MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống hàng giả, hàng nhái cần toàn dân vào cuộc

28-11-2014 - 17:08 PM |

Sản phẩm nào làm giả có lợi nhuận cao sẽ ngay lập tức có hàng giả trên thị trường, tốc độ làm giả nhanh và giá rẻ hơn.

Đó là khẳng định của ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tại Lễ kỉ niệm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái được tổ chức sáng 28/11 tại Bộ Công Thương.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết thời gian qua lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Hết tháng 10/2014 lực lượng quản lý thị trường đã  xử lý 64.000 trường hợp vi phạm về hàng giả, hàng nhái, tiêu huỷ số hàng hoá giá trị trên 40 tỷ đồng.

"Thủ đoạn sản xuất hàng giả nhái càng ngày càng tinh vi nếu chỉ dựa vào lực lượng chức năng Hải quan, Quản lý thị trường, Công an là chưa đủ mà đây là công việc của toàn xã hội, phải huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thế Bảo nhận định, tình hình hàng giả, hàng nhái ở nước ta hiện nay hết sức nghiêm trọng, rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn rộng lớn đến các khu đô thị, các khu chợ, siêu thị sầm uất cũng như trên các vỉa hè, lòng đường ở thành phố đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Theo đó, các mặt hàng làm giả ngày càng đa dạng: thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thé y, thuốc nuôi trồng thuỷ sản, thuốc tăng trọng, phân bón giả, hàng điện tử, điện lạnh, hàng may mặc, vật liệu xây dựng, mũ bảo hiểm, các loại mỹ phẩm, các loại đồ uống có cồn, các loại dễ gây cháy nổ, đồ chơi trẻ em,…gây thiệt hại lớn đến người tiêu dùng.

Sản phẩm nào làm giả có lợi nhuận cao sẽ ngay lập tức có hàng giả trên thị trường, tốc độ làm giả nhanh và giá rẻ hơn. Hơn 60% nguồn hàng giả được đưa từ nước ngoài vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đặt hàng rồi gắn nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của các nước đưa vào Việt Nam tiêu thụ”, ông Bảo nói.

Cụ thể, số nguyên liệu làm lên sản phẩm là do nước ngoài cung cấp, nhưng lại ghi nhãn hiệu Made in Việt nam hoặc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định.

Ông Bảo cho rằng, công tác chống hàng giả, hàng nhái còn nhiều hạn chế:

Một là, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng còn hạn chế, có doanh nghiệp còn né tránh, lo nói đến sản phẩm bị làm giả, sợ người mua e ngại.

Hai là, có địa phương chưa nghiêm túc và chưa có quyết tâm cao trong việc chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Chưa có sự phối hợp với các doanh nghiệp để chống hàng giả được chặt chẽ hơn.

Ba là, năng lực của các lực lượng còn hạn chế, trang thiết bị kiểm nghiệm, kinh phí kiểm tra và phát hiện xử lý, kinh phí hỗ chợ cho lực lượng chức năng còn có hạn.

"Chi phí tiêu huỷ hàng giả thì cần phải lấy nó nuôi nó. Công an rồi đến quản lý thị trường khi bắt được một vụ mà tiền không có đến khi vớ phải thuốc bảo vệ thực vật thì đến kinh phí tiêu hủy cũng không có. Chúng tôi đã kiến nghị 4 lần lên Chính Phủ, mặc dù biết Chính Phủ còn nhiều khó khăn trong cân đối ngân sách nên chúng tôi luôn phải kiến nghị 5% tiền thu từ việc chống hàng giả để tiêu huỷ”, ông Bảo nói.

Ông Lê Thế Bảo cho biết, lực lượng hải quan biên giới đã bắt giữ hơn 40 vụ lớn. Lực lượng Công an lập nhiều chuyên án lớn, hàng trăm vụ vi phạm hàng lậu, hàng giả bị xử lý như “quả đấm” tập trung vào những đường dây lớn. 


Hướng Dương

bachhue

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên