MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khấu trừ VAT với thiết bị y tế: Ai đảm bảo giá dịch vụ sẽ giảm?

16-11-2014 - 09:46 AM |

Giá dịch vụ là theo thị trường. Nhiều bệnh viện tư nhân vẫn khám chữa bệnh với giá dịch vụ lên tới hàng triệu đồng/ngày.

Quốc hội đang thảo luận về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều quan điểm khác nhau.

Nêu quan điểm về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế, ông Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội bày tỏ không đồng tình việc khấu trừ VAT với trang thiết bị y tế… Bởi lẽ, về nguyên lý không có thuế đầu ra làm sao khấu trừ đầu vào. Tất cả các mặt hàng y tế, giáo dục Chính phủ đều ghi rõ không chịu VAT.

Trong trường hợp đã khấu trừ VAT rồi thì ai đảm bảo rằng giá dịch vụ sẽ giảm? Giá dịch vụ là theo thị trường. Ở bệnh viện tư nhân, giá dịch vụ có khi lên tới 1-2 triệu/ngày có phải đa số dân hưởng không hay chỉ vài người có tiền? Phần đông người dân vẫn khám ở bệnh viện công đấy thôi. Chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm”, cứ tài sản cố định mua vào làm xã hội hóa là khấu trừ. “Tôi đồng ý khấu trừ nhưng chỉ với những sản phẩm có thuế đầu vào và dân phải chịu thuế đầu ra. Dân không chịu thuế đầu ra thì sao lại chịu thuế đầu vào cho DN” – đại biểu Trần Quang Chiểu nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Quang Chiểu cũng bày cho rằng, nên cân nhắc và qui định cụ thể đối với đề nghị của Chính phủ trong trường hợp đặc biệt sử dụng công nghệ tiên tiến, lần đầu sản xuất ở Việt Nam được ưu tiên thuế suất và ưu đãi 30 năm. Bởi theo đại biểu Trần Quang Chiểu, công nghệ của ta non kém, đối với Việt Nam, công nghệ được đưa vào lần đầu chưa chắc đã phải là tiên tiến. Ở đây, ta phải theo Luật công nghệ chứ không thể nói chung chung là “lần đầu sản xuất ở Việt Nam”. Nói như thế thì cái gì cũng ưu đãi hết. Nếu là một cái ốc vít thì bây giờ có cần ưu đãi? Không nên đặt vấn đề như vậy mà thay nên áp dụng theo Luật công nghệ cao, Luật KHCN.

Về xóa nợ tiền chậm nộp phạt thuế, đại biểu Nguyễn Quang Chiểu đồng tình tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng khẳng định chỉ đồng ý xóa nợ thuế do Nhà nước nợ tiền DN. Nếu nhà nước nợ tiền mà phát sinh khoản nợ thuế chậm nộp thì đồng tình xóa tiền này đi vì khách quan do Nhà nước nợ. Còn do tính toán không kỹ, thua lỗ thì anh phải chịu. Trường hợp thứ hai, DN phá sản hoặc đối phương phá vỡ hợp đồng thì DN không thể đòi tiền để bù phát sinh chậm nộp.

“Nếu đồng ý các lý do khác thì sẽ tạo sự bất công bằng đối với các DN trong tình hình khó khăn hiện nay. Đồng ý sẽ tạo tiền lệ DN ỷ lại khoản tiền này chờ một thời gian Nhà nước xóa đi. Có những tỉnh, thuế nợ đọng gần 20%. Không thể để tình trạng tôi gương mẫu thì thiệt còn anh không gương mẫu thì có lợi” – ông Trần Quang Chiểu nói.

Tăng thuế với thuốc lá là cần thiết

Ông Trần Quang Chiểu cũng đề nghị tính toán nâng thuế đối với thuốc lá và lộ trình ngắn lại. Tăng thuế không phải vì lý do ngân sách thay đổi khi nâng thuế TTĐB mà là vì đời sống xã hội. Thời gian qua, tỷ lệ người hút thuốc đã giảm xuống nhưng số người hút vẫn tăng. Giai đoạn hiện nay hữu hiệu nhất là tăng thuế, tăng giá để hạn chế người học hút. Còn những người hút rồi thì không thể hạn chế sử dụng được.

Về lo ngại tăng thuế sẽ kích thích buôn lậu, đại biểu Quang Chiểu cho rằng, “không đáng lo” vì buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam là cấp thấp, việc tăng thuế sẽ kích thích buôn lậu “Nhưng không phải vì tôi quản lý buôn lậu kém mà tăng thuế ít thôi. Hãy xem trên thị trường hiện nay có mặt hàng gì là không có buôn lậu” – đại biểu đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, lý do tăng thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng đến người trồng thuốc lá trong nước, đại biểu Quang Chiểu cho rằng, nước ta nhập khẩu thuốc lá là chính còn sản xuất trong nước không đáng mấy, nguyên liệu nhập cơ bản ở nước ngoài. Đại biểu dẫn chứng, thuế thuốc lá của ta thấp nhất khu vực và thế giới trong khi ta đã hội nhập. Riêng Pháp, 3 năm tăng thuế 4 lần, hiện giá bán thuốc lá là 120.000 đồng/bao. Việt Nam không có bao thuốc lá nào có giá 100.000 đồng. Việc đánh thuế của mình là trên giá xuất xưởng. Còn các nước là thuế bán lẻ. Nếu tính giá bán lẻ thì thuế TTĐB của ta không đến 45%. Các nước Malaysia, Indonesia… là tính thuế trên giá bán lẻ.

Là địa phương có vùng nguyên liệu thuốc lá, ông Phạm Văn Cường – Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai cho biết: Việc trồng cây thuốc lá rất vất vả, làm ngày làm đêm, từ thu hái, phân loại sản phẩm, bận hơn nuôi tằm nhưng giá bán lại rất thấp, bị các công ty ép giá.

“Năm vừa rồi, ngân sách địa phương hỗ trợ dân 7-8 tỷ đồng/năm. Năm 2015 chúng tôi không làm thuốc lá nữa” – ông Cường khẳng định.

Về lộ trình tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, theo ông Cường phải nhanh hơn, có thể là từ năm 2016 chứ không phải đến 2019. “Đưa ra lộ trình dài như vậy rồi lại thấy luật không khả thi lại bàn để sửa” – ông Cường nói./.

Theo Vũ Hạnh

cucpth

VOV Online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên