MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không để uy tín rơi theo lốp máy bay

23-10-2013 - 10:08 AM |

Hãy nhìn ở khía cạnh tích cực, rơi một chiếc lốp cũng là lời cảnh báo để các hãng hàng không tập trung hơn cho sự an toàn.

Chiếc máy bay ATR-72 mang số hiệu VN1673 cất cánh từ Hải Phòng lúc 12 giờ 45 ngày 21.10, đã bị rơi mất một chiếc lốp ở mũi sau khi hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng là một sự cố hàng không được dư luận quan tâm.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - phát biểu với báo chí, sự cố rơi bánh máy bay nói trên thuộc loại nghiêm trọng, uy hiếp an toàn bay. Các chuyên gia hàng không đều có đánh giá tương tự. 

Thông tin về sự cố rơi lốp máy bay của một hãng máy bay Việt Nam cũng như những phát ngôn từ phía những người có trách nhiệm được công khai trên các cơ quan truyền thông là việc cần thiết. 

Việc lập tức tổ chức kiểm tra kỹ thuật đội tàu bay ATR-72 và báo cáo kết quả với Cục Hàng không Việt Nam để kịp thời đưa vào khai thác sáng ngày 22.10 cũng rất cần thiết. 

Hai chữ “cần thiết” được nhắc lại hai lần ở đây chính là tạo sự tin tưởng đối với khách hàng. 
Đánh giá sự cố là nghiêm trọng, nhưng phải hết sức bình tĩnh. Đừng để uy tín của ngành hàng không Việt Nam rơi theo cái lốp máy bay, ảnh hưởng không chỉ tới Vietnam Airlines, mà còn các hãng non trẻ như Vietjet Air, Jetstar Pacific. 

Nếu chúng ta không tin vào các hãng hàng không của nước mình thì không thể thuyết phục niềm tin của khách hàng khắp nơi trên thế giới. Họ e ngại sự an toàn của các hãng máy bay Việt Nam, họ không đến du lịch Việt Nam, thiệt hại đó không chỉ của riêng các hãng máy bay.

Dân mình cũng vậy, khi chưa hiểu thật kỹ lưỡng về các sự cố, cứ nghĩ máy bay nội  kém hơn máy bay ngoại thì thật nguy hiểm. Cho nên, cũng cần có những phân tích thật rõ ràng, khách quan để tạo niềm tin.

Niềm tin vào các hãng hàng không của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Trên thế giới, tai nạn máy bay xảy ra không ít, các sự cố liên quan đến an toàn hàng không thì quá nhiều. 

Riêng Việt Nam, trong suốt mấy chục năm hoạt động của ngành hàng không dân sự, tai nạn rất hiếm khi xảy ra và sự cố cũng không nhiều. 

Từ vụ máy bay Yak–40 rơi tại thung lũng Ô Kha trong một cơn bão nhiệt đới ngày 14.11.1992  và vụ máy bay TU-134 bị tai nạn tại Campuchia ngày 3.9.1997, đến nay, ngành hàng không Việt Nam đã có những thay đổi rất lớn về kỹ thuật, bỏ máy bay cũ, bổ sung nhiều máy bay hiện đại, đào tạo đội ngũ phi công, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Người Việt Nam có dịp đi nhiều nước trên thế giới cũng như người Việt Nam ở nước ngoài, có thể so sánh một cách khách quan về điều này và chắc chắn đều có chung niềm tin về sự an toàn của các hãng hàng không Việt Nam.

Hãy nhìn ở khía cạnh tích cực, rơi một chiếc lốp cũng là lời cảnh báo để các hãng hàng không tập trung hơn cho sự an toàn.

Theo Lê Thanh Phong

khanhnt

Báo lao động

Trở lên trên