MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN “khóc” vì thuế nhập khẩu bông chải kỹ từ 0 lên 10%

09-03-2012 - 14:32 PM |

Việc áp thuế nhập khẩu bông rơi chải kỹ đang từ 0 lên 10% sẽ khiến cho các doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm và khả năng mất luôn thị trường nội địa.

Bộ Công thương vừa có công văn số 1168/BCT-CCN gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ này cho phép các doanh nghiệp kéo sợi được nhập khẩu bông rơi chải kỹ (comber noil) làm nguyên liệu cho sản xuất sợi OE, đồng thời được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% như với nguyên liệu bông xơ nguyên.

Theo tường trình của 11 doanh nghiệp dệt sợi phía Bắc, thời gian gần đây, các lô hàng bông chải kỹ nhập khẩu được Cục Hải quan Hải Phòng thông báo phải chịu mức thuế nhập khẩu 10%, do bông chải kỹ là bông phế liệu, phải khai báo nhóm 5202.99.00, thay vì áp mã HS code 5203.00.00 như trước, và theo khoản 3, Luật Tài nguyên môi trường và quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT là loại hàng nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Tài nguyên môi trường, đồng thời không có trong danh mục được nhập khẩu.

Thông báo này ngay lập tức khiến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn, bởi cùng với các nguyên liệu khác, thì bông rơi chải kỹ vốn là một thành phần không thể thiếu trong quy trình kéo sợi OE.

Trong hàng chục năm qua, các nhà máy kéo sợi OE trong nước đã nhập hàng trăm triệu tấn bông rơi chải kỹ. Tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu loại bông này từ trước đến nay khi làm thủ tục nhập khẩu đều khai báo mã số theo biểu thuế 5203.00.00-xơ bông, đã chải thô, chải kỹ-thuế NK 0%-thuế VAT 5%. Và tại thông báo số 995/PTPLMB-NV ngày 6/6/2008 Trung tâm Phân tích phân loại thuộc Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng đã kết luận là xơ bông, đã chải kỹ, mã số theo biểu thuế 5203.00.00.

Ông Vũ Huy Đức, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Đông Phong (Thái Bình) cho biết, việc nhập khẩu bông rơi chải kỹ về kéo sợi OE là bắt buộc với mỗi doanh nghiệp kéo sợi, chứ đây không phải là phế liệu bông mà doanh nghiệp cố tình nhập về để giảm giá thành, tạo tính cạnh tranh và hủy hoại môi trường.

Do nguồn cung cấp trong nước mới đáp ứng được 2% nhu cầu, để đảm bảo nguyên liệu cho ngành dệt may, các doanh nghiệp sợi phải nhập 98% bông chải kỹ.

Nếu dây chuyền kéo sợi nồi cọc chỉ sử dụng bông xơ nguyên làm nguyên liệu, thì dây chuyền kéo sợi không cọc OE có thể tận dụng bông rơi chải kỹ (bông phế, sau công đoạn chải kỹ của dây chuyền kéo sợi nồi cọc) làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất với tỷ lệ 50% bông rơi chải kỹ + 50% bông xơ nguyên để sản xuất sợi OE

Loại bông này rất phù hợp để sản xuất sợi OE vì giá thành rẻ được từ 20 đến 30% so với bông xơ nguyên. Nếu như sợi cọc - sợi CD chỉ số 20 được sản xuất từ 100% nguyên bông có giá thành 3,4 USD/kg thì giá thành sợi OE chỉ số 20 làm từ bông chải kỹ chỉ có 2,8 USD.kg.

Theo ông Vũ Huy Đông, Tổng giám đốc Công ty CP dệt sợi Damsan (Thái Bình), việc áp mã HS 5202.99.00 cho mặt hàng bông rơi chải kỹ-thuế NK 10%, dẫn đến các doanh nghiệp phải tăng giá sợi OE và các mặt hàng khác dùng sợi OE lên 10%, khiến không thể cạnh tranh được với các nước, đồng thời cũng mất luôn thị trường nội địa vì khách hàng sẽ dùng sợi OE nhập khẩu thay cho sợi OE nội địa.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ số máy OE hiện có của các doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng sẽ phải để không, và nếu không thể duy trì sản xuất được thì các khoản vay tài sản cố định từ ngân hàng không trả nợ được. Chưa kể hàng ngàn lao động tập trung tại Thái Bình, Nam Định mất việc

Ông Đông còn cho biết thêm, vướng mắc lớn nhất là hàng ngàn tấn bông đã nhập khẩu về cảng Hải Phòng từ 27/11/2011 và 3/12/2011 chưa được làm thủ tục hải quan vì việc áp dụng mã HS 5202.99.00.00 và chưa có giấy phép của Bộ Tài nguyên Môi trường, khiến doanh nghiệp không có bông sản xuất, đứt dây chuyền, phải chịu chi phí lưu công, lưu bãi cho những lô hàng là rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, đồng thời không thể đảm bảo được hàng giao cho đối tác.

Chưa kể nhiều lô hàng của các doanh nghiệp đã và đang về cảng Hải Phòng, song không thể làm thủ tục nhập khẩu vì không có trong danh mục nhập khẩu được phép của Bộ Tài nguyên nên cũng không thể nhập khẩu vào Việt Nam.

Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Artex, ông Nguyễn Văn Bình cho hay, Việt Nam đã gia nhập WTO, việc thống nhất chuẩn hóa quốc tế tên gọi hàng hóa theo mã HS code của quốc tế là tất yếu, tuy nhiên, thống nhất áp mã thế nào để giảm bớt thủ tục hành chính và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp là điều cần được tính đến.

Đặc biệt, bông rơi chải kỹ chính là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sợi OE, chứ không phải là phế liệu bông mã 5202.99.00, hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường như lý giải của Hải quan Hải Phòng.

Bởi vậy, trong Công văn 1168/BCT-CCN của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa gửi Bộ Tài chính cũng đề nghị nghiên cứu áp mãu thuế HS cho mặt hàng bông rơi chải kỹ cho phù hợp, tốt nhất là nên áp mã 5203.00.00 như trước đây để thống nhất, thuận tiện cho quản lý và không thuộc danh mục phế liệu nhập khẩu phải cấp giấy phép từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Hải Yến

Đầu tư

hangnt

Trở lên trên