MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cửa hẹp ngành mía đường

15-10-2013 - 07:20 AM |

Ngành mía đường đang bí đầu ra, tồn kho lớn ngay đầu vụ, giá giảm sâu. Dù sản xuất đủ nhu cầu trong nước, nhưng nạn buôn lậu đường từ Campuchia, Lào ước tính mỗi năm 400.000 tấn.

Đường buôn lậu chiếm gần 1/3 lượng đường chế biến trong nước, đó là chưa kể lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch sau khi Việt Nam gia nhập WTO hàng năm là 73.000 tấn.

Những khó khăn này đang vây chặt ngành mía đường, khiến các DN vào mùa chế biến bị động. Nếu mua theo giá cao để nông dân trồng mía có lãi thì DN sẽ bị lỗ. Nhưng nếu mua giá thấp, chắc chắn vụ sau diện tích sẽ giảm mạnh, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu chế biến niên vụ sau đó. 

Lường trước khó khăn, từ đầu năm nay, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã kiến nghị Bộ Công thương cho phép xuất khẩu tiểu ngạch 300.000 tấn đường/400.000 tấn đường dư thừa. Nhưng mãi đến tháng 3-2013 mới cho xuất 200.000 tấn đường RS. Nhưng do nhu cầu thay đổi của Trung Quốc nên chỉ xuất được 100.000 tấn. Khi Bộ Công thương cho gia hạn đến tháng 7 cũng chỉ xuất được 123.000 tấn. 

Vì vậy, VSSA kiến nghị gia hạn đến cuối năm 2013 và cho phép xuất cả đường RS lẫn RE. Tuy nhiên, trong lúc không ngăn được đường nhập lậu, lại e ngại có thể gây ra biến động giá đường trong nước nếu cho xuất tiểu ngạch, nên Bộ Công thương đã vô tình đẩy ngành mía đường vào nguy cơ phá sản.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu giảm liên tiếp 3 tháng qua, trong đó, lượng gạo xuất khẩu tháng 7 thấp hơn dự kiến 123.000 tấn và là mức xuất thấp nhất trong 7 tháng. 

Như vậy, qua 9 tháng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu 5,2 triệu tấn gạo, trị giá (FOB) 2,2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2012, lượng giảm 10,6%, trị giá FOB giảm 13,4%. Điều này tăng sức ép thực hiện kế hoạch cuối năm. VFA cho biết, quý 4 có thể xuất khẩu 1,8 triệu tấn. Như vậy khả năng năm 2013 chỉ xuất khoảng 7 triệu tấn gạo so với dự kiến trước đó 7,5 triệu tấn.

Nhưng trái với lo ngại, giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long không giảm mạnh, mà có xu hướng nhích lên. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tuần qua giá lúa tăng 300 - 500 đồng/kg tùy loại. Giải thích điều này, VFA cho rằng, cùng với hợp đồng xuất khẩu chính ngạch tăng trở lại, một lượng gạo không nhỏ đã được xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, làm giảm bớt áp lực giá lúa gạo khi các DN xuất khẩu gạo gặp khó đầu ra bởi nguồn cung dồi dào từ các nước.


Theo Đăng Lãm

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên