MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng với hình thức mua bán qua truyền hình

05-06-2013 - 10:34 AM |

Bộ Công thương nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về các hình thức lừa đảo liên quan đến mua bán hàng qua kênh truyền hình.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, thông qua các hệ thống, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, Cục này đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh của người tiêu dùng về các hình thức lừa đảo liên quan đến các giao dịch mua bán hàng qua kênh truyền hình.

Theo đó, hầu hết người tiêu dùng đều phản ánh sau khi đặt mua hàng và sử dụng thì mới phát hiện ra chất lượng của sản phẩm không đúng như nội dung quảng cáo. Thậm chí, với một số trường hợp, chất lượng của sản phẩm không đúng như quảng cáo ngay từ vẻ bề ngoài.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, có nhiều trường hợp sau khi đặt mua điện thoại di động được quảng cáo với đủ mỹ từ đẹp đẽ và tính năng hiện đại thì chỉ nhận được một chiếc điện thoại bị xây xước vỏ ngoài, các linh kiện đi kèm thì không đồng bộ, giấy tờ mua bán, bảo hành thì mập mờ, không ghi rõ đầy đủ thông tin… Và nguy hiểm hơn là khi người tiêu dùng đặt mua các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chăm sóc vì các mặt hàng này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhiều người tiêu dùng sau khi phát hiện hàng hóa có chất lượng không đúng như quảng cáo gọi điện đến đơn vị bán hàng thì được tư vấn là gửi chuyển hàng lại để công ty bảo hành. Tuy nhiên, sau khi hàng được gửi lại theo địa chỉ công ty cung cấp thì người tiêu dùng cũng không làm cách nào biết được sản phẩm của mình đang được bảo hành như thế nào. Đến trực tiếp địa chỉ bảo hành do công ty cung cấp thì không tìm thấy văn phòng. Vì vậy, mới có nhiều trường hợp khi người tiêu dùng đến trực tiếp địa chỉ bán hàng/bảo hành do công ty quảng cáo trên chương trình bán hàng thì phát hiện ra địa chỉ đó là một quán trà đá hoặc là địa chỉ của bưu điện nơi công ty bán hàng đăng ký dịch vụ chuyển phát thư từ, bưu phẩm.

Đánh vào tâm lý thích mua hàng được giảm giá của phần lớn người tiêu dùng, các chương trình bán hàng trên mạng hầu hết đều tập trung vào mức giảm giá đặc biệt của sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng đã có ý thức cảnh tỉnh trước thông tin giảm giá của người bán nhưng trước tần suất quảng cáo liên tục họ vẫn bị cuốn hút vào việc gọi điện để đặt hàng. Rất nhiều vụ việc “mua một bán mười” của các doanh nghiệp đã bị cơ quan nhà nước phát hiện.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 5/2013, Chi Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Vạn Gia Hảo và phát hiện hàng loạt sai phạm trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm quảng cáo qua truyền hình và bán hàng qua điện thoại.

Cụ thể, ngoài các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, vi phạm về dán nhãn phụ khi lưu thông trên thị trường thì đoàn kiểm tra cũng phát hiện mức độ “thổi phồng” giữa giá bán với giá nhập khẩu của các sản phẩm. 

Ví dụ,  sản phẩm máy matxa Body Pro nhập khẩu từ Trung Quốc có giá khoảng 8 USD (chưa đến 170.000 đồng). Tuy nhiên, sau khi “thổi phồng” công hiệu trên các kênh truyền hình, sản phẩm được bán gần 2 triệu đồng. Theo công bố trên một số kênh truyền hình, mức giá này đã được giảm 50%! 

Đặc biệt, loại quần lót định hình có giá gốc chỉ khoảng 10.000 đồng nhưng giá bán lẻ lên đến gần 400.000 đồng/cái. Với khả năng “thồi phồng” giá bán như vậy thì với mức giảm giá dù có lên đến 100% thì người tiêu dùng vẫn bị mua sản phẩm với giá quá đắt.

Hay cách đây không lâu là công ty mua sắm có tên Happy Shopping đã bị phát hiện bán hàng giả nhập lậu và quảng cáo sai sự thật khiến người dân tiền mất tật mang.

Thông qua các thông tin thu thập từ phản ánh của người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh còn phát hiện một trong những dấu hiệu rõ ràng của hành vi bán hàng lừa đảo trên truyền hình là nhà cung cấp từ chối hoặc đưa ra lý do hạn chế việc người tiêu dùng trực tiếp giao dịch với người bán. Người bán chỉ chấp nhận đặt hàng qua điện thoại và hàng sẽ được giao, cũng như thanh toán tại nhà người mua.

Đối với các quảng cáo này, mặc dù có thể địa chỉ và số điện thoại của công ty được đăng tải rõ ràng, nhưng phần lớn khi người tiêu dùng đến các địa chỉ quảng cáo thì công ty không tồn tại và người tiêu dùng cũng rất khó để có thể liên hệ với người bán thông qua số điện thoại.

Có trường hợp, sau khi đặt cọc người tiêu dùng không nhận được hàng giao. Cố gắng liên lạc với đơn vị bán hàng thì không gặp được người chịu trách nhiệm hoặc liên tục được hứa hẹn sẽ chuyển hàng vào thời gian tới hoặc nhiều thông tin khác từ phía người bán gây khó dễ cho người tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng cho biết mệt mỏi với quy trình liên lạc với đơn vị bán hàng nên đành chấp nhận mất tiền oan.

Như vậy, mặc dù là một hình thức giao dịch mới xuất hiện nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã biến tướng rất nhiều hình thức lừa đảo người tiêu dùng gắn liền với hình thức mua bán qua truyền hình.

Dĩ nhiên, khi thực hiện một chương trình quảng cáo, người bán sẽ cố gắng lựa chọn và truyền tải các thông tin tốt nhất về sản phẩm của mình tới người xem. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh, việc thổi phồng các thông tin hoặc quảng cáo gian dối thông tin là một hình thức vi phạm các quy định pháp luật và vi phạm trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, người tiêu dùng cần lưu ý tham khảo ý kiến bạn bè, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm hiểu về các kênh truyền hình quảng cáo, bán hàng trên mạng. Người tiêu dùng cần phải tự đặt ra nguyên tắc kiểm tra lại thông tin về hàng hóa, doanh nghiệp và các chính sách bán hàng trước khi thực hiện giao dịch mua bán.

Thực tế các vụ việc khiếu kiện của người tiêu dùng cho thấy, một trong những vấn đề phát sinh khi người tiêu dùng mua bán hàng qua truyền hình là việc liên hệ với bên bán thường rất khó khăn sau khi giao dịch đã được thực hiện xong. Phần lớn các quảng cáo hiện nay trên truyền hình chỉ đăng tải tên công ty, số điện thoại liên hệ, rất ít công ty công bố địa chỉ cửa hàng rõ ràng. Để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin về người bán./.

Theo PV

khanhnt

VOV

Trở lên trên