MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa lan Đà Lạt nở không chờ... tết!

26-12-2013 - 07:24 AM |

Địa lan là loại hoa có giá trị cao, mỗi năm chỉ nở hoa một lần, việc nở sớm gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Vùng trồng địa lan lớn nhất cung cấp cho thị trường cả nước là Đà Lạt (Lâm Đồng) đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn địa lan cung cấp cho thị trường tết do một diện tích lớn địa lan đã nở hoàn toàn, không thể bán vào dịp tết.

Thời điểm này những người trồng địa lan tại Đà Lạt như ngồi trên lửa, không dám ký hợp đồng với đối tác do không chắc chắn được lượng hàng có thể cung cấp đúng vào dịp tết do khoảng 60% diện tích với tổng số hơn 60ha địa lan trên địa bàn Đà Lạt, chủ yếu các giống cam lửa, lan hài và hoàng hậu, đã bung nở.

Địa lan là loại hoa có giá trị cao, mỗi năm chỉ nở hoa một lần, việc nở sớm gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Anh Đỗ Văn Ẩn, giám đốc Công ty hoa Ngọc Ẩn, một đơn vị trồng địa lan lớn tại Đà Lạt, cho biết khoảng 40% vườn địa lan của anh đã nở hoàn toàn, khoảng 20% đang bắt đầu bung nụ, chủ yếu là giống cam lửa. Hiện anh Ẩn phải tìm nhiều cách để kìm hãm sự sinh trưởng của địa lan để có hàng cung cấp cho đối tác trong dịp tết.

“Tôi phải tìm mọi cách để hạ nhiệt độ môi trường khu trồng địa lan liên tục để giữ cho hoa tươi lâu. Ngoài việc bón phân, phải đưa địa lan vào khu vực ít ánh sáng và tưới nước kiểu phun sương liên tục để hạ nhiệt”, anh Ẩn nói. Tuy nhiên theo anh Ẩn, chỉ có thể cứu được những chậu lan đang bung nụ, còn lan đã nở phải chấp nhận cắt cành với giá thấp.

Giá địa lan cho dịp tết chưa được ấn định, tuy nhiên khoản phí cho việc kiểm soát thời gian nở hoa của địa lan sẽ làm chi phí đầu tư tăng khoảng 20%, anh Ẩn cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Phước, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty DILA (P.7, Đà Lạt), đã tìm mọi cách kìm không cho địa lan nở sớm nhưng cả vườn địa lan hơn 30.000 cành (tương đương 6.000 chậu) của ông đã nở khoảng 70%.

Thời điểm này, ông phải di chuyển liên tục xuống các vườn địa lan ở vùng Cầu Đất (Xuân Trường, TP Đà Lạt), nơi có vị trí cao và nhiệt độ thấp nhất Đà Lạt, để tìm mua địa lan chưa nở và đặt hàng nông dân trồng theo quy trình của công ty để có đủ hàng cung cấp cho thị trường.

Ông Phước cho biết nếu không có hàng cung cấp cho bạn hàng thân thiết sẽ mất mối nên buộc phải tìm kiếm nguồn hàng để duy trì thị trường. “Năm nay địa lan sẽ tiếp tục thất thu”, ông khẳng định.

Hiện vườn địa lan của ông Phước không cứu được nên buộc phải cắt cành bán dần. Theo ông Phước, bán cành sẽ lỗ lớn nhưng không bán rẻ thì cũng phải bỏ. Ông nói: “Bán nguyên chậu địa lan giống cam lửa khoảng 13 triệu đồng, nhưng nếu cắt cành, nguyên chậu chỉ bán được 500.000 đồng”.

Tuy nhiên ông Phước vẫn may mắn vì còn tìm kiếm được nguồn hàng, còn ông Nguyễn Văn Đức, chủ vườn địa lan tại khu vực hồ Tuyền Lâm, không còn cơ hội tham gia thị trường hoa tết do gần 90% (18.000 cành) địa lan của ông đã nở.

Ông Trần Huy Đường, chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết nguyên nhân địa lan nở sớm là do từ đầu tháng 11 đến nay, thời gian nắng nóng trong ngày của Đà Lạt kéo dài (hơn 7 giờ/ngày) nên địa lan bị kích thích sinh trưởng và phát triển nhanh. Nếu thời tiết tiếp tục như hiện nay, diện tích địa lan nở trước dịp tết sẽ tăng cao đến 80%.

Đà Lạt mỗi năm cung cấp cho cả nước khoảng 400.000 cành địa lan các loại, tương đương 80.000 chậu. Theo ông Đường, năm nay chỉ có thể cung cấp 50% số lượng năm trước.

Theo Mai Vinh

khanhnt

Tuổi trẻ

Trở lên trên