MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp, thấp nhất 4 năm

07-11-2014 - 12:45 PM |

Giá sữa và thịt lợn giảm mạnh; trong khi giá đường và ngũ cốc tăng nhẹ ...Thực phẩm toàn cầu đang có chuỗi ngày giảm giá dài nhất kể từ năm 2009 tới nay.

Giá thực phẩm trên thị trường thế giới tháng 10 vừa qua ghi nhận tháng giảm thứ 7 liên tiếp; mức giảm thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay và góp phần kiềm chế lạm phát cũng như tăng khả năng tiếp cận nguồn lương thực giá rẻ.

Theo thông báo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), tháng 10 vừa qua, chỉ số giá cả của 55 mặt hàng thực phẩm giảm 0,2% so với tháng trước xuống còn 192,3 điểm. Báo cáo cũng cho biết, hầu hết các mặt hàng chính vẫn ổn định, riêng đường và dầu thực vật tăng nhẹ, trong khi sữa và thịt lại giảm giá. Tính đến nay, chỉ số giá thực phẩm đã giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Giá lương thực giảm do sản lượng cây trồng tăng lên, sản lượng sữa tăng cũng như sự phục hồi sản xuất thịt lợn của Mỹ. Giá lương thực giảm giúp kiềm chế tỷ lệ lạm phát toàn cầu và giảm giá dầu. 

“Người tiêu dùng sẽ được lợi khi giá thực phẩm giảm thấp. Tuy nhiên, cần có chiến lược để thu hẹp quy mô sản xuất đối với các mặt hàng tồn kho trong năm tới” - Abdolreza Abbassian, một chuyên gia kinh tế học của FAO cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại.

Đồng thời, FAO cũng dự báo, năm thứ 2 liên tiếp sản lượng lương thực tăng cao có thể đẩy dự trữ lên cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Dự trữ lên cao sẽ gây áp lực lên giá trong vụ tới.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm 2008, chỉ số giá thực phẩm của FAO đã tăng lên mức kỷ lục và đẩy giá lương thực tăng cao dẫn đến hơn 60 vụ bạo loạn lương thực trên toàn thế giới giai đoạn 2007-2009.

Sau khi giảm vào năm 2009, giá thực phẩm thế giới tiếp tục tăng cao lên mức kỷ lục vào năm 2011 dẫn đến tình trạng bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.

Báo cáo của FAO cho thấy, giá sữa và các sản phẩm sữa giảm mạnh, trong tháng vừa qua giảm tới 1,9% so với tháng trước đó. Giá sữa bột Hà Lan giảm đến 5,5% do lượng tiêu thụ từ Liên minh Châu Âu tăng mạnh.

Trong khi đó, giá các loại thịt cũng giảm mạnh nhờ ngành chăn nuôi của nhiều nước đã bắt đầu được khôi phục sau đại dịch lở mồm, long móng diễn ra cách đây không lâu. Số liệu thống kê cho thấy chỉ số giá thịt lợn đã giảm 1,1% xuống còn 208,9 điểm; ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp sau mức kỷ lục 212 điểm từ tháng 8.

Tuy nhiên, trong tháng 10 vừa qua, giá ngũ cốc tăng nhẹ 0,2% lên 178,4 điểm. Trong số các mặt hàng nông phẩm tăng giá, đường tăng mạnh nhất với 4,2% so với tháng trước, chủ yếu do nắng hạn ở các nước trồng nhiều mía, như Brazil và Cuba, khiến sản lượng và chất lượng loại cây trồng này giảm đáng kể. 

“Sau 5 tháng sụt giảm, giá lúa mì và ngũ cốc thế giới đã ghi nhận mức tăng nhẹ do vụ thu hoạch tại Mỹ bị chậm lại và tình hình thu hoạch hoa màu tại Australia trở nên xấu hơn” – Báo cáo của FAO cho biết.

Các chuyên của FAO dự báo tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm nay sẽ  cao hơn năm ngoái, có thể đạt tới trên 722,6 triệu tấn, do nhiều nước được mùa, trong đó đáng kể nhất là Ukraine.

Tuy vậy, nhu cầu về lúa mì và gạo để phục vụ tiêu dùng trong năm nay sẽ tăng 0,9%, và nhu cầu về các loại hạt để phục vụ chăn nuôi gia súc cũng tăng 2,6% so với năm ngoái. 

>>>Giá thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 6 liên tiếp, xuống thấp nhất 4 năm

Nguyệt Quế

huongtt

Bloomberg

Trở lên trên