MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng “cuộc chiến” bánh kẹo nội - ngoại phục vụ Tết

17-01-2016 - 14:17 PM |

Bánh kẹo nội sau nhiều năm thắng thế đã vấp phải cạnh tranh quyết liệt từ bánh kẹo ngoại trong mùa tết năm nay.

 

Bên cạnh những thương hiệu nhập khẩu quen thuộc, sự đổ bộ của các đại gia bánh kẹo nước ngoài cùng với thuế suất nhập khẩu giảm mạnh theo các cam kết hiệp định thương mại tự do mà VN ký kết đã làm thị trường bánh kẹo càng gần tết càng nóng.

Bánh kẹo nội sau nhiều năm thắng thế đã vấp phải cạnh tranh quyết liệt từ bánh kẹo ngoại trong mùa tết năm nay.

Nhà nhà kinh doanh hàng tết

Từ đầu tháng 12, bà Hùng Mai, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM), bắt đầu dọn bớt mặt tiền cửa tiệm để dành diện tích trưng bày bánh kẹo, nước giải khát. Những giỏ quà tết chủ yếu là bánh hộp, kẹo sôcôla, cà phê... được gói sẵn làm hàng mẫu với nhiều mức giá khác nhau: 500.000, 1 triệu và 2 triệu đồng cho khách tiện tham khảo chưng át cả lối đi.

Theo bà Mai, mùa vụ tết chỉ có hơn hai tháng nhưng là thời điểm không thể bỏ qua. Năm nay, nhà phân phối chủ động chào hàng từ sớm nên bà “ôm hàng” nhiều hơn mọi năm gần 20%. Đa số là bánh kẹo của Anh, Pháp, Đan Mạch... và một ít dòng cao cấp của các hãng trong nước.

“Bánh kẹo các nước ASEAN không còn mới, giờ người ta quan trọng mẫu mã, bánh cũng phải ngon nên chấp nhận giá cao. Hàng này chiết khấu cũng ổn nên tôi ưu tiên”, bà Mai giải thích thêm.

Những tiểu thương bán hàng tết theo mùa vụ như bà Mai phần lớn nhắm vào phân khúc trung cấp, sẵn sàng nhận đơn hàng số lượng lớn của các doanh nghiệp, công ty nên rất chịu khó “săn” hàng có mẫu mã đẹp, sang và ưu tiên hàng ngoại. Ghé vô quầy mứt, đồ khô nào tại các chợ thời điểm này cũng thấy nhộn nhịp khách tranh nhau hỏi hàng, hỏi giá, hỏi giao hàng biếu tặng cho tết.

Chủ sạp Thơ, 176 chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), cầm lên bịch nilông lớn và giỏ làm sẵn giới thiệu với khách: “Em muốn chị gói vào giỏ hay để bịch nilông, kiểu gì chị cũng làm được, khách muốn sao chị chiều vậy”. Đứng bên cạnh, một nhân viên bán hàng tranh thủ hỏi: “Anh muốn giao hàng đi đâu? Giao chỗ nào tụi em cũng giao được hết, Củ Chi, Hóc Môn tụi em cũng giao. Anh ghi số vô giấy, mai mốt muốn mua món gì cứ alô qua tụi em gói hàng gửi tận nơi, anh khỏi phải ghé chợ”.

Cho tới thời điểm này, ghi nhận tại chợ vẫn chưa thấy có những mặt hàng bánh kẹo, mứt tết gì nổi bật, mới nhất là các loại hạt nhập như hạt óc chó, hạt macca và một số bánh kẹo ngoại được tiểu thương chào mua nhiều. Với hai loại này, tùy từng chất lượng giá dao động từ 280.000 - 350.000 đồng/kg. Các loại mứt phổ biến khác như mứt sen, mứt me, gừng, trái cây... giá từ 120.000 - 250.000 đồng/kg.

Tại sạp Thúy, chuyên kinh doanh các loạt mứt và hạt khô, một nhân viên cũng chào mời: “Anh muốn gói loại bao nhiêu tiền, thường thì 300.000 - 500.000 đồng/giỏ, nhưng sang hơn thì 1 triệu cũng có cho anh luôn, gói và giao tận nơi, anh yên tâm” - chủ sạp này giới thiệu.

Bánh kẹo ngoại 
“cháy” hàng?

Trong khi đó, khảo sát trên thị trường, bánh kẹo ngoại năm nay khá phong phú từ chủng loại đến giá cả. Ngoài việc thông qua đường nhà phân phối VN như Kinh Đô thông báo phân phối các sản phẩm bánh kẹo của Tập đoàn Mondelz International với những thương hiệu quen thuộc như bánh quy kem Oreo, bánh phômai Ritz, bánh quy bơ LU, kẹo Choclairs... cho mùa tết 2016, một phần bánh kẹo ngoại còn “chảy” theo sự hiện diện của nhà bán lẻ nước ngoài vào VN gần đây.

Ghi nhận tại các hệ thống bán lẻ, bánh kẹo ngoại xuất hiện khá nhiều trên các quầy kệ, kẹo dẻo ngoài hàng trong nước có thêm hàng Thái, mức giá tương đương, dao động từ 25.000 - 37.000 đồng/bịch. Bên cạnh các loại bánh quy hộp, bánh trong nước truyền thống, các loại bánh quy xuất hiện thêm bánh Oreo, kẹo Choclairs của Pháp, hay bột pha nước giải khát Tang nhập khẩu xuất hiện nhiều trên các kệ hàng.

Vào nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm ngoại, người tiêu dùng còn dễ dàng mua được bánh mứt, đồ sấy khô nhập, sôcôla đóng hộp hay các loại đóng vỉ nhập khẩu từ Mỹ, Canada bày bán khá nhiều tại các chợ, giá từ 150.000 đồng trở lên, thu hút sự tò mò của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hùng, phụ trách phân phối thị trường phía Nam của một thương hiệu bánh kẹo của Pháp, cho biết đến thời điểm này đã hoàn thành doanh số cho mùa tết. “Thị trường “ăn” hàng ghê gớm, mỗi hộp bánh giá từ 250.000 - 650.000 đồng nhưng tiêu thụ chóng vánh. Chúng tôi đã lên kế hoạch nhập thêm hàng từ các nước xung quanh để dồn cho thị trường VN”, ông Hùng tiết lộ.

Tìm đường cạnh tranh

Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Bibica, cho biết sau hơn hai tháng tung hàng tết, doanh số Bibica đạt được là 95% so với kế hoạch, tăng trên 15% so với cùng kỳ 2014 và cũng đã hoàn thành 100% kế hoạch sản xuất. Mùa tết năm nay, công ty tung ra 1.600 tấn bánh kẹo các loại, trong đó tăng gấp 2 - 3 lần các sản phẩm bánh chủ lực Goody và Lạc Việt, đầu tư mạnh và đa dạng mặt hàng kẹo.

Điểm nhấn kẹo tết của Bibica năm nay là sản phẩm kẹo mềm trái cây Ngũ Quả, Phúc Lộc Thọ và kẹo cứng Phát Tài. Về giá bán, các sản phẩm tết 2016 của công ty không tăng nhiều, từ 5 - 10% tùy loại, khoảng 30% sản phẩm giữ nguyên giá.

Trong khi đó, dù thuộc về sở hữu đại gia ngành bánh kẹo nước ngoài nhưng năm nay bánh kẹo Kinh Đô vẫn nhấn mạnh yếu tố truyền thống trong các sản phẩm tết của mình. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết đến thời điểm này, lượng hàng phân phối đến các điểm bán lẻ đạt hơn 80% tổng lượng hàng, so với những năm trước, các doanh nghiệp phải tung “chiêu” bán hàng, đưa hàng đi các điểm bán lẻ sớm hơn gần một tháng để người dân làm quen với sản phẩm, có thời gian tính toán và lựa chọn kỹ hơn.

Trong đó, việc gom hàng vào các giỏ quà, hộp quà năm nay cũng được đẩy mạnh hơn, với mục tiêu bán được hàng hóa nhiều hơn. Trong nhóm này, Kinh Đô đưa ra hai loại hộp quà từ sớm, không tung các sản phẩm bán lẻ như các năm. Hay một số sản phẩm được sản xuất từ phô mai của một đơn vị nhập khẩu cũng được gom lại thành một hộp quà lớn gồm phô mai khoanh, bánh phô mai, bánh kem... tất cả sắp xếp trong hộp quà xinh xắn, xách đi rất tiện dụng.

Tại một số siêu thị, một hộp quà gồm nước ngọt, bánh quy, trà cũng được gom lại để bán làm quà tết khiến nhiều người tiêu dùng để ý.

 

 

Bánh kẹo không nhãn mác “xuống đường”

Tại một số chợ, tiểu thương cho biết đến thời điểm này các nhóm hàng bán được nhất là tôm khô và lạp xưởng để biếu tặng cho công nhân hay người thân ở các vùng xa. Với gần 10 loại tôm khô khác nhau, giá dao động từ 500.000 tới 1 triệu đồng/kg, được các tiểu thương nhiệt tình giới thiệu.

Bên cạnh đó, các loại kẹo bắt mắt, kẹo hàng xá vẫn xuất hiện nhiều, ghi nhận cho thấy các sản phẩm kẹo dẻo thường được bọc trong gói giấy nilông, không nhãn mác, đối với một số loại kẹo khác chỉ ghi tên cơ sở sản xuất, không địa chỉ, không hạn sử dụng.

 

Bánh nội vẫn chiếm lĩnh thị trường

Thống kê của các nhà bán lẻ trong nước cho biết đến nay bánh hộp nội vẫn chiếm ưu thế về chủng loại trên kệ với 80%, phần kẹo ngoại tỉ lệ này có giảm nhẹ xuống còn 50-50 nhưng ở phân khúc cao cấp thì nhường hẳn cho thương hiệu nước ngoài.

“Doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực, các thiết kế mẫu mã tinh xảo hơn qua mỗi năm, không chỉ hạn chế được tình trạng hàng nhái, hàng giả mà còn khẳng định được vị thế của hàng bánh kẹo nội.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của hàng trong nước là nhấn mạnh yếu tố truyền thống trong khi người tiêu dùng mới lại hướng đến sự mới mẻ, hiện đại. Nếu dung hòa được điều này, cơ hội cho bánh kẹo trong nước vẫn rất lớn”, giám đốc phụ trách thu mua một hệ thống siêu thị nhận xét.

Gom hàng vào giỏ quà: quảng bá thương hiệu

Theo các chuyên gia bán lẻ, việc gom hàng vào giỏ quà đạt được mục tiêu đẩy được hàng và quảng bá thêm cho các sản phẩm. Thông thường, các đơn vị sẽ trộn giỏ quà bao gồm các sản phẩm có thương hiệu với những sản phẩm ít được người tiêu dùng để ý, vừa chạy được doanh số, vừa đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, xu hướng biếu tặng vẫn là sang trọng, tiện lợi, bắt mắt nên các loại hộp quà, gói quà được làm sẵn sẽ dễ khiến người tiêu dùng lựa chọn hơn là mua từng món riêng lẻ để biếu tặng. Hình thức này còn được nhà bán lẻ hỗ trợ khi sẵn sàng tặng chiết khấu cho khách hàng hoặc giảm giá 10 - 15% so với mua riêng lẻ từng món hàng.

 

 

Theo Như Bình - Dũng Tuấn

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên