thiếu lực lượng kiểm tra kiểm soát ở các tỉnh biên giới. Ví dụ nhập cửa khẩu chính ngạch là hải quan, nhập qua đường mòn lối mở là bộ đội biên phòng, lực lượng cũng mỏng và thiếu, âm mưu, phương thức thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi xảo quyệt.

Bên cạnh đó, chúng ta không loại trừ một bộ phận nhỏ lực lượng trực tiếp hoặc gián tiếp bảo kê, tiêu cực hay móc ngoặc, thông đồng với các đối tượng. Do đó đã làm ngơ và bỏ lọt sự kiện.

PV: Ban chỉ đạo 389 đã có những phương án, kế hoạch gì nhằm chủ động đấu tranh, xử lý và chấn chỉnh các hoạt động này từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016?

Ông Trần Hùng: Từ nay đến Tết là tháng cao điểm, thực hiện công điện của Ban chỉ đạo quốc gia 389 toàn quốc, Ban chỉ đạo đặc biệt lưu ý các tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh có cửa khẩu, có tình trạng buôn lậu nổi cộm, được Trung ương tăng cường.

Bộ trưởng Bộ Công An đã chỉ đạo rất quyết liệt, lực lượng công an phải là lực lượng chủ công trong việc điều tra trấn áp tội phạm trong lĩnh vực tội phạm kinh tế, tìm ra đường dây, ổ nhóm, phải đánh đúng, đánh trúng. Bộ Công Thương chỉ đạo rất kiên quyết lực lượng quản lý thị trường bằng những kế hoạch cụ thể; phối hợp liên ngành với lực lượng quản lý thị trường.

Với chức năng thường trực, Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh phối hợp tốt với công an kinh tế, cảnh sát chuyên ngành, với các lực lượng chức năng khác để nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi, ngăn chặn nạn hàng giả hàng nhái, buôn lậu, đầu cơ tích trữ, găm hàng, làm rối loạn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán tới đây; bảo đảm cho người dân có một cái Tết an toàn, văn minh, không để vấn nạn hàng giả hàng nhái làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.../.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Chung Thủy

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên