MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa phát hiện sản phẩm sữa thay đổi mẫu mã để tăng giá bán

24-05-2015 - 23:06 PM |

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, khi rà soát hồ sơ kê khai về giá, Bộ vẫn chưa phát hiện thấy có sản phẩm sữa nào thay đổi mẫu mã mà các thành phần, vi chất giống nhau hoàn toàn rồi tăng giá bán.

Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 24/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời về vấn đề quản lý giá sữa.

Trước câu hỏi về việc biện pháp quản lý giá sữa bằng việc áp mức giá trần là đi ngược lại quy luật của thị trường. Tại sao Bộ Tài chính vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp này?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nhìn lại cách đây hơn 1 năm, trước sự phản ánh của dư luận rằng giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm có tác động làm giá sữa của Việt Nam tăng lên.

Trước tình hình đó, căn cứ quy định của pháp luật về giá, Bộ Tài chính kiến nghị, và trong Nghị quyết số 29/NQ-CP, việc bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện theo biện pháp đăng ký và xác định giá tối đa. Qua gần 1 năm thực hiện, giá sữa đã giảm từ 0,1 - 34% so với trước khi quản lý.

Đầu năm 2015, khi sắp hết thời hạn áp dụng theo Nghị quyết này, tình hình giá sữa trong nước có diễn biến tương đối phức tạp. Thời gian đầu năm, giá nguyên liệu sữa trên thế giới giảm trong khi giá sữa trong nước lại giảm. Mặt khác, giá sữa cùng chủng loại, chất lượng so với các nước trong khu vực còn quá cao (cao hơn 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines và 46% so với Malaysia…).

Quan điểm kiên định của Bộ Tài chính đã là doanh nghiệp thì phải cạnh tranh và phải lấy giá cả làm tiêu chuẩn cạnh tranh nếu cùng chất lượng, mẫu mã. Như thế người tiêu dùng mới được hưởng lợi. Người tiêu dùng mặt hàng này là hơn 10 triệu trẻ em và đây là đối tượng rất nhạy cảm. Bộ kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp quản lý giá sữa theo quy định pháp luật về giá.

Liên quan đến vấn đề chi phí quảng cáo đang chiếm 20% giá thành của sữa, mà sau khi áp dụng quy định mới là cấm tính chi phí quảng cáo vào giá sữa thì giá bán lẻ chỉ giảm từ 0,4-4% thôi. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, chưa nói tới chi phí quảng cáo, khuyến mại, trong thời gian vừa qua chúng ta triển khai Nghị quyết của Chính phủ về áp trần giá sữa, giá sữa như đã nói giảm từ 0,1-34%.

Đồng thời với đó, yêu cầu doanh nghiệp loại trừ hết chi phí quảng cáo, khuyến mãi, không được tính vào giá sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi. Qua đó, giá sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi đã giảm thêm từ 0,1-4%.

Bộ Tài chính hy vọng trong thời gian tới, việc tiếp tục triển khai Nghị quyết của Chính phủ về quản lý giá sữa, cùng với công tác thanh tra, kiểm tra thì các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi nói chung và cho trẻ em dưới 2 tuổi nói riêng sẽ được quản lý tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, tăng thêm lợi ích cho người tiêu dùng.

Liên quan đến việc các doanh nghiệp có thể thay đổi nhãn mác sản phẩm để “lách” quy định của Bộ Tài chính. Cụ thể là sau khi Bộ Tài chính không cho tính chi phí quảng cáo vào giá thành của sữa nữa, các hãng sữa chia làm 2 loại: dưới 2 tuổi và từ 2-3 tuổi, sau đó tăng giá sữa thêm 5.000 đồng/hộp. Bộ Tài chính sẽ xử lý như thế nào đối với những hãng sữa sau khi đăng ký giá trần lại tung ra những sản phẩm thay đổi nhãn mác không đáng kể nhưng lại tăng giá bán?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, khi rà soát hồ sơ kê khai về giá, Bộ vẫn chưa phát hiện thấy có sản phẩm nào thay đổi mẫu mã mà các thành phần, vi chất giống nhau hoàn toàn rồi tăng giá bán. Trong trường hợp có thay đổi về mẫu mã, thành phần dinh dưỡng, giá tối đa sẽ được xác định mới cho phù hợp. Các hãng sữa vi phạm quy định sẽ bị thanh tra, kiểm tra nguyên nhân sai phạm và bị xử lý theo quy định.

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên