MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng hóa không giảm theo giá xăng: Im lặng là vàng

01-11-2014 - 19:28 PM |

Khi giá xăng tăng hàng loạt giá cả hàng hoá cùng các loại cước vận chuyển, dịch vụ hàng ăn uống…tăng cao theo nhưng khi giá xăng giảm thậm chí giảm rất sâu thì các dịch vụ này lại im lặng!

Tất cả đều im lặng!

Theo thống kê, từ đầu năm 2014 đến nay xăng dầu đã có 13 lần điều chỉnh về giá. Trong đó có 8 lần giảm giá và 5 lần tăng giá. Trong 5 lần tăng giá, giá xăng tăng lên tổng cộng 1.440 đồng, trong 8 lần giảm giá giá xăng giảm tới 3.300 đồng/lít. Tính chung lại giá xăng đã giảm hơn 1.860 đồng so với thời điểm cuối năm 2013.

Còn nhớ khi giá xăng tăng và lập kỷ lục vào ngày 7/7 lên tới 25.640 đồng/lít thì hàng loạt các dịch vụ hàng hoá, vận tải, ăn uống, công nghiệp, vật liệu xây dựng… lần lượt kêu khó và đòi tăng giá. Khi đó giá cả nhiều mặt hàng tăng giá gấp đôi, gấp ba. 

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây đó là sự im lặng của các ngành hàng hoá, dịch vụ này khi trước đây mỗi lần xăng tăng là hô hào tăng giá thì nay họ im lặng hoàn toàn theo phương châm "im lặng là vàng”.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, giá cả các mặt hàng vẫn giữ nguyên thậm chí môt số loại rau quả còn tăng giá so với thời gian trước. Tại chợ Đại Từ (P. Q. Hoàng Mai), chợ Dịch Vọng (Q. Cầu Giấy), chợ Thanh Liệt, chợ Thành Công…giá các mặt hàng rau củ quả có xu hướng tăng nhẹ vì chớm vào vụ đông. Riêng với các mặt hàng thiết yếu khác như: gạo, hoa quả, các mặt hàng khô…vẫn giữ nguyên.

Trong khi trước đó các mặt hàng này được đánh giá là thiếu ổn định, mỗi khi giá xăng lên các tiểu thương lại lấy lý do này để tăng giá các mặt hàng. Người tiêu dùng cũng cảm thông khi tiểu thương kêu khó. 

Ngành vận tải là ngành chịu tác động trực tiếp của việc tăng giá xăng dầu. Vì vậy, mỗi khi giá xăng tăng thì các hãng taxi cùng các loại hình vận tải khác…đồng loạt xin tăng giá. Cho đến nay, giá xăng giảm liên tiếp 8 lần với tổng gần 3.300 đồng/lít thì các hãng taxi và vận tải vẫn im lặng. Tất nhiên chuyện im lặng đồng nghĩa với việc giá cước vẫn giữ nguyên. 

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội, taxi là một ngành ngạy cảm với giá xăng dầu, khi giá xăng tăng lên mức 7% thì các hãng sẽ thực hiện tăng giá cước ngay. Ông khẳng định, trong yếu tố cấu thành giá vận tải, giá xăng dầu chỉ chiếm 40%. Đồng thời, các chi phí khác như: bảo hiểm xe, các loại thuế phí, kiểm tra sức khoẻ định kỳ xe…đang tăng lên nên vận tải chưa thể giảm giá cước.

Trước đó ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết giá xăng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính toán chỉ số CPI. Vì vậy việc tăng giảm giá của xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến giá cả hàng hoá, dịch vụ. Ông Quyền khẳng định rằng, xăng dầu tăng giảm là do điều hành của Nhà nước, còn hàng hoá trên thị trường vận hành theo quy luật thị trường vì vậy việc tăng giảm là do cung cầu của thị trường chứ không liên quan nhiều đến giá xăng.

Thiếu cảm thông, chia sẻ với người tiêu dùng

Rất nhiều người tiêu dùng trong thời gian qua đã phàn nàn về việc giá xăng giảm nhiều lần nhưng hàng hoá thiết yếu không giảm theo. 

Chị Thuỳ Linh (Phố Đại Từ, P. Thịnh Liệt, Q. Hoàng Mai) chia sẻ: "Có thời điểm giá cả hàng hoá tăng rất cao, tôi thắc mắc thì người bán bảo giá xăng tăng nên tăng, tôi cũng hết sức chia sẻ. Tuy nhiên, mấy ngày vừa rồi ra chợ tôi thấy hàng hoá không hề giảm trong khi giá xăng giảm rất sâu. Rất buồn vì các tiểu thương nhiều khi họ không muốn chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng”.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc giá xăng giảm mà tất cả đều im lặng, hàng hoá vẫn giữ nguyên giá đó là thiếu sự cảm thông, chia sẻ với người tiêu dùng. Suy cho cùng, trong mỗi đợt tăng giá xăng người dân cũng là đối tượng cuối cùng phải chịu thiệt bởi giá cả hàng thiết yếu leo thang. Đến nay, giá xăng giảm liên tục, hàng hoá vẫn giữ nguyên giá không chịu giảm thì cuối cùng cũng chỉ người dân phải gánh hết!


Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên