MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh gà đẻ loại thải, không thể nói cứ đúng luật là làm

24-06-2013 - 11:13 AM |

Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ vì tìm kiếm lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội với cộng đồng, tên tuổi doanh nghiệp sẽ bị xói mòn…

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, đại diện siêu thị Big C, cho biết tại thời điểm tháng 10 năm ngoái, khi có thông tin cảnh báo mặt hàng gà dai Hàn Quốc không đảm bảo chất lượng, Big C đã quyết định tạm dừng bán để đợi kết luận từ cơ quan chức năng, đồng thời chủ động lấy mẫu đi làm các xét nghiệm. 

Sau đó, vì các cơ quan chức năng không đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc cấm kinh doanh mặt hàng này, đồng thời các xét nghiệm do Big C chủ động thực hiện cũng cho kết quả sản phẩm gà dai đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, nên Big C đã kinh doanh trở lại mặt hàng này. Đại diện siêu thị Metro cũng đưa ra lập luận tương tự như vậy.

Trong khi đó, ông Hoàng Trọng, chủ tịch công ty The Pathfinder cho rằng, khi bán sản phẩm ra thị trường, ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, doanh nghiệp cũng phải nghĩ đến lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Dẫn câu chuyện về một người đang kiếm lời tiền tỉ nhờ kinh doanh mực photocopy, nhưng sau khi biết loại hàng hoá mình đang bán gây độc hại cho người sử dụng, anh ta đã có quyết định bỏ nghề này. 

Theo ông Trọng, siêu thị và doanh nghiệp nhập khẩu gà loại thải cũng nên làm như vậy. Họ phải nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của người sản xuất chứ không thể chỉ vì lợi nhuận bởi theo ông: “Nghĩ tới cộng đồng, làm vì cộng đồng có thể không thu được lợi nhuận nhưng qua đây doanh nghiệp lại xây dựng được tên tuổi, hình ảnh, thương hiệu trong lòng người tiêu dùng”.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, người kinh doanh thịt gà đẻ loại thải phải có trách nhiệm giải thích rõ ràng thông tin về sản phẩm để người tiêu dùng hiểu chứ không thể ghi chung chung là “gà dai Hàn Quốc” được. Ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc công ty chăn nuôi Japfa Việt Nam nói: “Người kinh doanh phải vì quyền lợi người tiêu dùng. Họ phải ghi thông tin cặn kẽ lên bao bì để người tiêu dùng lựa chọn”.

Ông Kiều Minh Lực, đại diện công ty chăn nuôi CP Việt Nam cũng kiến nghị: “Hệ thống nhãn mác có thể phải phân biệt bằng màu sắc cho sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu. Đối với những sản phẩm thịt nhập khẩu sử dụng cho mục đích chế biến (xúc xích, thịt viên…) thì nhà sản xuất phải khai báo trên nhãn mác là sử dụng nguyên liệu nhập khẩu”.

Theo Hoàng Bảy

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên