MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát giá sữa sẽ làm hạn chế lựa chọn

03-06-2014 - 15:54 PM |

Ông Adam R. Sitkoff- Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham)- cho rằng, việc áp giá trần chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn.

Từ 1/6, Việt Nam chính thức áp trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, việc này được người tiêu dùng rất ủng hộ vì lâu nay họ phải chịu một mức giá “bất hợp lý”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đối với một nền kinh tế theo hướng thị trường như Việt Nam, việc can thiệp quản lý giá trực tiếp từ cơ quan nhà nước như thế có thể chỉ mang lại những lợi ích ngắn hạn cho người tiêu dùng thông qua việc giảm giá sản phẩm trước mắt. Còn về lâu dài, chưa chắc người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế sẽ được hưởng lợi, sẽ có những công ty cân nhắc sự tham gia vào thị trường hoặc giảm sự sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Hơn nữa, rất nhiều tài liệu trên thế giới cho thấy kiểm soát giá là phản tác dụng và làm ảnh hưởng tới cạnh tranh và lợi ích của người tiêu dùng bằng cách hạn chế sự lựa chọn của họ.

Theo ông, vì sao giá sữa của VN lại cao đến vậy, nếu đem so sánh với các nước trong khu vực, hay bao gồm cả so với mức thu nhập tính theo đầu người?

Sữa là một sản phẩm tiêu dùng quan trọng và nên áp dụng các nguyên tắc thị trường tự do. Việc giá sữa tăng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, tôi không cho rằng giá sữa hay sản phẩm từ sữa của Việt Nam là quá cao khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Tôi cũng không nhìn thấy sự độc quyền trong ngành công nghiệp sữa ở đây.

Còn về các chi phí quảng cáo quá cao hiện nay thì sao, nó có thể đã tác động giá cả chăng?

Chi phí Marketing là một trong những nhân tố quyết định đến giá thích hợp của bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào. Lấy ví dụ, một chai bia có thể có giá 10.000 đồng khi uống bên những con đường bụi bặm và nóng bức, tuy vậy, cùng một chai đó có thể có giá cao hơn 5 lần nếu được phục vụ trong các quán bar với máy lạnh và có không gian đẹp.

Các gia đình Việt Nam nên có nhiều sự lựa chọn để mua sữa tại các mức giá khác nhau để phù hợp tốt nhất với nhu cầu của riêng mình.

Có cách nào quản lý giá sữa ngoài biện pháp áp giá trần hay không thưa ông? Kinh nghiệm các nước về vấn đề này như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, có nhiều nhân tố quyết định giá của bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào. Đầu tư cho ngành sữa đòi hỏi chi phí lớn và lĩnh vực này tại VN đang khá năng động và cạnh tranh đối với cả công ty trong và ngoài nước. Trên thị trường hiện có hàng trăm sản phẩm sữa của hàng chục công ty và hàng ngàn các nhà bán lẻ để người tiêu dùng lựa chọn với nhiều mức giá khác nhau, tuy nhiên tôi cho rằng, hệ thống phân phối sản phẩm của Việt Nam không hiệu quả và rất tốn kém... tất cả những thứ này đều được tính vào chi phí cuối cùng mà hộ gia đình Việt Nam phải trả.

Nếu Chính phủ quan tâm đến giá sữa hay bất kỳ thực phẩm nào khác họ nên thực hiện các biện pháp như giúp đỡ nông dân, hoặc nếu mục tiêu của việc áp giá lần này là hướng vào các sản phẩm sữa nhập khẩu thì Chính phủ nên cân nhắc việc giảm thuế nhập khẩu để làm cho các phẩm này vừa túi tiền hơn.

Một trong các cách tốt nhất tại các quốc gia đang phát triển mà đã giảm được giá sữa là đảm bảo thị trường cởi mở và cạnh tranh, chuỗi cung ứng hiệu quả, và thuế nhập khẩu thấp. Đó là những chính sách và luật lệ hấp dẫn cho doanh nghiệp hơn là các chính sách hạn chế hoạt động của doanh nghiệp và kiềm hãm sự cạnh tranh trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam ông Haike Manning:

Tôi cũng không hưởng ứng lắm với việc Chính phủ áp giá cho mặt hàng sữa bởi New Zealand là quốc gia có nguồn thu chủ yếu từ việc xuất khẩu các sản phẩm sữa (chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu mỗi năm với tổng giá trị tương đương 8,1 tỷ USD - PV) và việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hay giá cả đều do thị trường quyết định. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu tự chọn lựa được những sản phẩm có giá thành phù hợp với họ. Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể trao đổi với các DN để tìm ra các giải pháp tốt nhất cho cả DN và người tiêu dùng.  

Theo Thu Hằng

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên